Sức bật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu từ CPTPP

(PLVN) - Ba năm thực thi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị trường xuất khẩu lớn đã mở ra đối với Việt Nam. Không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu hàng hóa, mà số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP cũng tăng một cách tích cực.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP.

Là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, CPTPP gồm 11 nước thành viên là: Australia, Bruney, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. CPTPP có mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn.

Hiệp định CPTPP bao trùm thị trường gần 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, là FTA có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp khi tạo ra động lực thúc đẩy mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều quốc gia mới như Canada, Mexico, Peru...

Tính đến thời điểm hiện tại, CPTPP đã được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng khá tốt, góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia hiệp định này.

Đặc biệt, việc tận dụng CPTPP không chỉ giúp những doanh nghiệp “đầu đàn” gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cũng đang dần chuyển mình thích ứng và tham gia vào quá trình xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc - thiết bị, điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP. Trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, sau "cú sốc" dịch COVID-19, những số liệu về xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định CPTPP trong năm 2021 và 2022 cho thấy, các doanh nghiệp ngành hàng đã nắm bắt được cơ hội mà hiệp định này mang lại để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đáng chú ý, không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu hàng hoá mà số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đang tăng rất tích cực.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, có khoảng 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP. Điều này cho thấy CPTPP đã hỗ trợ, khuyến khích khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này cũng như tự tin bước vào sân chơi quốc tế rộng lớn.

Cùng với các Bộ, ngành, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP. Ngay trong năm 2022-2023, Hiệp hội đã xác định tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh hướng tới xuất khẩu, để khai thác các FTA, trong đó có CTPPP nhằm mở ra thị trường mới, cũng như phát huy tiềm năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Riêng năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về tiếp cận thị trường quốc tế, thông tin tuyên truyền về thực hiện các FTA cho hơn 4.000 doanh nghiệp. Đặc biệt, các chương trình đào tạo còn chú trọng cung cấp cho doanh nghiệp các định hướng kinh doanh bền vững, cũng như tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường, chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

“Thông qua các chương trình hỗ trợ của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thêm động lực nắm bắt cơ hội để tiếp cận thị trường tiềm năng của CPTPP. Và ở chiều ngược lại, khi thành công trong tiếp cận thị trường, thì chính Hiệp định CPTPP lại tạo động động lực hơn cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị để tự tin, vững vàng trong sân chơi hội nhập”, ông Tô Hoài Nam chia sẻ.

Tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ mức tăng trưởng 3 con số 123%, đạt trên 31 triệu USD. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên. Thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan.

Trong CPTPP, các nước thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.

Các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mê-hi-cô sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Năm 2023, mặc dù vẫn còn ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế, nhưng dự báo xuất khẩu cá tra vẫn giữ vững "phong độ", với lợi thế Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định FTA, đáng chú ý là các hiệp định RCEP, EVFTA, CPTPP…. Cùng với đó, cá tra Việt Nam được xem là mặt hàng có mức giá tốt nhất, vừa "túi tiền" của người tiêu dùng trong thời điểm lạm phát cao như hiện nay.

Đọc thêm