Tái hiện nghi lễ dựng nêu giữa lòng Hà Nội

(PLVN) - Nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, trong đó có việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dựng cây nêu, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) các dân tộc Việt Nam lần thứ II từ ngày 22 - 25/11/2023.
Đồng bào Ê Đê tái hiện Lễ cúng cây nêu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Biểu tượng của tâm linh và khát vọng

Lễ dựng nêu hay còn gọi là Lễ Thượng tiêu là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian.

Cây nêu là biểu tượng của tâm linh, người Ê Đê gọi là Gơng drai. Cây nêu được trang trí những họa tiết, hoa văn khác nhau tùy theo ý nghĩa của từng nghi lễ tạ ơn hoặc cầu an, cầu sự no đủ cho gia đình hoặc cộng đồng… Còn theo các già làng Ê Đê, vị trí đặt cây nêu được xem là tâm thiêng cho các nghi lễ như: cúng sức khỏe, cúng nhà mới, cúng ăn cơm mới, tang ma,… thường dựng ở gian khách hoặc ngoài trời. Mỗi cây nêu được trang trí những họa tiết khác nhau và mang ý nghĩa theo từng nghi lễ.

Những ngày Tết của người Mường (Thanh Hóa) không thể thiếu tục dựng cây nêu bởi việc trồng cây nêu có ý nghĩa là sự trấn trị ma quỷ bảo vệ nhà cửa, con người; cầu mong nhà cửa, gia đình sang năm mới được yên lành, mùa màng tươi tốt, vật nuôi khỏe mạnh. Đây chính là biểu tượng văn hóa dân gian giàu tính nhân văn của người Mường. Bởi vậy, từ ngày 27 tháng Chạp, cùng với việc chuẩn bị gói bánh chưng, làm thịt lợn, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới, thì mỗi gia đình người Mường đều dựng một cây nêu ở vị trí trang trọng phía trước sân nhà hoặc ngay đầu cổng.

Trong đời sống hằng ngày của người Cơ Tu (Đà Nẵng), cây nêu và bàn lễ luôn chiếm vị trí quan trọng, không chỉ thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, là vật thiêng liêng kết nối với thần linh, ông bà và chuyển tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc mà còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian Cơ Tu. Cây nêu (x’nur) người Cơ Tu thường gọi là cột buộc trâu hiến tế mỗi khi làng tổ chức lễ hội, là vật thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng, đâm trâu hiến tế mừng đám cưới... Theo quan niệm của người Cơ Tu, trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Yang Haro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa dá dá, họ đưa đôi tay lên trời là tỏ lòng cầu xin hạt lúa của thần linh.

Gìn giữ nét văn hóa ý nghĩa

Những năm gần đây, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần bị mai một, thay vào đó người dân thường chơi hoa, cây cảnh hoặc sắm các loại cây như đào, mai, quất, hoa ban… để trang trí trong nhà. Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc, trong đó có việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dựng cây nêu, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu VH,TT&DL các dân tộc Việt Nam lần thứ II. Trình diễn cây nêu có sự tham gia của đồng bào các dân tộc đến từ 6 tỉnh, thành phố có nghi thức dựng cây nêu gồm: Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đà Nẵng.

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ VH,TT&DL - bà Nguyễn Thị Hải Nhung, trong Ngày hội Trình diễn nghi lễ dựng cây nêu sẽ giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương gắn với cây nêu. Sáu tỉnh sẽ đem đến 6 cây nêu độc đáo dựng tại gian trưng bày triển lãm của tỉnh mình và trình diễn nghi lễ cây nêu của các dân tộc: Ê Đê (Đắk Lắk), Thái (Sơn La), Cơ Tu (Đà Nẵng), Mường (Thanh Hóa), Ca Dăm (Quảng Nam), Thái (Lai Châu).

Theo thời gian, việc dựng cây nêu ngày Tết tuy có nhiều thay đổi theo tập quán của từng địa phương, song ý nghĩa tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc thì không thay đổi. Chính vì vậy, việc tái hiện phong tục dựng cây nêu ngày Tết và ở một số lễ hội của các dân tộc một lần nữa nhắc nhở mỗi người ý thức giữ gìn một nét văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa.

Thông qua Ngày hội Trình diễn nghi lễ cây nêu, người dân sẽ thêm cảm nhận về một bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc màu văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá, giới thiệu về nghi lễ dựng nêu, qua đó giáo dục cho các thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Trong phong tục lâu đời của dân tộc Việt Nam, cây nêu mang triết lý âm dương, bao hàm sự thống nhất và tác động qua lại giữa âm và dương hay sự liên kết giữa động và tĩnh, được biết qua hai chữ càn (trời) và khôn (đất).