(PLO) -Sau khi nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp từ phía Công ty Cổ phần Sản xuất Chế biến Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Cty Phúc Thịnh) đóng trên địa bàn thôn Cò Mót (xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Ngày 14/03 báo PLVN thông tin bài viết “Đầu tư 250 tỷ vào Thanh Hóa, bị “xã hội đen” đe dọa, hành hung”, tuy nhiên đến thời điểm này sự việc trên vẫn chưa có hồi kết.
Doanh nghiệp lao đao
Sự việc bắt đầu vào khoảng tháng 03/2015, từ khi Cty Phúc Thịnh tiến hành thu mua sắn trên địa bàn các huyện Như Xuân, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa). Hàng loạt đối tượng đã xuất hiện đe dọa với nhiều hình thức khác nhau từ dụ dỗ đến hành hung... các đầu mối thu mua nguồn nguyên liệu ở đây vì cho rằng đây là vùng nguyên liệu của Cty Cổ phần (CP) vật tư tổng hợp Thanh Hóa.
Trao đổi với PLVN ông Mai Xuân Chung, Phó Giám đốc Cty Phúc Thịnh cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, việc thu mua sắn của Cty trên địa bàn xã Xuân Bình (huyện Như Xuân) vẫn hết sức khó khăn. Bãi tập kết cũ để mua sắn của Cty chúng tôi thường xuyên có những đối tượng lạ tự xưng là người của Cty Cổ phần (CP) Vật tư tổng hợp Thanh Hóa đến đe dọa cản trở, không cho lái xe và người dân bán và chở sắn cho Cty Phúc Thịnh.
Trước tình hình đó chúng tôi đã phải lập bãi tập kết mới để mua sắn ngay sát nhà ông Chủ tịch xã Xuân Bình, hy vọng sẽ không tiếp tục bị đe dọa. Những ngày qua vì không đủ số lượng nguyên liệu cho nhà máy nên công suất bị sụt giảm nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho Cty”.
Đại diện phía công ty Phúc Thịnh cũng lấy làm ngạc nhiên vì sau khi sự việc xảy ra, báo chí thông tin và Cty cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh và các ban ngành liên quan nhưng sự vào cuộc chậm trễ của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ai đúng, ai sai?
Trả lời trên báo Lao Động số ra ngày 23/03, ông Hà Văn Thọ - Trưởng phòng Kinh doanh Cty sắn Như Xuân - cho hay, việc phản ứng của ông Phước trước việc Cty Phúc Thịnh lên mua sắn ở Xuân Bình là có cơ sở. Ông Thọ đưa ra QĐ số 2663/QĐ-UB ngày 27.10.2000 của UBND tỉnh Thanh Hoá do ông Lôi Xuân Len - Phó Chủ tịch thời điểm đó - ký phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sắn tỉnh Thanh Hoá.
Theo quyết định này, phạm vi vùng nguyên liệu sắn được phân bố ở 22 xã thuộc 2 huyện Như Xuân và Như Thanh. Quyết định trên giao cho Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hoá tiến hành xây dựng dự án đầu tư vùng nguyên liệu và dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Còn trên tờ Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 20/03, ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng: “Nếu vùng nguyên liệu đã được quy hoạch cho Cty sắn Như Xuân mà Cty không đầu tư thì người dân có quyền bán ra ngoài. Nhưng nếu Cty Như Xuân có đầu tư thì họ đứng ra bảo vệ là đúng. Doanh nghiệp không đầu tư gì mà lại đến thu mua chộp giật như vậy là phải phản đối”.
Trao đổi với PLVN, ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT Cty Phúc Thịnh cho biết: “Việc Cty Phúc Thịnh thu mua Sắn trên địa bàn xã Xuân Bình,(huyện Như Xuân) là hoàn toàn đúng theo quy định của Nhà nước. Chúng tôi chỉ mua sắn của những hộ gia đình không nhận đầu tư của đơn vị nào nên việc mua bán này là một hoạt động thương mại bình thường và đúng luật.
Còn trong quá trình chúng tôi thu mua nguyên liệu hợp pháp như vậy nhưng nhiều đối tượng xã hội đến cản trở, dọa nạt và hành hung cán bộ Cty Phúc Thịnh và người dân bán Sắn cho Cty Phúc Thịnh là không thể chấp nhập được. Chúng tôi rất mong mỏi cơ quan chức năng sớm vào cuộc phân xử để doanh nghiệp ổn định làm ăn”.
Chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn, phía Cty Phúc Thịnh đã cung cấp cho PLVN danh sách các hộ gia đình đã và đang bán sắn cho Cty Phúc Thịnh trên địa bàn xã Xuân Bình (huyện Như Xuân), có xác nhận của chính quyền xã Xuân Bình về việc các hộ gia đình này không nhận đầu tư của bất kỳ đơn vị nào nên việc mua bán là việc do các chủ hộ dân trồng Sắn quyết định.
|
Danh sách một số hộ dân xã Xuân Bình không nhận đầu tư |
Trong một diễn biến khác, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Tiến Phương, trưởng công an xã Xuân Bình, huyện Như Xuân cho hay: “Trước đây theo chỉ thị 80 của Chính phủ, những hộ gia đình trong vùng nguyên liệu đã được quy hoạch thì không được bán ra ngoài. Nhưng một vài năm trở lại đây thì việc mua bán sắn của bà con xã Xuân Bình là rất tự do vì phần lớn người dân đều tự trồng nên chỗ nào được giá thì bán”.
Anh Trương Công Thuận (một chủ hộ trồng sắn tại Xuân Bình, huyện Như Xuân) bức xúc: “Từ nhiều năm nay gia đình chúng tôi đều phải tự trồng Sắn mà không có đơn vị nào đầu đầu tư. Vì thế khi thu hoạch chúng tôi muốn bán cho ai đó là quyền của chúng tôi, không ai có thể can thiệp được”.
Trước đó, trong buổi làm việc với PLVN, Trung tá Đồng Văn Dũng (Đội trưởng đội trên tuyến và địa bàn, Công an tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, khu vực địa bàn Cty Phúc Thịnh tiến hành thu mua sắn là hợp pháp.
Như vậy việc đúng sai của các đơn vị kinh doanh đã rõ, phần còn lại là sự vào cuộc khẩn trương và giải quyết dứt điểm vấn đề trên của các đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa để các doanh nghiệp ổn định sản xuất đồng thời tạo dư luận tốt cho những nhà đầu tư tiếp theo đang có kế hoạch đến làm ăn trên mảnh đất xứ Thanh nhiều tiềm năng.
PLVN tiếp tục thông tin tới bạn đọc vu việc trên./.