Khi không khí Tết bằng đầu về phố qua những cành đào, cây quất, trên những trang facebook cũng bắt đầu rộn ràng những hình ảnh mứt tết, giò thủ, bánh chưng… do chủ nhân của nó tự làm và “khoe” với bạn bè. Sau những bức ảnh ngô nghê về các sản phẩm “madein by me” là niềm hạnh phúc vô bờ, không hề dấu giếm khi kể về niềm vui của con, niềm tự hào của chồng lúc nhâm nhi những món ăn ngày Tết được làm từ tình yêu của mẹ.
“Những ngày cận Tết tất bận với công việc chồng lên công việc, nghĩ tới việc bỏ ra vài tiếng đồng hồ bên một bếp lửa siêu nhỏ để sên một nồi mứt, nhiều người nghĩ đó là việc làm phí phạm thời gian và công sức. Bởi thời gian đó, có thể làm việc khác kiếm được nhiều tiền hơn, và với số tiền đó có thể mua được nhiều hơn một nồi mứt. Nhưng có những giá trị không thể kiếm nổi bằng tiền hay thời gian…”, chị Đào Hồng Nhung (Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ lý do cho việc lọ mọ chuẩn bị món ăn cho ngày Tết của mình.
Chị kể, chuẩn bị Tết, dù rất tất bật, nhưng khi mẹ làm bánh, làm mứt là bố gác lại công việc, con nhanh nhảu chuẩn bị bài vở để quây quần trong bếp cùng mẹ. Cả nhà nói chuyện rôm rả. Bố nhân chuyện mẹ làm mứt để về chuyện ngày xưa của bố bên bà nội; mẹ nhắc con về những cái Tết thiếu thốn chia nhau một lát mứt gừng mỏng tang cũng thấy quý… “Những phút giây gia đình ấm áp, vui vẻ và vô cùng lắng đọng như thế chỉ có ở trong bếp ngày Tết”, chị Nhung khẳng định.
Chị Linh ở Kim Mã còn tìm thấy một niềm vui khác khi “trổ tài” trong bếp, bởi bỗng dưng, chị được tôn sùng như “nhà ảo thuật”. Chị tiết lộ: Được các chị em bày cho cách nhuộm màu mứt bằng cây, củ, quả, tôi làm hẳn một mâm mứt ngũ sắc. Bố con nó nhìn màu mứt hiện dần lên mà cứ: “Mẹ tài thật!” làm mình cứ như… đi trên mây.
Cũng với niềm vui của một người vợ “em đảm dần lên trong mắt anh”, chị Quỳnh Chi (bán đảo Linh Đàm – Hà Nội) bẽn lẽn tâm sự: Ngày xưa tôi không nghĩ mình sẽ làm cái gì đó cho ngày Tết. Thôi thì cứ chọn siêu thị nào tin tưởng. Đến đó một lúc thì bánh chưng, giò nạc, bánh mứt gì cũng có hết. Nhưng vài năm gần đây, thấy bạn bè khoe cái này, khoe cái nọ, nghĩ chả lẽ mình không làm được? Thế là nào thì bắp bò ngâm mắm, dưa hành, bò khô, mứt dừa, mứt quất… các món ăn ngày Tết nhà tôi bây giờ toàn tự làm. Chồng tôi hào hứng lắm. Thích mời bạn bè về nhậu để khoe vợ tôi làm hết đấy. Dường như hạnh phúc nhà tôi được hâm nóng từ những món ăn ngày Tết.”
Hình ảnh Tết Việt gắn với người phụ nữ Việt dường như đang dần dần trở lại trong những gia đình hiện đại. Nhiều bà vợ đang làm mới lại hạnh phúc bằng những bếp lửa ngày Tết của mình. “Rất rẻ, rất dễ, rất an toàn về sinh và thực phẩm, và cực kỳ ngọt ngào hạnh phúc!” – đó là lời khẳng định của nhiều cô vợ về những món ăn "handmade" cho ngày Tết.