Tâm sự của những người thợ làm thủy tinh truyền thống ít ỏi ở làng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làng thổi thủy tinh Xối Trì (thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chỉ còn lại vài gia đình vẫn miệt mài bên chiếc lò rực lửa. Họ bám nghề để mưu sinh cùng với nỗi lo nghề truyền thống không còn ai theo làm.
Ảnh trong bài: Diệp Vũ
Ảnh trong bài: Diệp Vũ

Những lò đất đỏ lửa quanh năm

“Vẫn duy trì nhưng vẫn sợ, sợ không có người nối nghiệp. Chúng tôi cũng đào tạo thêm thợ, thêm người nhưng người ta cũng không ham hố cái nghề này, bởi nó nóng quá, phải thức đêm, thức hôm nhiều. Lớp trẻ không có nên ai cũng lo không có người kế cận, sợ mai mốt cái nghề này tàn lụi đi thì chán lắm, mất hết cái nghề truyền thống” - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Hinh, 68 tuổi, hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc là ông Bê - một trong số ít những thợ còn giữ nghề thổi thủy tinh tại làng Xối Trì, thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Những năm 80 của thế kỉ XX, đây được coi là thời kỳ hưng thịnh của làng thổi thủy tinh Xối Trì. Hồi ấy, trong làng có 13 cơ sở làm nghề thổi thủy tinh với đa dạng sản phẩm như: bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc,… Trong kí ức của người thợ Nguyễn Xuân Hinh, nghề thổi thủy tinh là nghề tạo thu nhập chính cho các hộ gia đình trong thôn lúc bấy giờ, ông chia sẻ: “Ngày xưa khổ đói, mấy bố con dìu dắt anh em trong ngành, trong họ với nhau rồi dân làng lòng ròng theo nhau, thành ra cái nghề này bảo tồn cuộc sống cho cả làng. Trước đây, cả cái làng Xối Trì chỉ có tập trung vào mỗi nghề này thôi”.

Hiện tại, sản phẩm của làng thổi thủy tinh Xối Trì chủ yếu là cốc uống bia, theo đơn đặt hàng của các khách hàng chính của làng nghề. Sự xâm nhập của đồ nhựa vào thị trường với nhiều vật dụng có mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ đã khiến người ưa chuộng đồ thủy tinh nơi đây giảm dần. Do đó, rất ít người trong làng Xối Trì còn giữ lại nghề thổi thủy tinh. Từ một nghề chính trong làng, hiện nay chỉ còn 3 hộ gia đình vẫn theo nghề này.

Theo chân ông Bê tới một lò thổi thủy tinh trong làng, ấn tượng đầu tiên là những mảnh kính vỡ được chất thành đống lớn ở cạnh lối ra vào xưởng. Đôi tay lấm lem bụi bẩn thoăn thoắt đập rồi sàng lọc thủy tinh, thỉnh thoảng đưa lên quệt ngang mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên gò má, cô Phạm Thị Vân, 60 tuổi, người làng Xối Trì cho biết: “Mảnh thủy tinh thì phải nhặt thật sạch, không được để có hạt sạn, không có keo hay nhựa, nếu không cốc sẽ không được đẹp. Mình cứ đập dẻo dai vậy chứ không cần găng tay gì, vì mình làm lâu cũng quen rồi. Ngày xưa thì làm thúng, bây giờ làm chậu, cứ mỗi ngày 30 chậu mảnh là hoàn thành”.

Cũng theo cô Vân, những công việc như nhặt thủy tinh hay đóng hàng thường là phụ nữ làm, còn việc nấu và thổi thủy tinh cho ra thành phẩm hầu như là đàn ông đảm nhiệm. Bởi công việc này đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật cao, thậm chí phải học trong vài năm mới có thể trở thành thợ chính.

Hàng ngày, những người thợ ở làng thổi thủy tinh phải dậy từ 11 rưỡi đêm và tan làm lúc 5 giờ chiều. Cứ đều đặn mỗi ngày 2 ca từ 12h đêm đến 5h sáng, rồi 1 người nấu từ 5h sáng đến 12h trưa, ca thứ 2 từ 12h trưa đến 5h chiều, những lò thổi thủy tinh ở làng Xối Trì luôn luôn đỏ lửa.

Đời người thợ thổi làm bạn với lò nung ở nhiệt độ lớn, với ống tán và không gian oi nồng. Công việc vất vả với số lượng sản xuất khoảng 2.000 chiếc cốc mỗi ngày nhưng mọi hoạt động đều diễn ra thủ công. Để sản xuất ra sản phẩm là cốc uống bia, những người thợ thổi thủy tinh phải trải qua quy trình với nhiều công đoạn khác nhau, từ việc sàng lọc thủy tinh đến khâu nung nóng và uốn nắn, tạo hình. Thủy tinh nấu trong lò chừng 6 - 7 tiếng, khi nhiệt độ đạt khoảng 1.800 độ C thì chảy ra thành nước. Thợ thổi lúc này cầm ống tán lấy thủy tinh và ngậm vào miệng thổi theo khuôn hình cốc có sẵn. Công đoạn này tưởng chừng đơn giản nhưng để có những sản phẩm ưng ý đòi hỏi người thổi thủy tinh phải có sức khoẻ, khéo léo điều tiết hơi thở đều và vừa phải. Đây cũng chính là công đoạn khó nhất của người thợ thổi thủy tinh.

“Làm ra sản phẩm thì khó nhất là khâu thổi. Thời gian học thổi lâu lắm, người thông minh cũng phải gần 2 năm mới thành nghề được. Bắt đầu vào lấy cục thủy tinh ra bằng ống sắt xong tay mình khều, mắt nhìn, chân bước, mồm mình là một cái máy nén khí. Sau đó các thao tác khác, có 1 cái khuôn bằng sắt, cho vào, mồm mình ngậm vào cái sắt ý thổi, đưa ra thành cái cốc”, ông Bê chia sẻ thêm.

Sau khi những chiếc cốc thủy tinh được cắt mép, làm tròn miệng, những người thợ khác sẽ di chuyển những sản phẩm nóng rực này đi ủ bằng tro sạch để đảm bảo không bị nứt, nẻ hay bị vỡ. Công đoạn cuối cùng chủ yếu dành cho thợ là nữ lớn tuổi, họ dùng những đôi tay khéo léo xếp những chồng cốc lót bằng rơm và đóng gói thành những thùng hàng lớn. Đây là công đoạn nhẹ nhàng nhưng cũng yêu cầu sự khéo léo và tỉ mỉ.

Sự trăn trở và nỗi lo mất nghề…

Thổi thủy tinh được xem là nghề bán sức khỏe lấy tiền. Cơ cực là thế nhưng đổi lại chẳng là bao. Mỗi chiếc cốc xuất ra thị trường chỉ với giá 7.000 đồng. Hiện tại, số người theo nghề thủy tinh trong làng cũng không còn nhiều. Giá bán rẻ, thu nhập không cao, hiện nay làng nghề còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm thủy tinh nhập khẩu từ Trung Quốc được sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại. Đó cũng là lý do mà nhiều hộ gia đình trong thôn phải đóng cửa lò, tìm nghề khác mưu sinh. Khi nhiều người đã quay lưng lại với nghề như vậy, vẫn còn những người bám trụ tới cùng. Dẫu có khó khăn, dẫu có cạnh tranh nhưng họ vẫn tự hào về những sản phẩm cốc thủy tinh do làng mình tạo ra.

Ông Bê nghẹn ngào trải lòng: “Mình phải cạnh tranh với hàng nước ngoài, người ta dùng máy móc còn mình thì thủ công. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cứ tự hào, vẫn cứ duy trì số lượng hàng cũng như là chất lượng để giao ra thị trường. Đặc biệt, mình không thể theo họ được vì thủy tinh của họ trong hơn, mình thì tái sinh nên là mình vẫn bị bọt. Nhưng mà đấy lại là nét đặc biệt, vì theo quan niệm của người dân, yêu cầu của người dân bây giờ là cốc uống bia là phải có bọt, trong quá họ cũng không thích. Chính vì thế, tôi vẫn luôn tự hào về cái mặt hàng chúng tôi sản xuất ra”.

Trong những lò thổi thủy tinh hầu như chỉ là những người đàn ông trung tuổi gắn bó với nghề. Những người còn làm nghề như ông Bê tỏ ra tiếc nuối và lo lắng nếu một ngày nào đó làng mình không còn ai theo nghề thổi thủy tinh này nữa. Lớn lên ở mảnh đất Xối Trì, may mắn được sinh ra trong gia đình truyền thống 3 đời theo nghề thổi thủy tinh, hình ảnh lò thủy tinh đỏ lửa đã trở thành một phần kí ức của người thợ Nguyễn Xuân Hinh. Có lẽ ông hay bất cứ người thợ nghề nào khác thấy tiếc lò, thấy nhớ lửa và luôn tâm niệm phải giữ lấy nghề vì nghề là máu thịt, mồ hôi cha ông làng Xối Trì để lại.

“Giờ chỉ mong sao gặp được các nhà tài trợ về máy móc, giúp đỡ về khâu máy móc của 3 cơ sở này để chúng tôi được an nhàn hơn, đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó, đảm bảo cho ba cơ sở khâu nguyên liệu đồng thuận với nhau. Mong muốn cho lớp trẻ duy trì, kế thừa nghề của mình, không để mất mát nguồn gốc của nghề đi. Có điều bây giờ học vấn chúng nó cao, nó đi đại học cơ, rồi là nó đi ngành nọ, ngành kia, nó không theo nghề này”, ông Hinh trăn trở.

Nỗi lo mất nghề không chỉ là nỗi lo trong tiềm thức của ông Bê, đó còn là nỗi lo chung của từng người thợ của làng thổi thủy tinh Xối Trì. Trong những lò thủy tinh nóng như lò bát quái, những người đàn ông vẫn miệt mài làm việc, đầu buộc khăn, miệng căng phồng tạo hình cho những cục thủy tinh đang đỏ rực. Ông Trần Văn Duyên, 52 tuổi - một trong những thợ thổi thủy tinh lâu năm, tay vừa hút vội điếu thuốc lào trong vài phút nghỉ ngơi ngắn ngủi chia sẻ: “Công việc khó khăn, nặng nhọc là thế nhưng mình không ngại gì cả. Lò lúc nào cũng đỏ, phải thay nhau canh thức 24/24h. Mỗi dây chuyền sản xuất phải có 11 người, một mình mình không thể làm được. Rồi sau này không biết sẽ ra sao vì lớp trẻ không ai đam mê cái nghề này, ai cũng thích đi học cao, nghề này, nghề khác an nhàn hơn, cuộc sống cũng no đủ hơn”.

Ngay bên cạnh lò đất nóng như đổ lửa, cô Trần Thị Huệ - người đang đập thủy tinh ngay bên cạnh cũng chia sẻ thêm: “Công việc này cần sự kiên trì và đòi hỏi kỹ thuật cao. Tuy nhiên, nó quá vất vả, lớp trẻ hiện nay rất khó để theo cái nghề này, ai cũng thích đi học đại học cơ, học nghề này nghề nọ, nó nhàn mà lương cũng ổn định hơn nhiều. Đấy cũng là nỗi lo chung của tất cả chúng tôi. Sợ sau này không còn nghề để làm nữa và cái nghề truyền thống này cũng biến mất”.