Rừng đặc dụng Phong Quang vẫn “chảy máu”

(PLO) - Dù đã có phần “hạ nhiệt” do nhu cầu thớt nghiến từ bên kia bên giới không còn sôi động như mấy năm trước song “lá phổi xanh” rừng đặc dụng Phong Quang, Hà Giang vẫn đang bị chặt từng “khúc ruột”.
Một cây gỗ nghiến có đường kính hơn mét, có tuổi đời vài trăm năm có thể bị hạ xuống trong vòng 20 phút
Một cây gỗ nghiến có đường kính hơn mét, có tuổi đời vài trăm năm có thể bị hạ xuống trong vòng 20 phút
Cưa máy “sát hại” rừng nghiến
Rừng đặc dụng Phong Quang rộng trên 7.000 ha, nằm trên địa phận bốn xã của huyện Vị Xuyên và một phần nằm trên phường Quang Trung, thành phố Hà Giang.
Rừng nơi đây đã từng được đánh giá có hệ sinh thái đa dạng, lưu giữ nhiều nguồn tài nguyên thực vật quý hiếm, nơi trú ngụ của các loài cây trong nhóm 2a như: đinh, trai, nghiến, kim giao, lát… nhưng hiện một số loài đã bị khai thác cạn kiệt, chủ yếu còn lại là nghiến. 
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, phía bên kia biên giới Trung Quốc, lái buôn gỗ không ngừng gia tăng nhu cầu mua thớt nghiến. Có thời điểm, một thớt nghiến đường kính 40cm, dày 40cm, bán trót lọt qua biên giới có giá tới 1,5 triệu đồng. Gỗ được vận chuyển bằng hình thức thồ ngựa, đèo xe máy hoặc gùi trên lưng, để đưa ra các con đường mòn, đường tắt. Một người khỏe mạnh có thể vận chuyển 2 đến 3 thớt/ngày. Do hám lợi, nhiều người nghiễm nhiên coi việc đốn hạ nghiến đem bán là nghề mưu sinh.
Cầu lên cao, cung sẽ đáp ứng dồi dào. Nhiều nhà còn sắm cưa máy chạy xăng (cưa lốc) để tăng năng suất khai thác. Phát rừng, xẻ gỗ chỉ trong nháy mắt, cưa máy đã trở thành nỗi kinh hoàng cho những cánh rừng. Một cây gỗ nghiến có đường kính hơn mét, có tuổi đời vài trăm năm có thể bị hạ xuống trong vòng 20 phút. Cắt khúc, xẻ hộp hay xẻ theo lát, tùy theo đơn đặt hàng, cưa máy đều có thể giải quyết ngay tại rừng. Nhà nào không có điều kiện mua cưa, sẽ được lái buôn “tạm ứng” trước, sau đó tiền mua cưa sẽ được đổi trả bằng ba khúc thớt nghiến.
Đến thời điểm này, chưa ai thống kê chính xác cưa máy chạy xăng đã đốn hạ bao nhiêu cây nghiến, nhưng theo một người dân ở thôn Tân Sơn, xã Minh Tân cho biết riêng ở khu vực đầu nguồn này đã có tới cả trăm cây nghiến cổ thụ bị cưa máy hạ gục, nếu thống kê đầy đủ có lẽ rừng đặc dụng Phong Quang đã bị đốn hạ hàng nghìn cây nghiến. 
Cắt khúc, xẻ hộp hay xẻ theo lát, tùy theo đơn đặt hàng, cưa máy đều có thể giải quyết ngay tại rừng
 Cắt khúc, xẻ hộp hay xẻ theo lát, tùy theo đơn đặt hàng,
cưa máy đều có thể giải quyết ngay tại rừng
“Máu rừng” vẫn chảy
Địa bàn xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên là nơi “nghiến tặc” hoạt động lộng hành nhất, do phần lớn diện tích rừng nằm trên xã này với 5.200 ha và 7km đường biên giáp Trung Quốc. Phải mất nhiều năm sau khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, đến nay “điểm nóng” về chặt phá nghiến mới có dấu hiệu “hạ nhiệt”. 
Thượng úy Hoàng Tô Long, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Minh Tân cho biết: “Cách đây khoảng 4 - 5 năm, hiện tượng chặt gỗ nghiến diễn ra phức tạp. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng này đã giảm đi nhiều do các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Biên phòng phối hợp vào cuộc đấu tranh quyết liệt, nhiều đối tượng bị khởi tố điều tra, bắt giam. Nạn khai thác trộm nghiến giảm rõ rệt”.
Tuy nhiên, cũng cần kể đến nguyên nhân là nhu cầu thu mua thớt từ phía bên kia biên giới không còn “nóng” như trước nữa.  Nhưng không vì thế mà việc chặt hạ nghiến chấm dứt. Thay vì để cả khúc đem bán như trước kia, giờ gỗ được làm ra thớt thành phẩm, để cung ứng thị trường nội địa, trong đó có một bộ phận người dân ở các tỉnh dưới xuôi lên miền núi công tác, du lịch hay có sở thích chọn mua đồ “rừng” về để làm “quà”. Một cái thớt đường kính 40cm, dày 5cm được bán với giá 350 nghìn đồng, thớt dày 15 - 20 cm có giá tiền triệu. 
Để chấm dứt hẳn việc chặt gỗ nghiến đem bán là điều không hề dễ dàng. Địa bàn rộng, nhiều khu vực có địa thế hiểm trở nên việc phát hiện và tổ chức bắt giữ “lâm tặc” của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, đa phần người dân đều là người dân tộc thiểu số, khả năng sản xuất cũng còn nhiều hạn chế. Vào thời điểm cuối năm, những cây nông sản như ngô, khoai, sắn… hết thời vụ, không có công ăn việc làm nên một số người dân vẫn vào rừng lén lút đốn hạ nghiến làm thớt bán. 
Ông Phàn Văn Hạc, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên cho biết: “Những người tham gia phá rừng đều là hộ nghèo nên rất khó xử lý”.

Đọc thêm