Sát Tết, cẩn trọng với “tín dụng đen”

(PLO) - Với mức lãi suất “cắt cổ”, người vay dễ rơi vào trạng thái nợ xấu và bị đối tượng cho vay nặng lãi siết nợ với nhiều thủ đoạn tinh quái, sảo quyệt.
"Tín dụng đen" lợi dụng tâm lý cần tiền dịp cuối năm, tung nhiều chiêu bài dụ dỗ (Ảnh: Q.M)

Tối hôm 17/1, gia đình ông H (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị một nhóm hơn chục người mặt mày bặm trợn kéo đến nhà. Người dân khu vực hoảng loạn gọi điện báo, nhưng trước khi hai cán bộ công an phường đến, nhóm người đã rút lui.

Thông tin ban đầu, do người con trai ông H có dính dáng đến vay mượn “tín dụng đen”, vợ chồng ông không biết. Sau nhiều lần chưa thanh toán, xảy ra sự việc trên.

Cách đây hơn hai tháng, vợ chồng ông T, bà H (cùng trú quận Hai Bà Trưng) đã phải bán căn nhà hơn 40m2 để trả nợ cho người con gái vay “tín dụng đen” với giá “cắt cổ”: 10-15.000 đồng/1 triệu/ngày.

“Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền ban đầu vay chỉ là hơn 300 triệu, sau vài tháng đã lên tới gần một tỷ. Nó cứ đi vay lãi để trả lãi, đường cùng chúng tôi phải bán nhà, cứu con” - bà H cho hay.

Một người chuyên cho vay lãi tiết lộ với phóng viên, thông thường dịp cuối năm là thời điểm các vụ đòi nợ, siết tài sản do dân cho vay lãi thực hiện diễn ra nhiều.

“Những người cho vay thường sử dụng chiêu bài cuối năm phải thu hết các khoản cho vay, chốt sổ và không nợ qua Tết” - người này nêu nguyên nhân.

Tại địa bàn Hà Nội dịp sát Tết, biển giấy quảng cáo cho vay của dân “tín dụng đen” dán kín đặc nhiều ngõ ngách, và nở rộ ở các khu vực tập trung dân buốn bán nhỏ lẻ, khu có nhiều sinh viên và người ngoại tỉnh thuê trọ.

Hình thức cho vay và thanh toán  cũng rất “linh hoạt”: Có bằng đại học, đăng ký xe máy chính chủ, hộ khẩu, CMND… Trả lãi 10 ngày một lần hoặc lãi theo ngày (bốc họ). Tuy nhiên, với mức lãi suất dao động từ 5-15.000 đồng/1triệu/1ngày.

Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, “tín dụng đen” hoạt động ở thị trường phi chính thức nên việc phát hiện, xử lý rất khó khăn. Phương án chủ yếu vẫn là phòng chống, ngăn ngừa, trong đó tập trung ưu tiên phân loại đối tượng cụ thể để có biện pháp ứng xử phù hợp.

Nhiều hệ lụy xấu đã phát sinh do “tín dụng đen” như: bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác… đã xảy ra.

Điều 163 của BLHS quy định: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ 1-10 lần số tiền lãi; phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

“Tuy nhiên, tội phạm dạng này vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy nhưng chỉ phạt tối đa 3 năm tù là chưa thích đáng, đảm bảo răn đe và ngăn ngừa tội phạm” - một Luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội, nêu quan ngại.

Theo giám đốc một chi nhánh ngân hàng BIDV, hiện nay nhiều nhà băng đa dạng các hình thức cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình với mức vốn cấp linh hoạt từ 10-200 triệu đồng, điều kiện không quá khắt khe.

“Cá nhân, hộ gia đình nên tìm hiểu các khoản vay chính thống này, giảm được nhiều hệ lụy. Mức lãi suất có thể cao hơn lãi cho vay thông thường, song các ngân hàng đã cân đối trên điều kiện thực tế, có mức cho vay phù hợp, dễ trả nợ” - vị này khuyên.
 Đại diện Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, hành chính về xử lý hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động tín dụng, trong đó nghiên cứu, ban hành thông tư liên ngành hướng dẫn các điều 139, 140, 163 của BLHS để làm căn cứ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi.