Sự thực nghề "ô sin bệnh viện"

(PLO) - Tại bệnh viện ở các thành phố lớn hiện nay chăm nuôi người ốm đã thành nghề chuyên nghiệp được gọi với cái tên dân dã là “ô sin” bệnh viện. Đây là một nghề có thu nhập cao, nhưng không phải ai cũng làm được.
Tại khu nhà C3 (viện tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), một chị khoác áo người nhà bệnh nhân hớt hải chạy đến phòng trực bác sĩ kêu cứu với vẻ thất thần “bác sĩ ơi, ông cụ lại lên cơn.Bác sĩ qua xem thế nào giúp em với”. Chưa kịp nghe hết câu trả lời của bác sĩ chị lại tất tưởi quay về giường bệnh day tim, bấm huyệt cho ông cụ. 
Một lúc sau, ông cụ đã thở đều và dần dần chìm vào giấc ngủ. “Người nhà” ông cụ giờ mới thở phào nhẹ nhõm, trên khuôn mặt ngoài bốn mươi, những giọt mồ hôi thành dòng chảy dài xuống cổ và bịn rịn vai áo.
“Người nhà” bất đắc dĩ
Thấy chị tận tình và lo cho ông cụ như thế cứ tưởng là con gái chăm cha, hóa ra không phải. Chị cho biết chị tên Tâm (quê ở Nam Sách, Hải Dương) là người nhà “bất đắc dĩ” của ông cụ. Chị được thuê trông nom cụ đã hơn một tuần nay. Ông cụ bị xơ vữa động mạch vành đang nằm điều trị và chờ để đặt ống nên cứ thi thoảng lại lên cơn khó thở. Do trời nắng nên cụ lên cơn liên tục. 
Những lúc như thế này chị Tâm lại trở thành một ô sin kiêm “điều dưỡng”. Ngoài việc thông báo tình hình cho bác sĩ trực, chị phải day huyệt nhân trung, kê cho ông cụ nằm đầu cao lên. Bấm các huyệt vị ở hốc tay, hốc chân và xoa dầu cho ông cụ. 
Chị Tâm làm nghề chăm nuôi người ốm đã được ba năm. Đây là lần đầu tiên chị chăm người bị bệnh tim. Chuyện lo cho miếng ăn, giấc ngủ, thuốc thang, vệ sinh tắm rửa hàng ngày không có gì khó khăn vì chị đã làm thường xuyên trong mấy năm qua. Tuy nhiên, việc day huyệt, chăm sóc mỗi lần cụ lên cơn chị lại thấy lo, một hai ngày đầu còn thấy lóng ngóng phải nhờ các y tá, hộ lý và những thân nhân người bệnh hướng dẫn cách day huyệt chăm sóc cho bệnh nhân dễ chịu khi lên cơn. Đến hôm nay thì mọi việc thành quen và thấy đỡ vất vả đi nhiều.
Cách đây hơn hai năm, chị bắt đầu khoác trên mình tấm áo màu vàng với danh nghĩa người nhà bệnh nhân để chăm một cụ bà bị xuất huyết não.“Cụ nằm liệt giường nên chăm bẵm còn hơn là chăm con trẻ ấy. Mọi công việc, từ bơm từng thìa cháo loãng qua đường ống vào mũi xuống dạ dày nhằm duy trì sự sống cho cụ, đến công việc tháo chất thải rồi thay quần áo, lau chùi từng bộ phận trên cơ thể...chị đều phải làm hết. Chăm sóc người cử động được đã khó rồi, đây lại là người nằm liệt.”, chị Tâm chia sẻ.
Phải có nghề và có tâm
Hầu hết những trường hợp phải thuê ô sin chăm nom đều là những người bệnh khá nặng hoặc bệnh già. Vì một lý do nào đó mà những người thân trong gia đình không thể chăm sóc. Khi ấy ô sin - những người không máu mủ ruột rà, lại trở thành thân thiết với bệnh nhân. Có nhiều ô sin phải làm việc gần như trọn ngày đêm, ít khi được ngơi tay,  bón cho người bệnh từng thìa cháo loãng, “dỗ” uống thuốc, đẩy xe đi dạo quanh khuôn viên bệnh viện, xoa bóp mỗi khi đau nhức. Nhiều người nằm liệt tại chỗ thì từ việc ăn uống, lau chùi đến vệ sinh đều một tay ô sin lo liệu. 
Chị Vinh (quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ) cho hay chị vào nghề đã được 6 năm. Cũng vì cơm, áo, gạo, tiền, cái “duyên”  đưa đẩy mà chị gắn với cái nghiệp ô sin. Chị không nhớ mình đã khoác lên bao nhiêu cái áo màu xanh, vàng có dòng chữ “người nhà bệnh nhân” và đeo bao nhiêu cái thẻ. Nhờ chăm sóc bệnh nhân chu đáo, nhiệt tình và tính tình cẩn thận chị không lúc nào ngớt việc. 
Có lần chị nhận chăm sóc một bệnh nhân nằm điều trị ở bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bị tai nạn gãy chân. Thời gian đầu người nhà cũng thay nhau chăm sóc. Nhưng rồi vì công việc nên họ không thể túc trực mãi được đành thuê chị. 
Ngoài việc chăm anh ta như chăm trẻ chị còn trở thành “nhân viên” xoa bóp. Vì phải nằm nhiều nên người bệnh lúc nào cũng buồn bực, rên la. Có nhiều đêm, hai ba giờ sáng chị vẫn phải thức dậy để xoa bóp. Nhưng cực nhất là những lúc cho anh đi vệ sinh.Vì anh ta khá to béo nên chị phải gồng mình tạo thế mới nhấc nổi phần người anh lên để cho bô vào. “Những lúc như thế tôi cảm giác như bị sụn mất lưng. Nhưng rồi, làm mãi thành quen”, chị cho biết.
Cả ngày phải phục vụ bệnh nhân nhưng khi đêm xuống họ cũng không được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Bệnh viện quá tải, người bệnh còn không có đủ chỗ nghỉ lưng, năm sáu bệnh nhân chung một giường. Vì thế, ô sin làm gì được chỗ nghỉ ngơi. Việc họ chui gầm giường, gục mặt dưới chân người bệnh hay vạ vật ngoài hành lang để tìm giấc ngủ là chuyện bình thường. 
Nhiều lúc ô sin vừa chợp mắt thì bị đánh thức bởi những tiếng rên la hoặc bệnh nhân “đòi” phục vụ. Vài tiếng nghỉ đêm cũng phải thức dậy đến 5-6 lần để bật máy thụt, hút đờm rồi lo khâu vệ sinh cho người bệnh. Họ chỉ thật sự được nghỉ ngơi và chăm sóc cho chính bản thân mình trong giờ các bác sĩ thăm khám. Mỗi ngày cũng tầm vài ba tiếng được thảnh thơi, còn lại tất cả đều thực hành theo khẩu hiệu “vì bệnh nhân thân yêu”, như lời một ô sin nam vui tính đã nói. 
“Khác máu”  nhưng không “tanh lòng”
Ông bà ta thường có câu: “khác máu, tanh lòng” nhưng đối với những ô sin bệnh viện thì điều này hoàn toàn trái ngược. Với người bệnh, ngoài việc đau đớn về thể xác họ còn bị khủng hoảng về tinh thần họ rất cô đơn cần có người bên cạnh. Vì thế, họ bấu víu vào ô sin như là những người thân cận nhất với họ trong thời gian nằm viện. Không chỉ khoác trên mình tấm áo người nhà bệnh nhân hay “người nhà” bất đắc dĩ nhiều ô sin trở nên thân thiết, là người chia sẽ thật sự.
Trường hợp chị Tâm khi chăm cho bà cụ bị xuất huyết não nằm liệt giường, nếu không có lòng kiên trì cùng với tình thương thì có lẽ chị đã “bỏ của chạy lấy người”. Chị tâm sự: “Nhưng đợt chăm bà cụ liệt giường là cực nhất. Thức suốt đêm để theo dõi tình trạng của cụ tôi gần như kiệt sức. Cực quá, nhiều khi chỉ muốn kiếm bệnh nhân khác nhẹ nhàng hơn chăm nuôi. Nhưng nghĩ lại thương cụ có độc một anh con trai lại thường xuyên công tác. Vì thế tôi cũng cố chăm cho cụ, xem cụ như mẹ mình để săn sóc. Được ba tháng thì cụ đi”.
Có nhiều trường hợp vì miếng cơm manh áo, họ đành để cha già, mẹ héo với lũ con nheo nhóc lại miền quê nghèo ra Hà Nội kiếm sống. Lăn lộn với nghề, kiếm được đồng tiền, bát gạo cũng mất bao mồ hôi, công sức.Nhưng để bám trụ được với nghề ngoài việc làm để mưu sinh, họ còn đặt tình người lên trên hết.

Đọc thêm