Sẽ sớm tiến hành cưỡng chế thi hành bản án đã có hiệu lực

(PLO) - Chi cả chục tỷ đồng để mua nhà máy chế biến cà phê tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị (nhà máy) vào năm 2010 nhưng do vướng vào tranh chấp nên qua 5 năm, Doanh nghiệp tư nhân Đình Tàu (DN Đình Tàu) vẫn chưa thể đưa nhà máy này vào hoạt động. Đến nay, khi tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực thì dư luận hy vọng rằng bản án sẽ sớm được thực thi… 
Một tài sản, ký bán cho 2 doanh nghiệp
Ngày 25/12/2010, Công ty TNHH Một thành viên Tường Quân (Cty Tường Quân) ký hợp đồng bán nhà máy cho DN Đình Tàu với giá 13 tỷ đồng. Đầu năm 2013, hai bên đến cơ quan nhà nước để làm các thủ tục chính thức chuyển nhượng tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất nhà máy thì được giải thích “tài sản này đang được Cty Tường Quân thế chấp tại ngân hàng” nên chưa thể sang tên.
Thể hiện thiện chí tiếp tục việc mua bán, ngày 13/3/2013 Cty Tường Quân và DN Đình Tàu đã cùng nhau lập hợp đồng đặt cọc, xác nhận số tiền bên mua đã đặt cọc là 11 tỷ đồng (được chuyển từ khoản nợ trước đó). Số tiền 2,5 tỷ đồng còn lại sẽ được giao chậm nhất vào ngày 25/12/2015 để bên bán hoàn tất thủ tục mua bán theo quy định.
Thay vì phải làm thủ tục cho DN Đình Tàu theo thỏa thuận trên thì trong các ngày 16-17/4/2013, Cty Tường Quân lại ký liền 2 hợp đồng để bán toàn bộ nhà máy cho Cty TNHH Quốc Dung (Cty Quốc Dung) với giá 26 tỷ đồng.
Như vậy, Cty Tường Quân chỉ có một tài sản nhưng lại giao dịch  với hai Cty nên xảy ra tranh chấp. Cty Quốc Dung (bên mua sau) không nhận được tài sản nên đã khởi kiện ra TAND huyện Hướng Hóa để yêu cầu Cty Tường Quân thực hiện hợp đồng, bàn giao nhà máy. Còn DN Đình Tàu (bên thế chấp để mua nhà máy trước) được Tòa xác định là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Bản án cần sớm được thi hành
Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, phía bị đơn là Cty Tường Quân đều cho rằng hợp đồng bán nhà máy cho Cty Quốc Dung là giả tạo nhằm che đậy một giao dịch dân sự khác (để Cty Quốc Dung đứng tên làm thủ tục vay tiền hộ) nên không đồng ý bàn giao tài sản cho nguyên đơn. Dù hợp đồng chuyển nhượng ký ngày 17/4/1013 có công chứng nhưng Cty Tường Quân đã có đơn khởi kiện đề nghị Tòa tuyên hủy nội dung công chứng này.
Chính vì vậy, cả TAND huyện Hướng Hóa và TAND tỉnh Quảng Trị đều tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa lập ngày 16 và 17/4/2013 giữa Cty Tường Quân và Cty Quốc Dung là vô hiệu toàn bộ; Cty Quốc Dung được nhận lại số tiền đã chuyển cho Cty Tường Quân (26 tỷ) theo nội dung hợp đồng vô hiệu này.
Ngoài ra, hai cấp tòa còn chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc hợp đồng đặt cọc mua nhà máy có hiệu lực; buộc Cty Tường Quân phải bàn giao đất và tài sản trên đất tại nhà máy cho DN Đình Tàu và chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định.
Theo Tòa thì hợp đồng đặt cọc 
ngày 13/3/2013 nêu trên được Cty Tường Quân và DN Đình Tàu ký kết tự nguyện, không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội và nhằm đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà máy ngày 25/12/2010. Việc mua bán này là quá trình xuyên suốt, thể hiện ý chí của cả hai bên… nên cần tiếp tục thực hiện, đảm bảo nguồn gốc số tiền mua nhà máy ban đầu là của DN Đình Tàu.
Khi bản án đã có hiệu lực thì  cả bị đơn, nguyên đơn đều có đơn khiếu nại, thể hiện sự không đồng tình với phán quyết tại bản án, đề nghị tạm hoãn thi hành án. Trong khi đó thì người được thi hành án lại đề nghị phải sớm tổ chức thi hành án để có thể nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. 
Mới đây ngày 15/4/2015, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS)  - Bộ Tư pháp đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn rằng: “Bản án số 03/KDTM – PT ngày 27/01/2015 của TAND tỉnh Quảng Trị có hiệu lực pháp luật, phải được tổ chức thi hành”.
Hai ngày sau, Cục THADS tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp liên ngành để chuẩn bị thi hành bản án. Tại đây, đại diện TAND tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Bản án, Quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Còn VKSND tỉnh Quảng Trị cũng có quan điểm: “Việc cơ quan THADS kịp thời tổ chức thi hành Bản án số 03/KDTM-PT ngày 27/01/2015 của TAND tỉnh Quảng Trị là đúng quy định của pháp luật. Không có căn cứ pháp luật nào để tạm hoãn thi hành án. Quá trình tổ chức  thi hành án, tuy có một số sai sót về từ ngữ nhưng không làm thay đổi bản chất sự việc. Trong Quyết định thi hành án, cơ quan THADS cần bổ sung vào phần quyết định để làm rõ các căn cứ,  đồng thời cũng kiến nghị cơ quan THADS tiếp tục tổ chức thi hành án đúng quy định pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tài Ba, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Cục THADS tỉnh đã chỉ đạo Chi cục THADS Hướng Hóa lập kế hoạch cưỡng chế, giao tài sản cho người được thi hành án đúng với quy định của pháp luật”.
Ông Ba cũng cho hay: “Các đương sự liên quan có quyền đề ngị cấp có thẩm quyền kháng nghị bản án theo quy định của pháp luật. Còn trách nhiệm của cơ quan THADS vẫn phải thi hành để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án và sự nghiêm minh của pháp luật”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm