Sau một biến cố, nữ sinh viên Luật phải sống thực vật

(PLO) - Kể từ ngày về nhà, Phúc lúc nào cũng phải có hai người bên cạnh, ngay cả khi ngủ. Cô không nằm yên được một chỗ, người luôn co quắp, quằn quại, vật vã trên giường. Ngay cả ăn, Phúc cũng không biết nhai, nuốt. Tất cả chỉ vì một biến cố đau lòng.
Ông Quang bên con gái.
Ông Quang bên con gái.
“Người ta có con xuất viện thì vui mừng, còn con tui, mỗi lần bác sỹ bảo xuất viện là một lần đắng cay. Sao ông trời bất công quá, nó ham học lại ngoan ngoãn. Nó nói sau này ra trường sẽ cố gắng làm việc để bố mẹ bớt khổ, vậy mà. Dừ mỗi lần nghĩ đến con lại chảy nước mắt, gặp người khác cũng không muốn chào”, người mẹ nghẹn ngào kể về cô con gái bất hạnh.
Biến cố đau lòng
Bi kịch xảy ra cách đây hơn ba năm về trước, khi Đặng Thị Hồng Phúc (SN 1990, ngụ tại xóm 11, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Luật của Trường Đại học Đà Lạt. Chiều 7/6/2011, Phúc trở về phòng trọ sau giờ học. Thấy bình nước uống đã hết, những đứa bạn cùng phòng đang tất bật chuẩn bị cho bữa trưa, cô gái vội cầm bình nước uống đi đổi rồi hớt hải bê lên phòng trọ ở tầng 2.
Giữa giờ trưa, cả dãy phòng trọ bỗng giật mình vì tiếng động mạnh phát ra từ phía ngoài hành lang. Mọi người hốt hoảng chạy ra thì thấy Phúc nằm bất động, bình nước uống chảy lênh láng.
Sau khi dìu Phúc lên phòng nằm, đám bạn cùng dãy trọ tưởng Phúc chỉ bị ngất xỉu do đi học về mệt, chưa ăn cơm lại bê bình nước nặng. Sau một lúc xức dầu và xoa bóp vẫn không thấy Phúc tỉnh dậy, nhận biết bạn đang trong tình trạng nguy kịch nên đã cùng nhau đưa Phúc lên bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Sau hơn một tiếng đồng hồ nằm điều trị tại phòng cấp cứu, những người bạn của Phúc đã gào khóc khi nhận ra cái lắc đầu của bác sỹ. Với kết luận bệnh nhân bị di chứng não do loạn nhịp tim, ngưng hô hấp sau khi hôn mê sâu, không được cứu chữa kịp thời nên hết hi vọng. Yêu cầu người nhà bệnh nhân có mặt kịp thời. 
Sau 22 ngày thở ô xi bằng máy và máy trợ tim quấn quanh người, Phúc vẫn không tỉnh lại. Bệnh viện trả Phúc về và khuyên người nhà bệnh nhân nên chuẩn bị tâm lý. Chưa hết hi vọng, ông Đặng Ngọc Quang( bố Phúc) lại đưa con gái xuống bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Tại đây vẫn kết luận cũ, bệnh viện cũng lắc đầu vì không có loại thuốc nào có thể can thiệp được. Bệnh nhân sẽ phải sống đời sống thực vật.
Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Phúc được giới thiệu về bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An. Thêm 18 ngày tại bệnh viện là 18 ngày Phúc lại trong tình trạng hôn mê sâu. Phúc được chuyển về bệnh viện huyện Quỳnh Lưu điều trị để gia đình đỡ vất vả.
Sau 47 ngày hôn mê, Phúc đã tỉnh lại. Gia đình chưa kịp vui mừng thì thất vọng lại ập đến. Từ một cô sinh viên chăm ngoan, học giỏi, Phúc trở thành một phế nhân. Hi vọng sẽ cứu chữa được co con gái nên gia đình ông Quang lại đưa Phúc vào bệnh viện tâm thần. Tại đây bệnh nhân được chuẩn đoán bị “viêm não trắng” chứ không phải là hội chứng của bệnh tâm thần. Phúc lại được chuyển về chuyên khoa thần kinh của bệnh viện tỉnh. Cõng con đi khắp các bệnh viện, người cha già đều phải đau đớn nhận lại những cái lắc đầu. Họ đều khuyên người nhà đừng nên đưa bệnh nhân đi chữa trị nữa mà tốn kém vì bệnh này sẽ không hi vọng được gì ở sự bình phục. Hãy biết như vậy mà an lòng chấp nhận.
Suốt thời gian dài nằm trong phòng cấp cứu tại nhiều bệnh viện để giành giật sự sống. Cô sinh viên năm hai khoa luật phải khép lại cuộc sống bình dị và tương lại phía trước để chấp nhận sống đời sống thực vật.
Nước mắt sinh thành
Rong ruổi đưa con đi chữa trị khắp nơi với mong ước được gặp lại đứa con gái của mình được bình thường như ngày xưa. Nhưng chỉ một tia hi vọng nhỏ nhoi cũng không đến với người thương binh già Đặng Ngọc Quang. Ông Quang phải chấp nhận sự thật đắng cay là đưa con về nhà rồi hàng ngày phải nhìn thấy con đớn đau sống đời thực vật. 
Được biết, ông Đặng Ngọc Quang từng có 10 năm vào sinh ra tử tại chiến trường Campuchia. Sau khi xuất ngũ, ông trở về quê hương mang theo những vết thương chiến tranh. Hai năm sau, ông cùng bà Lê Thị Bảy nên nghĩa vợ chồng. Phúc là con gái duy nhất trong gia đình có ba anh em. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hàng ngày, vợ chồng ông phải vật lộn với đồng ruộng, đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống cho cả gia đình và lo cho ba người con ăn học.
Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người anh của Phúc chưa học hết cấp hai đã phải nghỉ học để nhường chữ lại cho hai em. Đáng ra, Phúc cũng phải nghỉ học như anh trai, nhưng vì ham học, lại giỏi đều các môn nên bố mẹ không đành lòng. Thay vì bảo con nghỉ học, ông Quang phải dậy sớm thức khuya nhiều hơn để kiếm tiền, nuôi dưỡng ước mơ vào giảng đường đại học, trở thành một nữ luật sư của cô con gái. Ngày Phúc nhận giấy trúng tuyển đại học cũng là ngày vui lớn nhất của người cha già. Ông Quang rất tự hào về cô con gái, đi đâu, ông cũng khoe con gái mình đỗ đại học, hiện đang là sinh viên. Nhưng cuộc đời đã có bước rẽ bất ngờ.
“Người ta có con xuất viện thì vui mừng, còn con tui, mỗi lần bác sỹ bảo xuất viện là một lần đắng cay. Sao ông trời bất công quá, nó ham học lại ngoan ngoãn. Nó nói sau này ra trường sẽ cố gắng làm việc để bố mẹ bớt khổ, vậy mà. Dừ mỗi lần nghĩ đến con lại chảy nước mắt, gặp người khác cũng không muốn chào”. Lấy tay gạt vội vội nước mắt, bà Lê Thị Bảy nghẹn ngào khi nhắc đến nỗi đau của con gái mình.
Kể từ ngày về nhà, Phúc lúc nào cũng phải có hai người bên cạnh, ngay cả khi ngủ. Cô không bao giờ nằm yên một chỗ, người luôn co cắp lại rồi quằn quại, vật vã trên giường. Khi ngồi, cũng phải có một người nào đó ngồi bên cạnh để làm chỗ dựa cho Phúc. Không tự điều khiển được hành động của mình, ngay cả ăn, Phúc cũng không biết nhai, nuốt. Bố mẹ phải cho con gái ăn bằng cách nấu cháo thật loãng, ninh cho thật nhừ rồi chắt lấy nước đút cho con nuốt. Cô cũng không tự đi lại hay ngồi được, chân tay Phúc khi thì thẳng đuột, lúc thì co quắp. 
Nhắc đến nỗi đau của con gái, ông Quang chạnh lòng: “Con đậu đại học, nhà tui cũng nở mày nở mặt với bà con lối xóm lắm chứ. Mặc dù tiền ăn vẫn lo chạy hàng ngày nhưng tui cũng phải gắng ngượng mà lo cho con thực hiện ước mơ. Nó ước là một luật sư, sau ni sẽ không phải tay lấm chân bùn như bố mẹ và anh em nó. Vậy mà dừ nhìn nó xem, sống chẳng bằng chết. Mỗi lần nhìn nó quằn quại trong đau đớn, tui như bị cắt đi từng khúc ruột”.
Ngồi trên chiếc giường dỗ dành con gái, dù tiết trời những ngày cuối hạ oi bức nhưng trên người Phúc lúc nào cũng phải đắp một chiếc chăn. Từ ngày Phúc đổ bệnh, thân thể cô nóng lạnh thất thường, chuyển biến liên tục. Có những lúc giữa trưa, trời đang nóng nực thì người Phúc lại run rẩy vì lạnh. Thương con, ông Quang vừa ôm con sưởi ấm, vừa trùm lên người hai cha con chiếc chăn để mặc mồ hôi ướt đẫm áo mình. Với ông Quang, khó khăn, gian khổ mấy ông cũng chịu được, chỉ sợ một ngày nào đó sẽ không nhìn thấy con gái của mình bên cạnh mà thôi.
Gia đình ông Đặng Ngọc Quang thuộc diện hộ nghèo trong xã, ông lại là thương binh hạng 4/4 tại chiến trường Campuchia. Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương tại chiến trường xưa vẫn luôn hành hạ thân xác. Khi nghe con đang trong cơn nguy kịch, gia đình đã bán hết những gì gọi là có giá trị trong nhà rồi tất tả ngược xuôi vay mượn để có tiền chữa trị. Số tiền 150 triệu vay mượn đến nay chưa trả được vậy mà con gái vẫn không có chút hi vọng gì. 
Phúc không bao giờ chịu nằm yên một chỗ mà lúc nào cũng phải có người bên cạnh. Thay vì đi làm kiếm tiền trả nợ, bố mẹ Phúc lại ở nhà để chăm sóc cô, không lúc nào rời cô được nửa bước, ngay cả lúc đi ngủ. Có những lúc cả gia đình đi làm, chỉ có mình ông Quang ở nhà với con, tới trưa không thấy ai về lo cơm nước, ông vẫn phải vừa cõng con trên lưng vừa đi chợ, nấu nướng.
Cố giữ tay cô con gái đang vật vã trên giường để đút cháo, ông Quang thở dài: “Khổ mấy tui cũng chịu được, nỗi khổ của tui chưa bằng một phần nỗi đau mà con gái đang phải gánh chịu. Dừ tui chỉ ước con mình được trở lại bình thường như ngày xưa dù cả gia đình phải đi ra đường ở”./.