Ruộng “quan” xanh, ruộng nông dân hoang hóa

(PLO) - Quá trình dồn điền đổi thửa ở thôn Trường Xuân (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng xảy ra nhiều xung đột như ở huyện Sóc Sơn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi đã có nông dân vướng vòng lao lý.
Cánh đồng trắng băng dù đã vào vụ cấy.
Cắt hộ nghèo, cắt bảo hiểm nếu không gắp phiếu?
Trao đổi với PLVN, người dân thôn Trường Xuân bày tỏ quan điểm đồng loạt nhất trí và ủng hộ chủ trương dồn điền đổi thửa. Nhưng họ bức xúc vì cho rằng quá trình thực hiện của chính quyền địa phương “có vấn đề”.
“Quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa đều do các cán bộ tự đề ra theo từng vùng. Sau đó, trong các cuộc họp với dân, họ đưa ra đề án cách làm của họ, nhưng nhân dân không đồng tình. Bao nhiêu cuộc họp diễn ra ở nhà văn hóa thôn, mọi việc vẫn không được giải quyết ổn thỏa. Dân phản đối và nêu ý kiến, xã im lặng, không công nhận, và cứ tiến hành cho gắp phiếu để dồn điền đổi thửa”, một người dân cho biết.
Một người khác kể lại: “Quá trình dồn điền đổi thửa diễn ra từ tháng 8/2013. Ngày 20/1/2014 là buổi gắp phiếu đầu tiên nhưng dân chúng tôi thấy vô lý nên không ai ủng hộ. Tới ngày 4/3/2014, chính quyền tổ chức đợt tiếp theo, kéo dài khoảng 20 ngày. Ban đầu đưa về thôn ba ngày nhưng không thực hiện được, sau đó mang xuống xã gắp phiếu dần. Thậm chí, họ còn cho người mang phiếu vào tận nhà để “ép” dân”. 
Nông dân giải thích đa phần họ không chịu hợp tác vì cảm thấy cách làm việc của cán bộ xã không có quy trình. Những người thống nhất bốc phiếu tại nhà văn hóa thôn vào ngày 4/3 chủ yếu là người nhà của cán bộ và lác đác vài ba cụ già ở thôn.
Ngoài ra, người dân còn bất bình phản ánh cách làm việc của chính quyền là “ép dân, đe dọa dân”. Một số người tố cáo: “Họ dọa dẫm chúng tôi nếu không đi gắp phiếu thì những gia đình thuộc diện hộ nghèo sẽ bị cắt hộ nghèo, những ai thương binh, bệnh binh sẽ bị cắt bảo hiểm”.
Rất nhiều thắc mắc
Chuyện gắp phiếu chưa đi tới đâu, người dân thêm bức xúc thấy chính quyền đào, đắp bờ, san gạt ruộng mà không họp dân để cùng làm, cùng bàn, “toàn tự cán bộ đi làm hết”. Một người chán nản nói: “Triển khai đắp bờ chưa phù hợp, cách chia ruộng chưa ra sao nên nhân dân càng thắc mắc hơn. Thắc mắc tiếp là khi dồn điền đổi thửa, chính quyền không lấy đất công ích để san gạt đắp bờ mà lại trừ 20,5m2/sào từ đất của dân. Ban đầu là 26m2/sào, sau rút xuống dần còn 20,5m2/sào. Ruộng dốc lẽ ra đắp bờ ngang mới giữ được nước, các thôn khác cũng làm vậy, còn thôn tôi họ đắp bờ dọc, thử hỏi giữ nước sao đây?”.
Ông Lê Xuân Hồng, một cán bộ nghỉ hưu cho biết, quá trình công tác trước đây ông hiểu rõ đất đắp bờ ruộng đều được lấy từ đất công ích. Ông Hồng còn khẳng định: “Cả xã có khoảng 600 mẫu ruộng, nhưng ngoài việc chia ruộng cho dân vẫn còn lại 64 mẫu đất công ích. 
Chưa hết, chuyện san gạt chính quyền không công khai trước dân mà chỉ nói “70% là Nhà nước san gạt, còn 30% do dân đóng góp”. Nhưng đóng góp bao nhiêu lại không nói. San gạt nhiều lần mà vẫn không thành công, có chỗ ruộng sâu cả mét, có chỗ cao, nước không lên đến nơi. Như thế chúng tôi cấy hái sao được?”.
Một điều khiến người dân thắc mắc là quy trình làm việc của cán bộ xã: “Các thôn khác người ta tiến hành gắp phiếu trong hai, ba ngày là xong, rồi chia ruộng một cách đồng loạt. Ở thôn tôi, trong khi dân không đồng tình, họ vẫn cho gắp phiếu, thậm chí kéo dài khoảng 20 ngày liền”.
Theo phản ánh, chính quyền từng có một thông báo về quy trình dồn thửa cuốn chiếu, tức là dồn đến đâu hết tới đó ở một thôn, rồi đến thôn khác. Điều này khiến dân cảm thấy không công bằng. Sau đó, chính quyền chuyển sang phương án khác, nhưng vẫn bị phản ứng quyết liệt. 
Ông Hồng cho biết: “Sau khi chia, thôn Trường Xuân có khoảng 120 mẫu đồng trũng, còn những thôn Vân Đồng và Xuyên Dương mỗi thôn chỉ khoảng 12 mẫu. Như vậy số ruộng xấu ở thôn tôi gấp 10 lần thôn khác”. Điều này khiến người ta cho rằng xã “ghét” thôn mình. Anh Nguyễn Văn Tấn (38 tuổi) nói thêm: “Cách chia thay đổi xoành xoạch, không nhất quán, lúc từ Đông sang Tây, lúc từ Tây sang Đông. Dân chúng tôi không biết đường nào mà lần”.
Người dân cho rằng chủ trương dồn điền đổi thửa
đã bị cán bộ địa phương làm sai lệch
Ruộng “quan” xanh, ruộng nông dân hoang hóa
Việc thực hiện dồn điền đổi thửa ở xã Xuân Dương tiếp tục “nóng” khi dân cho rằng cán bộ xã, thôn đã chọn những chỗ ruộng tốt “mang về” cho anh em, họ hàng. Chỉ tay về khu đồng Nhất Tự của thôn mình, anh Lê Văn Thông chạnh lòng: “Ruộng của người nhà cán bộ xanh mướt thế, còn chúng tôi thì ruộng trũng, ruộng cao, nơi ngập úng, nơi cao ngất không canh tác được. Chúng tôi chủ yếu sống bằng đồng ruộng, giờ cấy hái, canh tác không được, cả nhà biết bấu víu vào đâu?”.
Những người phụ nữ trong thôn nhìn khu ruộng không “làm ăn” được gì mà chảy nước mắt. Chị Ngô Thị Yến xót xa: “Mạ chúng tôi gieo đã tới ngày cấy mà ruộng chưa dồn thửa xong, không biết cấy vào đâu. Nhiều gia đình túng thiếu quá đành liều ngăn ruộng lại để cấy. Giờ cùng một thửa ruộng mà họ phải ngăn ra làm mấy ngăn để giữ nước cho lúa”.
Nhiều người dân bật khóc khi nhìn những cánh đồng trù phú xanh tốt bên xã khác: “Mấy thôn của xã khác chia ruộng đồng loạt, họ cấy lúa kịp thời vụ, giờ cứ xanh mướt. Còn bên chúng tôi đồng ruộng trở thành hoang hóa, không cấy hái được”. 
Chỉ một khu đồng nước trắng băng, một người nói: “Đất họ không san gạt hợp lý, ruộng bây giờ trũng đi, nhiều chỗ nước ngập 70cm. Thử hỏi chúng tôi cấy sao được, có cấy cũng không thấy cây lúa. Dân vì bức xúc nên không gắp phiếu và phản ánh, xã không giải quyết. Họ còn tiến hành mua mạ, cho hội phụ nữ, hội cựu chiến binh hay thuê người về cấy. Một cán bộ còn bảo thẳng với chúng tôi “không cần năng suất, chỉ cần xanh đồng”. Như vậy chúng tôi biết trông cậy vào đâu nữa”?
Người dân ngậm ngùi đưa phóng viên đi “tham quan” những bờ ruộng đã dồn thửa được đắp mới, to hơn bờ cũ nhưng không đặt cống mà xẻ ngang bờ để tháo nước. Hệ thống kênh mương chạy thẳng xuyên suốt, không thấy đường nối giữa hai bên bờ kênh mương với nhau. “Mương rộng gần 1,5m, phải người nào cao, chân dài mới nhảy qua được chứ nông dân chúng tôi chân ngắn có mà nhảy tõm xuống mương”, anh Tấn tếu táo.
“Nóng” vì công an bắt người
Quá trình dồn điền đổi thửa chưa êm xuôi lại xảy ra “oan án”. Ngày 11/3/2014, bà Lê Thị Kim Thoa đang cấy trên ruộng chân mạ nhà mình thì bị bốn công an viên của xã tới “cưỡng chế” không cho tiếp tục cấy.
“Nạn nhân” kể: “Sáng 11/3 tôi mang mạ ra ruộng nhà mình cấy. Bỗng mấy anh công an viên ở đâu đùng đùng đi tới, chẳng nói chẳng rằng, họ cho bò xuống bừa nát đám ruộng đang cấy dở của tôi. Tôi bảo từ từ có gì nói chuyện và để tôi cấy xong, xã chia cho tôi xướng mạ thì tôi sẽ trả lại sau. Nhưng công an viên vẫn cố tình làm, thúc vào tai và đẩy tôi ngã xuống, cho bò tiếp tục phá ruộng, tôi ngăn cản thì bị công an viên quay lại giẫm vào đùi và khiêng quẳng lên đường”.
Nhiều người dân ở xung quanh đó tụm lại xem có chuyện gì xảy ra. “Em trai và con gái tôi thấy vậy cũng chạy ra xem, vậy mà sau đó mấy hôm họ đã bắt cả em, cả con tôi lên huyện”, bà Thoa nói trong nước mắt.
Liên quan đến vụ bà Thoa bị công an xã Trường Xuân “cưỡng chế” không cho cấy mạ ngày 11/3/2014, có ba người bị bắt giữ là Nguyễn Thu Hà (con gái bà Thoa), Lê Văn Vượng (em trai bà Thoa) và Vũ Văn Huề (ngụ cùng thôn). Trong đó, Công an huyện Thanh Oai đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hà và Vượng vì tội “giữ người trái pháp luật”. 
Quyết định khởi tố bị can Hà viết: “Ngày 11/3/2014, Nguyễn Thu Hà có hành vi cùng Nguyễn Thị Lan (con gái bà Thoa – PV) dùng tay tóm giữ tay và áo của anh Trần Đức Hiếu là công an viên xã Xuân Dương trong khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ, không cho anh Hiếu đi về. Khi lực lượng công an xã đến giải cứu cho anh Trần Đức Hiếu, Nguyễn Thu Hà còn giữ anh Hiếu lại không cho đi”. 
Ông Hồng bất bình: “Quy định của thôn từ bao năm ruộng chân mạ không phải chia lại và ruộng này nằm trong vùng trũng. Không hiểu vì sao mấy ông công an viên lại làm vậy? Dân thấy vậy mới chạy ra quây công an viên lại hỏi tình hình”. 
Việc dồn điền đổi thửa chưa xong lại xảy ra vụ bắt bớ người khiến bức xúc của người dân càng dâng cao, phản đối dữ dội. “Không khí trong thôn lúc nào cũng nóng hừng hực. Hàng xóm mâu thuẫn, vợ chồng lục đục, to tiếng với nhau chỉ vì chuyện dồn điền đổi thửa chưa được thỏa đáng. Mới đây, có vợ chồng đánh nhau sứt đầu, mẻ trán, may người dân can ngăn kịp. Cứ đà này không biết số phận chúng tôi sẽ đi về đâu…”, người dân bồn chồn, lo lắng cho cuộc sống của mình.
Tại UBND xã Xuân Dương, các vị lãnh đạo xã đều bận đi họp, bận xuống cơ sở hoặc bận việc, không gặp phóng viên. Hiện vấn đề dồn điền đổi thửa ở thôn Trường Xuân vẫn đang “căng thẳng” chưa biết bao giờ giải quyết xong.                 
(Còn tiếp)

Đọc thêm