Tháng 7 về thăm những “địa chỉ đỏ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đáp ứng nhu cầu tri ân các anh hùng liệt sĩ mỗi dịp 27/7 và tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhiều hãng lữ hành đã thiết kế hiệu quả các tuyến du lịch lịch sử, thu hút đông du khách.
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - một trong những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng. (Ảnh: TD)
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - một trong những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng. (Ảnh: TD)

Nhiều tuyến du lịch hút khách

Những ngày tháng 7, giữa cái nắng hè vẫn còn chói chang, những đoàn người về với Quảng Bình, Quảng Trị ngày một nhiều. Tuyến du lịch tâm linh, lịch sử này thường xuyên được du khách Việt tìm về vào dịp kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Tại Quảng Trị, chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” sau gần 20 năm triển khai đã thu hút lượng khách đáng kể hàng năm. Năm nay, tỉnh Quảng Trị nỗ lực tạo thương hiệu du lịch “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình” với nhiều hoạt động thăm lại chiến trường xưa, thăm viếng và thả đèn hoa đăng, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Du khách tham quan di tích, nghĩa trang liệt sĩ vào ban đêm như: viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tham quan Thành cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, thả đèn hoa đăng tri ân anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn…

Nằm trên con đường Trường Sơn huyền thoại, hàng năm, Nghĩa trang Trường Sơn đón trên 2 triệu lượt người đến thăm viếng. Bước vào thời gian cao điểm tháng 7, mỗi ngày Nghĩa trang phục vụ vài chục đến vài trăm đoàn khách trên khắp cả nước.

Tham gia tour “Khám phá quốc lộ 279”, du khách sẽ được đến với tỉnh Phú Thọ để tri ân Mẫu Thượng ngàn tại đền Hạ và tri ân công đức của các vua Hùng tại đền Hùng; dâng hương tại Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang). Tương tự, Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), địa đạo Củ Chi (TP HCM)… đều là những “địa chỉ đỏ” được các hãng lữ hành đưa vào hành trình tour trong mùa hè này và rất hút khách.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cũng phát triển tuyến du lịch tâm linh lịch sử “Thăm chiến trường xưa” kết nối các điểm: Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ xã Lao Chải, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Thanh Thủy, hang Dơi, hang Làng Lò, Đài hương 468… Tỉnh Bình Dương cũng quan tâm, phát triển sản phẩm du lịch về nguồn, nổi bật là tour liên kết với các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ như TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước, với hành trình “Sắc xanh ngày mới,” “Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ”, “Tình đất đỏ miền Đông”…

Tại TP HCM, tour “Biệt động Sài Gòn” đưa du khách ngược dòng lịch sử, trải nghiệm cuộc sống, hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Một số điểm nhấn trong chương trình: Tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, trải nghiệm thang máy thời Pháp, bảo tàng thông minh, bàn xoay kỳ diệu, kính thực tế ảo VR… Tiếp đó là các trải nghiệm hộp thư bí mật và hầm nổi của các chiến sĩ biệt động, khám phá căn nhà chứa hầm vũ khí bí mật ngay giữa trung tâm Sài Gòn, được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia…

Bồi đắp tình yêu Tổ quốc

Về nguồn là loại hình du lịch chứa đựng ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Khi tham gia các tour về nguồn, đến với các di tích lịch sử - “địa chỉ đỏ” của từng địa phương, du khách không chỉ được vui chơi, tham quan, giải trí như các loại hình du lịch khác mà còn được tiếp cận và có cơ hội hiểu biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương nói riêng, của dân tộc nói chung.

Trên thực tế, các chuyến du lịch về nguồn đã và đang góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, bồi đắp niềm tự hào về các giá trị tốt đẹp của cha ông, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho người dân, nhất là giới trẻ. Theo một số hãng lữ hành, năm nay, lượng du khách đặt tour về nguồn, hoài niệm, tri ân tăng mạnh. Du khách phong phú về ngành nghề, độ tuổi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng du lịch về nguồn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vai trò vẫn còn khiêm tốn trong toàn cảnh bức tranh du lịch. So với số lượng di tích lịch sử, các “địa chỉ đỏ” có tiềm năng phát triển du lịch thì số lượng các tour để lại ấn tượng cho du khách chưa nhiều.

Theo các chuyên gia du lịch, để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ban quản lý các di tích cần tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích xã hội hóa để làm phong phú các dịch vụ. Đồng thời, phải có sự phối hợp của các ngành liên quan trong quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ, đường sông, hệ thống bến bãi nhằm tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi các điểm di tích lịch sử, khai thác tiềm năng du lịch.

Các địa phương cần nâng cấp hoàn chỉnh các phòng truyền thống, phòng trưng bày hiện vật, tư liệu, phòng chiếu phim, gắn kết với ẩm thực, trải nghiệm… tạo được không gian thật sự hấp dẫn du khách.

Bên cạnh đó, vấn đề quảng bá thông tin du lịch tại các “địa chỉ đỏ” cũng cần được quan tâm đúng mức, đầu tư thỏa đáng, giúp du khách có cơ hội biết đến các tour về nguồn nhiều hơn và lựa chọn.

Đọc thêm