Thâm nhập “đại công trường” khai thác cát ở hồ Núi Cốc

(PLO) - Sau khi múc các chất cặn dưới lòng hồ lên với danh nghĩa dự án “nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu khoáng sản”, doanh nghiệp chỉ gom lấy cát để bán còn bùn, đá, rác thì cho thải trực tiếp xuống lòng hồ. Đây là thực trạng đang diễn ra tại Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) do Công ty CP bất động sản và khoáng sản Đại Việt làm chủ đầu tư dự án.
Thâm nhập “đại công trường” khai thác cát ở hồ Núi Cốc
Mất nhiều ngày để tìm hiểu, thăm dò địa bàn, phóng viên Báo PLVN đã quyết tâm thâm nhập thực tế “đại công trường” khai thác cát ở hồ Núi Cốc.
"Nạo vét" hay “nạo cát”?
Trong vai khách du lịch đi dạo ngắm cảnh hồ, trên con thuyền xi măng thuê được của một hộ kinh doanh du lịch gần hồ Núi Cốc, phóng viên đã ghi nhận và chứng kiến toàn bộ quy trình “nạo vét” hồ Núi Cốc của Công ty CP Bất động sản và khoáng sản Đại Việt (Công ty Đại Việt).
Khi con thuyền xi măng của phóng viên hành trình được khoảng 30 phút trên mặt hồ thì phát hiện có 01 tàu cuốc lớn có in logo của Công ty Đại Việt đang sửa chữa trực tiếp trên lòng hồ. Tiến lại gần, phóng viên đưa máy quay ra để ghi nhận lại nhưng nhận được sự phản đối, xua đuổi của những người đứng trên chiếc tàu này.
Cận cảnh "nạo vét" rồi thải bùn, đá trực tiếp xuống hồ của Công ty CP đầu tư Bất động sản và khoáng sản Đại Việt.
Cận cảnh "nạo vét" rồi thải bùn, đá trực tiếp xuống hồ của Công ty CP đầu tư Bất động sản và khoáng sản Đại Việt. 
Chiếc thuyền xi măng tiếp tục lướt trên mặt hồ chừng khoảng 10 phút thì phát hiện thêm 01 tàu cuốc của Công ty Đại Việt. Chiếc tàu này đang liên tiếp múc từng gầu các chất cặn từ dưới lòng hồ lên rồi đổ thẳng vào băng tải để chuyển lên tàu chứa nằm sát đó.
Điều đáng ngạc nhiên, khi phóng viên chỉ cách tàu cuốc này chừng vài trăm mét, thì phát hiện tại vị trí gầu múc bắt đầu đổ cặn vào băng tải, có 01 chiếc bạt màu xanh quây kín, bùn, đá, rác từ chiếc bạt này văng ra tứ tung. Khi tiến lại gần hơn, phóng viên thấy rõ từng viên đá to, bùn, cặn bã bị lọc ra rồi thải lại hồ, còn băng tải chỉ vận chuyển cát lên tàu chứa.
Phát hiện thấy có thuyền lởn vởn xung quanh, một chiếc xuồng mang lô gô của Công ty Đại Việt phóng nhanh như xé gió về phía chiếc thuyền của phóng viên và ép sát vào thuyền. Người ngồi trên xuồng cho biết là nhân viên của Công ty Đại Việt, yêu cầu phóng viên và những người ngồi trên thuyền không được quay phim, chụp ảnh và xua đuổi chiếc thuyền của phóng viên đi, kèm theo những lời chửi tục thô bạo.
Xuồng của Công ty Đại Việt xua đuổi, chửi bới thuyền của phóng viên.
 Xuồng của Công ty Đại Việt xua đuổi, chửi bới thuyền của phóng viên.
Cách chiếc tàu này một khoảng xa, một chiếc tàu cuốc của Công ty Đại Việt cũng đang nằm sát bờ để “nạo vét”, khoảng cách của các chiếc tàu này cách nhau tương đối xa.
Xét thấy lượng thông tin thu thập cũng đã đủ, vả lại cần giữ sự an toàn vì chiếc ca nô của Công ty Đại Việt ngăn cản khá dữ dội, phóng viên liền bảo người chủ thuyền cho quay lại bờ.
Khai thác hàng nghìn mét khối cát mỗi ngày vẫn không đủ để bán?
Trong quá trình vào bờ, người lái thuyền cho biết, cách đây vài nằm người dân quanh vùng rầm rộ khai thác trái phép cát ở lòng hồ Núi Cốc để bán, nhưng gặp phải sự ngăn cản của cơ quan chức năng.
Thời gian gần đây, Công ty Đại Việt được cấp phép nạo vét, khai thác thì đầu mối cát lại tập trung cho Công ty Đại Việt phân phối. Theo người lái thuyền cho biết, giá trị của 01 khối cát khi được Công ty Đại Việt phân phối qua trung gian có giá trị vào khoảng 270 nghìn đồng/01 mét khối cát.
Mặc dù giá cả đắt đỏ như vậy nhưng thị trường cát ở Thái Nguyên lúc nào cũng trong tình trạng khan hiếm, không đủ để bán vì cát ở Tuyên Quang không chuyển qua Thái Nguyên được do phải đi qua trạm cân. Còn Công ty Đại Việt thì ngày đêm khai thác với số lượng hàng nghìn khối cát nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Quá trình tìm hiểu quy trình khai thác hồ Núi Cốc xong xuôi, phóng viên tiếp tục thâm nhập trực tiếp nơi được cho là chứa các chất cặn được múc từ lòng hồ Núi Cốc lên để xử lý.
Diện tích lớn của hồ Núi Cốc bị lấp làm nơi tập kết cát của Công ty Đại Việt để chở đi bán.
 Diện tích lớn của hồ Núi Cốc bị lấp làm nơi tập kết cát của Công ty Đại Việt để chở đi bán.
Trong vai những chuyên viên đi khảo sát môi trường, phóng viên Báo PLVN đã được người đàn ông tên là Nhạ -  bảo vệ Công ty Đại Việt cho quan sát bãi chứa cát khổng lồ của Công ty này nằm tại khu vực xóm Dộc Lầy, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên). Để có được nơi chứa cát khổng lồ này, doanh nghiệp đã cho san, lấp hồ Núi Cố để làm chỗ chứa.
Trái với suy nghĩ của phóng viên rằng những chất cặn sẽ được tập hợp ngổn ngang nơi đây để chờ xử lý, thay vào đó, khắp bãi chứa chỉ toàn là cát, còn bùn, đá và rác được thải trực tiếp lại hồ như phóng viên đã ghi nhận được. Xung quanh bãi chứa là hàng chục chiếc ô tô tải đang chờ máy xúc cát lên rồi chở đi bán.
Theo người bảo vệ trên cho biết, tất cả cát khai thác được từ dưới lòng hồ Núi Cốc đều được tập kết về bãi chứa này rồi bán lại cho các hộ kinh doanh cát. Về phương tiện nạo vét của công ty này có tổng cộng 03 tàu cuốc loại lớn, mỗi gầu cuốc có thể tích khoảng 2 mét khối và 06 tàu chuyên chở loại 100 mét khối. Quá trình khai thác, nạo vét của công ty này bất kể ngày đêm, mỗi ngày công ty này khai thác được hàng nghìn mét khối cát để bán.
Ông Nhạ - Bảo vệ công trường của Công ty Đại Việt nằm trên địa bàn xóm Lộc Dầy, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên).
Ông Nhạ - Bảo vệ công trường của Công ty Đại Việt nằm trên địa bàn xóm Lộc Dầy, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên). 
Cuộc trò chuyện đang dở dang, người bảo vệ nhận được điện thoại của một lãnh đạo trong công ty, hỏi thăm dò xem đoàn nào đến làm việc. Qua chiếc loa điện thoại, phóng viên nghe thấy rõ người đầu dây bên kia nói: “Nếu có ai hỏi vào làm việc với lãnh đạo công ty thì cứ bảo là lãnh đạo đi vắng”.
Theo ông Bùi Tiến Chính – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nếu có chuyện doanh nghiệp chỉ lọc lấy cát mà thải lại bùn, đá ở hồ như Báo PLVN phản ánh thì tỉnh Thái Nguyên sẽ rút giấy phép của doanh nghiệp này. Vì việc nạo vét phải thu toàn bộ các chất cặn rồi tập kết lên bờ để xử lý, sau đó mới lọc ra cát. Nếu đúng như vậy thì doanh nghiệp này đang thực hiện sai quy trình”.
Theo tìm hiểu mới nhất của Báo PLVN thì ngày 08/10/2015, phía Công ty Đại Việt đã hoàn thành thủ tục để thành lập chi nhánh Công ty Đại Việt tại Thái Nguyên. Mặc dù dự án đã bắt đầu tiến hành nạo vét được hơn 2 tháng, số cát bán được mang về doanh thu không nhỏ cho Công ty Đại Việt nhưng số tiền thuế tài nguyên được Công ty này nộp về ngân sách tỉnh Thái Nguyên theo Kho bạc tỉnh Thái Nguyên cung cấp thì vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. 
Toàn bộ giao dịch nộp tiền về kho bạc mới chỉ có vỏn vẹn 500 nghìn đồng, đó là tiền thuế môn bài của doanh nghiệp này đến nay.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh./.

Đọc thêm