Sân trường nhưng cũng là nơi trông giữ xe ô tô |
Tại buổi làm việc với PLVN ngày 15/1/2013 (bà Tâm đi cùng Luật sư để trợ giúp pháp lý cho Trường THPT Trần Hưng Đạo), bà Tâm cho rằng tiền mua máy in, máy tính và át - tô - mát được trích từ tiền thanh lý tài sản của nhà trường và khẳng định không dùng từ “bật đèn xanh”. Chúng tôi giải thích lại, từ “bật đèn xanh” là nhận định của tác giả bài viết sau khi được bà Tâm cung cấp thông tin về việc thời điểm trường mua các trang thiết bị nêu trên thì Sở Tài chính Hà Nội có công văn đề nghị các trường hạn chế dùng ngân sách nhà nước để mua sắm các trang thiết bị trong nhà trường.
Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được (bảng Tổng hợp thu, chi Quỹ tài sản, lao động hè kỳ 2 năm học 2011-2012 của Trường THPT Trần Hưng Đạo) thể hiện, ngoài khoản thu “lao động hè năm 2011-2012” của học sinh là 24.690.000 đồng thì nguồn thu từ tiền thanh lý tài sản từ tháng 1 đến tháng 4/2012 của nhà trường chỉ có 9.421.000 đồng. Trong khi đó, tiền chi để mua máy in canon, máy tính và át-tô-mát hết 18.600.000 đồng. Như vậy, số tiền thanh lý tài sản của nhà trường thời điểm này chỉ chiếm hơn một nửa tổng số tiền đã mua các loại máy trên. Số tiền còn thiếu, nhà trường bổ sung từ nguồn nào?
Theo phản ánh của bà Phạm Thị Thanh Thủy - nguyên Trưởng ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2011-2013, nhà trường đã dùng tiền từ các khoản thu của phụ huynh để trả lương cho nhân viên y tế và khám sức khỏe cho giáo viên… Nhưng bà Phạm Thị Tâm và luật sư của Trường THPT Trần Hưng Đạo cho rằng, các khoản tiền trên được “lấy từ nguồn hoa hồng do cơ quan bảo hiểm trích lại từ số học sinh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thân thể” (tại bảng Tổng hợp thu - chi Quỹ bảo hiểm học sinh, nhà trường đã chi khám sức khỏe giáo viên hết 19.165.000 đồng; chi lương cho nhân viên y tế hết 12 triệu đồng). Theo quy định, tiền bảo hiểm thân thể của học sinh là khoản tiền đóng góp tự nguyện, cũng có nghĩa đây là “khoản thu của phụ huynh”.
Xung quanh vấn đề này, Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội làm rõ: tiền hoa hồng do cơ quan bảo hiểm trích lại cho nhà trường từ Quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể học sinh thì nhà trường có được dùng để trả lương cho nhân viên y tế cũng như khám sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và nhân viên nấu ăn trong trường hay không?
Tại buổi trao đổi với PLVN ngày 15/1, bà Tâm khẳng định có các tài liệu để chứng minh việc thu - chi của Trường là đúng và cho biết sẽ cung cấp cho Báo để làm bằng chứng. Sau buổi làm việc này, chúng tôi đã liên lạc với bà Tâm và bà hẹn gặp vào sáng ngày 20/1.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, khi phóng viên đề nghị được cung cấp các tài liệu trên thì không được bà Tâm đáp ứng với lý do phóng viên không có giấy giới thiệu của Tòa soạn. (Chúng tôi xin nhắc lại, cuộc gặp này là để phóng viên tiếp nhận những chứng cứ mà bà Tâm nói sẽ cung cấp nhằm bác bỏ thông tin mà bài báo đề cập. Còn trước đó, khi đến Trường THPT Trần Hưng Đạo xác minh thông tin, phóng viên đã có giấy giới thiệu từ Tòa soạn và hiện nay giấy giới thiệu này vẫn do nhà trường giữ).
Không thu tiền nhưng vẫn sử dụng
Trở lại việc thu tiền của học sinh, trong năm học 2011-2012, mỗi phụ huynh học sinh phải đóng góp 150.000 đồng (đóng góp tự nguyện) để cải tạo lại khu nhà vệ sinh trong trường và tổng số tiền mà các phụ huynh học sinh đóng góp lên tới hơn 260 triệu đồng. Bà Tâm cho rằng số tiền này nhà trường không trực tiếp thu mà do Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) của trường thu.
Về nội dung này, chúng tôi nói lại cho rõ, tuy nhà trường không trực tiếp thu tiền của CMHS nhưng lại đồng ý sử dụng khoản tiền này để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất trong trường. Và, mặc dù Hội Cha mẹ học sinh (CMHS) trường thu tiền nhưng người đứng ra ký hợp đồng xây dựng lại là nhà trường. Cụ thể, tại Hợp đồng thi công xây dựng được ký ngày 30/7/2011, đại diện bên giao thầu (bên A) là bà Phạm Thị Tâm với chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.
Theo quy định tại Văn bản số 7666/SGD&ĐT-KHTC ngày 12/8/2011 của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội về hướng dẫn tăng cường quản lý thu - chi trong các trường học năm học 2011-2012 thì “Ban đại diện (Cha mẹ học sinh- PV) chịu trách nhiệm thu, chi và thực hiện chứng từ quyết toán”. Tuy vậy, tại Biên bản thanh lý hợp đồng xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh được ký ngày 22/9/2011 cũng chỉ có Hiệu trưởng nhà trường làm đại diện chứ không hề có sự hiện diện của Đại diện Hội CMHS của trường.
Ngoài ra, tại Văn bản số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ GD-ĐT thì “Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành GD-ĐT”. Nhưng khi huy động tiền của CMHS để cải tạo nhà vệ sinh thì tất cả các phụ huynh học sinh đều chung một mức đóng là 150.000 đồng, nghĩa là mức đóng góp này đã có sự “cào bằng”, không phân biệt hoàn cảnh của gia đình phụ huynh đó ra sao.
Bài viết của PLVN ngày 26/12 cũng nêu chi tiết: dù cho nhà vệ sinh đã cải tạo xong nhưng học sinh khối 10 của khóa học sau (2012-2013) vẫn phải đóng góp tiếp. Chúng tôi xin dẫn chứng: Tại văn bản trả lời những kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân do bà Phạm Thị Tâm ký ngày 22/5/2012 thể hiện: “… Số tiền chi trả cải tạo nhà vệ sinh vượt quá số tiền CMHS năm học 2011-2012 hỗ trợ, Ban đại diện CMHS trường quyết định phần thiếu sẽ huy động CMHS khối 10 năm học 2012-2013 đóng góp tiếp”.
Như vậy, trong khi học sinh khối lớp 10 chưa vào nhập trường thì Hội CMHS trường đã chủ động đón đầu để thu tiền của các em, dù chưa biết chắc chắn cha mẹ các em có tự nguyện đóng góp hay không. Trao đổi với chúng tôi, bà Tâm khẳng định nhà trường không chủ động ngỏ ý thăm dò Hội CMHS của trường. Nhưng, dù nhà trường không ngỏ ý thì bà Tâm giải thích ra sao khi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định: Ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện CMHS: … sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Vậy nhưng với trách nhiệm giám sát thu - chi của Ban đại diện CMHS, nhà trường vẫn không có ý kiến và đồng tình với việc làm này trước khi học sinh khối lớp 10 nhập trường vài tháng?
Chúng tôi xin nhắc lại, Thông tư 55 có hiệu lực từ ngày 7/1/2012. Như vậy tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực, nhà trường vẫn mặc nhiên để cho Ban đại diện Hội CMHS thu tiền của “người học hoặc gia đình người học” nhằm phục vụ cho việc cải tạo nhà vệ sinh trong trường. Đây chính là câu trả lời cho đề nghị của bà Tâm: “Trường đã phối hợp cùng Ban đại diện CMHS cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh từ thời điểm nào và thời gian có hiệu lực pháp luật của các văn bản liên quan thế nào”.