Âm vang bài ca cách mạng giữa Thủ đô gió ngàn
Không hoành tráng với đầy đủ thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, sân khấu đêm giao lưu giữa các cán bộ tư pháp Tuyên Quang và các nhạc sĩ cùng với nhân dân xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chỉ là một tấm phông bạt được dựng lên giữa vùng đất bán sơn địa, ngay dưới chân Di tích lịch sử của Bộ Tư pháp.
Nhưng với tình cảm chan chứa, ngọn lửa trại bùng lên thêm ánh sáng, những nốt nhạc hào hùng vang lên sống dậy một thời khói lửa. Bà con thôn Mới, nhân dân xã Minh Thanh tụ họp đông đủ, cả một khoảng đất mênh mông nhưng không đủ chỗ cho người dân đến xem. Và sự mong chờ háo hức ấy đã được đền đáp xứng đáng. Giữa mảnh đất chiến khu xưa, tất cả mọi người đã được thưởng thức một “bữa tiệc” âm nhạc đơn giản nhưng nhiều ấn tượng khó phai.
Tiếng nhạc vang lên rộn rã, lời ca cất lên: “Vừng đông đã hửng sáng/ Núi non xanh ngàn trùng xa/Tổ quốc bao la hiền hòa tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao …” là những lời hát trong bài “Tiến bước dưới quân kỳ” của nhạc sĩ Doãn Nho. Một thời vang bóng, đầy khí thế vang vọng trở về vùng bình yên những ngày thu. Ngọn lửa trại sáng bừng.
Nhạc sĩ Doãn Nho (bên trái) chụp ảnh lưu niệm tại Sở Tư pháp Tuyên Quang |
Nhạc sỹ Doãn Nho bồi hồi nhớ lại: “Khi lên đến đỉnh đồi, ngồi xuống vệ cỏ và quan sát thấy cây cối quanh mình rất xanh, đặc biệt là màu xanh thẫm, xanh đen của cỏ… tôi thấy rằng dưới lớp đất đó chính là máu, xương của đồng đội mình. Cảm xúc dâng trào trong đầu tôi đã bật ra những câu hát đầy cảm xúc “bước từng bậc nhớ từng người lòng đau nhói… uất ức, căm hờn hôm nay phải trả. Đồng chí ta ơi!” và đó cũng chính là những tứ đầu tiên mà sau này tôi sử dụng vào đoạn giữa bài hát: “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi. Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa. Nhìn cờ hồng bay rực rỡ. Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim”.
Với mảnh đất Tuyên Quang, nhạc sĩ Doãn Nho cũng đong đầy những kỷ niệm mặn nồng với sự nghiệp thi ca của mình. Đây là nơi đã khiến ông thoát thai nên bài hát “Chiếc khăn Piêu”. Ông bảo: “ Tuyên Quang là thủ đô gió ngàn, quê hương của Cách mạng. Mỗi lần trở về Tuyên Quang tôi lại có một cảm giác khác nhau. Trước đây, khi trở về cùng một đồng nghiệp, lang thang trên những bản làng, tôi tình cờ nhặt được chiếc khăn Piêu của một thiếu nữ người Tày. Vẻ đẹp non xanh cộng hưởng với sắc thái văn hóa miền núi đã cho tôi nguồn cảm hứng với tình yêu đôi lứa. Và rồi, “Chiếc khăn Piêu” ra đời. Trong sự nghiệp sáng tác của tôi đó là một tuyệt phẩm về tình yêu, về tình cảm với nét đẹp của người con gái xứ Tuyên. Nay tôi trở lại vùng đất này, đi với ngành Tư pháp, những cảm hứng ấy lại dâng trào. Tôi hy vọng sẽ có một ca khúc mới cho ngành Tư pháp nói riêng và cho nhân dân tỉnh Tuyên Quang những nốt nhạc đẹp nhất”.
Ông Nguyễn Đức Giao, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đang thể hiện ca khúc vừa sáng tác về ngành Tư pháp |
Ông Nguyễn Đức Giao, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã kịp ghi lại những cảm xúc của mình vào cuốn sổ nhỏ, để rồi sau một đêm, những lời ca về ngành Tư pháp được ông ca lên du dương trong tiếng đệm guitar của nhạc sĩ Hạ Long: “Khi nắng vàng nở rộ, và rừng xanh cũng hát nơi chiến khu Sơn Dương, nhớ bóng người. Tuyên Quang nơi khởi nguồn cách mạng… mà lòng ta vẫn hát, bài hát Hồ Chí Minh “Tư pháp là ở đời, tư pháp làm người”… đinh ninh lời Bác dạy, vì đất nước vì nhân dân…”.
Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay hân hoan vang lên khắp cả hội trường rộng lớn của Sở Tư pháp Tuyên Quang. “Mặc dù không phải là người chuyên nghiệp trong lĩnh vực thi ca nhưng là người trong ngành Tư pháp, tôi đã luôn mong mỏi được sáng tác một ca khúc trên quê hương cách mạng dành tặng những đồng nghiệp đang ngày đêm cống hiến cho nền pháp lý nước nhà. Bài hát vừa phôi thai, còn dang dở, nhưng nó sẽ là tiền đề truyền cảm hứng cho những sáng tác của mọi người” - ông Nguyễn Đức Giao chia sẻ.
Nhạc điệu bài hát “Em là hoa Pơ Lang” vang lên, nhạc sĩ Đức Minh ôm chiếc guitar thể hiện âm điệu bao la, bất khuất của Tây Nguyên. Rồi ông gác lại tiếng đàn, chia sẻ về nỗi niềm, dự định sau chuyến đi sẽ có một bài hát về ngành Tư pháp: “Có một thời gian chúng ta đô thị hóa mọi thứ, nhiều người trẻ lạc lõng với những nét văn hóa lạ kỳ, hạnh phúc trở nên mong manh. Dường như người trẻ họ rất thích bỏ nhau, xem chia tay như một cái mốt, khác xa với truyền thống tốt đẹp của văn hóa người Việt trọng tình, trọng nghĩa. Khi chấm dứt một cuộc hôn nhân, có bao giờ họ nghĩ những đứa trẻ sẽ bị lạc lõng với đời, rồi chúng sẽ đi về đâu, sống như thế nào? Để người Việt Nam sống sao có tình có nghĩa, Bác cũng đã dạy “đối với tư pháp thì phải đề cao lòng yêu nước, thương đồng bào”, phải có tình và nghĩa, đấy là bản chất của người Việt. Thế nên, sau chuyến đi tôi nhất thiết phải viết nên một tác phẩm về Luật Hôn nhân và Gia đình, những hạnh phúc của mái ấm bền lâu”.
Nhạc sĩ Đức Minh đang say mê sáng tác cùng chiếc guitar của mình |
Ông Hỷ nói xong, tiếng vỗ tay rộn ràng vang lên làm nhạc đệm cho bài hát chưa trọn vẹn nhạc và lời: “Vững bước đi lên dưới ánh sao vàng… tin theo lời bác Hồ: Phụng công thủ pháp, chí công vô tư. Luôn phấn đấu để không còn oan sai, giữ công lý, cùng đi lên, Tổ quốc ngàn đời đi lên, giữ vững công lý sáng ngời…”.
Vệt mực lăn theo ngòi bút của nhạc sĩ Cát Vận, thi thoảng lại dừng lại tô điểm nốt nhạc trên 5 dòng kẻ. Và rồi, bài hát “Chị em làm pháp lý Tuyên Quang” ra đời ngay giữa hội trường Sở Tư pháp Tuyên Quang. “Trời Tuyên Quang xanh xanh, dòng sông Lô xanh câu hát, xanh bao la. Đẹp cùng sắc rừng xanh, đẹp cùng những mùa hoa. Nào thược dược, hoa lan. Nào hoa mai, hoa hồng. Nhưng hoa nào đẹp bằng hoa Pháp lý, là chị em Tư pháp Tuyên Quang…”.