Tháng 7/2020, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với châu Âu có hiệu lực

(PLVN) - Sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp hội bảo hộ đầu tư (EVIPA), dự kiến vào tháng 7 tới đây, hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương dự báo tháng 7/2020, 2 hiệp định quan trọng với châu Âu sẽ có hiệu lực
Bộ trưởng Bộ Công Thương dự báo tháng 7/2020, 2 hiệp định quan trọng với châu Âu sẽ có hiệu lực

Hơn 18h hôm nay, 12/2 (giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và EVIPA. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố thông tin chính thức.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, bằng việc thông qua 2 hiệp định EVFTA và EVIPA, Liên minh châu Âu (EU) không chỉ thể hiện sự đánh giá cao với Việt Nam mà còn khẳng định, Việt Nam là đối tâc quan trọng của EU.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, để đi đến được việc thông qua với 63,3% phiếu ủng hộ là cả một quá trình đàm phán, hoàn tất đàm phán, hoàn thiện thủ tục pháp lý. Đặc biệt là việc Việt Nam đã chia sẻ, hợp tác, cung cấp thông tin cho EU, cho Hội đồng châu Âu và các đối tác của EU rất kịp thời, chặt chẽ. Do đó dù còn thiếu nhiều sự hiểu biết về những thay đổi ở Việt Nam nhưng 401nghị sĩ châu Âu đã quyết định bỏ phiếu thông qua 2 hiệp định, đồng thời đưa quan hệ của Việt Nam và EU lên tầm cao mới.

Châu Âu là thị trường có tiềm năng rất lớn với quy mô lên tới 18.000 tỉ USD trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có 40% ngành hàng được hưởng thuế ưu đãi nhưng những ưu đãi này cũng sớm hết hiệu lực. Thông qua EVFTA và EVIPA vào thời điểm này như một sự chuẩn bị đón đầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tiếp tục có những lợi thế lớn hơn khi xuất khẩu vào thị trường này.

Ngay năm đầu tiên có hiệu lực, đã có 85% các dòng thuế suất về 0%, năm thứu 2 có hiệu lực, số lượng ngành hàng có thuế suất về 0% lên tới hơn 90%. Điều này đưa đến cho Việt Nam lợi thế rất lớn trong cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thị trường này không chỉ đơn giản là thuế quan mà Việt Nam phải quyết liệt tái cơ cấu sản xuất mới tận dụng được những ưu đãi này.

Một điểm khác biệt rất lớn ở 2 hiệp định này là có hiệu lực thực thu rất nhanh. Sau khi Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua chiều tối nay, chỉ còn đưa ra Hội đồng châu Âu phê chuẩn và Việt Nam sẽ trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5 tới là Hiệp định có hiệu lực. Dự báo, vào tháng 7/2020, những cam kết trong EVFTA sẽ được thực thi ngay.

Do đó, Chính phủ sẽ sớm ký ban hành chương trình hành động . Nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, không đợi ban hành chương trình hành động mới thực hiện mà các cơ quan liên quan, các bộ ngành đã tiến hành rà soát, sửa đổi khung khổ pháp luật Việt Nam cho phù hợp với cam kết hội nhâp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Việt Nam là đối tác đầu tiên ở trình độ đang phát triển với EU nên chắc chắn EU đã đặt sự tin cậy rất lớn với Việt Nam về những lợi ích kinh tế, thương mại giữa 2 bên khi thực thi hiệp định này. “Vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào, phải có tốc độ, phải quyết liệt tái cơ cấu sản xuất ra sao để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định này” - Bộ trưởng nói. 

Cùng thời điểm Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA và EVIPA, ông Nicolas Audier, Chủ tịch của EuroCham, cũng đã có những chia sẻ đầu tiên. Ông Nicolas Audier  khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía”

Đọc thêm