Sai luật Tố tụng, Toà chỉ "rút kinh nghiệm"?

(PLO) - Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thế nhưng HĐXX phúc thẩm nghĩ thế nào lại cho rằng sai sót này chỉ đáng rút kinh nghiệm nên giữ nguyên án sơ thẩm. Bản án của hai cấp tòa làm cho người dân nghi ngờ về sự trung thực, khách quan của các cấp tòa.
Sai luật Tố tụng, Toà chỉ "rút kinh nghiệm"?
Ba đứa con “ngang hông”?
Năm 2008, bà Nguyễn Thị Một (trú Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3, TP.HCM) làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên bà. Theo trình bày của bà, đây là căn nhà bà và chồng bà (ông Lê Văn Cầm) thuê của người Chà từ trước giải phóng. Năm 1994, ông Cầm qua đời. Lúc này, căn nhà chưa được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. 
Lúc còn trẻ, ông bà có đem đứa con của người em trai (tên Lê Hoàng Sơn) về nhà nuôi và cho đi học. Đến năm 1982, người này vượt biên xuất cảnh ra nước ngoài. Từ đó, ông bà mất liên lạc và người này cũng ít khi liên lạc và thăm ông bà. 
Kể cả khi ông Cầm mất, người này cũng không về. Sau khi bà làm giấy tờ để sở hữu căn nhà, ông Sơn xuất hiện (lúc này đang định cư tại Mỹ) và cho rằng bà Một kê khai di sản thừa kế thiếu tên ông vì ông là con nuôi. 
Không chỉ vậy, ông Sơn còn cho rằng hai người em gái của ông cũng là con nuôi của ông Cầm, bà Một. Theo lời bà Một, ba người này (thực chất là cháu chứ không phải là con) gặp bà yêu cầu chia một nửa căn nhà. Bà không đồng ý vì cho rằng đây là tài sản của bà.
Không chấp nhận, ông Sơn làm đơn đề nghị TAND TP.HCM tuyên bố văn bản kê khai di sản thừa kế của bà Một tại Văn phòng Công chứng Gia Định là vô hiệu. 
Trước khi ông Sơn khởi kiện, bà Một đã bán căn nhà nêu trên cho người cháu gọi bà bằng bà cô. Hợp đồng đã được công chứng và chuyển tên căn nhà cho người cháu gái. Bà Một được người cháu cho lưu cư tại căn nhà nêu trên cho đến khi mãn phần.
Sai sót hay vi phạm nghiêm trọng?
Theo Đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu do ông Sơn là người yêu cầu thì ông xác định không có bị đơn, chỉ có người yêu cầu nên đây là việc dân sự và TAND TP.HCM khi thụ lý ban đầu cũng xác định là việc dân sự. 
Tuy  nhiên, khi giải quyết vụ án, TAND TP.HCM chuyển từ việc dân sự sang vụ án dân sự và tự xác định bị đơn thay cho ông Sơn. Điều này hoàn toàn trái với Điều 164, 167 Bộ luật tố tụng Dân sự và mục 4, phần 1, Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật TTDS.
Đáng nói hơn, khi xử sơ thẩm, biên bản nghị án của TAND TP.HCM thể hiện thời điểm nghị án bắt đầu từ 11g00 ngày 27/9/2013, thế nhưng thời điểm này phiên tòa đã kết thúc. Vậy phải chăng là việc nghị án của HĐXX cấp sơ thẩm được diễn ra sau khi kết thúc phiên tòa (?) 
Không chỉ dừng ở đó, HĐXX cấp sơ thẩm theo quy định pháp luật là một thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, nhưng trong biên bản nghị án thì có ba thẩm phán. Luật áp dụng được ghi trong biên bản nghị án, toàn bộ thể hiện là thẩm quyền của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, kể cả án phí cũng được viện dẫn quy định ở cấp phúc thẩm. 
Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua (ngày 20/01/2014), đại diện theo ủy quyền của ông Lê Hoàng Sơn thừa nhận ông Sơn biết việc bà Một kê khai di sản thừa kế từ đầu năm 2010, nhưng đến cuối năm 2012 (tức gần 3 năm sau) ông mới làm đơn gửi TAND TP.HCM yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. 
Như vậy, theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, dù là việc dân sự hay vụ án dân sự đều đã hết thời hiệu. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, TAND TP.HCM vẫn thụ lý, còn Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại cho qua một cách dễ dàng. 
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện thực hành quyền công tố và xét xử phúc thẩm tại TP.HCM đã đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm vì có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Một cũng đề nghị hủy án khi chỉ ra cấp sơ thẩm vi phạm đến 5 vấn đề về tố tụng. 
Thế nhưng, sau hơn 30 phút nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm với lý do dù bản án cấp sơ thẩm có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ kiện (?!)
Với kiểu lập luận và xét xử của các cấp tòa, dư luận đặt câu hỏi: phải chăng Bộ luật tố tụng Dân sự được Quốc hội ban hành, Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là để cho có chứ không có tác dụng và không có giá trị áp dụng trong thực tiễn xét xử? Hay HĐXX các cấp tòa “có vấn đề” khi ban hành những bản án trái luật?   

Đọc thêm