Xưởng dăm trái phép mọc như nấm
Để quản lý hoạt động sản xuất gỗ dăm đúng pháp luật, ngay từ đầu năm 2015 Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 2775/BNN-CB chỉ đạo rõ là đối với địa phương thuộc các vùng Tây Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, và Đồng Bằng sông Cửu Long phải xem xét thẩm định theo hướng không phê duyệt các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu theo khoản 1, mục III, Điều 1 Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN ngày 1/12/2014 của Bộ NN&PTNT.
Mặc dù văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT rõ ràng như vậy, nhưng theo điều tra của phóng viên thì tại tỉnh Thanh Hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dăm trái phép đang diễn ra rầm rộ mà không có sự quản lý của cơ quan hữu trách.
Để “né” sự quản lý, xưởng sản xuất gỗ dăm của doanh nghiệp Bình Minh (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) núp trong vùng heo hút của xã này với vỏ bọc là mỏ đá. Mặc dù vậy, xưởng sản xuất này vẫn ngang nhiên đề biển thu mua gỗ keo để băm dăm ngày trên QL 1A như một sự thách thức.
BIển chỉ vào xưởng gỗ dăm T&T của công ty TNHH Nghi Sơn |
Quan sát của phóng viên cho thấy tại mỏ đá này, doanh nghiệp Bình Minh đặt một dây chuyền băm dăm lớn với công suất có thể lên đến cả trăm tấn mỗi ngày. Cũng tại địa phương này, từ QL 1A đi vào chưa đến 100 m là xưởng gỗ dăm của doanh nghiệp Minh Long hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm. Tại xưởng này, luôn có vài xe tải túc trực chờ chở dăm đi.
Được biết, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia còn có xưởng gỗ dăm T&T của Công ty TNHH Nghi Sơn và một vài xưởng gỗ dăm không phép không có tên biển nằm rải rác ở các khu vực khác nhau.
Tỉnh chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm
Ngay tại cảng nước sâu Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa cũng có hai nhà máy xay dăm trái phép của công ty Sinh Lộc Phát và công ty đầu tư và phát triển Nghi Sơn công khai hoạt động.
Về thông tin các hoạt động trái phép này, khi trao đổi với phóng viên báo chí ông Lê Thanh Hà - Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho rằng trong khu cảng nước sâu Nghi Sơn không có nhà máy xay dăm hoạt động. “Ở đó chỉ là mấy bãi đất, tư nhân cho nhau thuê làm kho tập kết dăm thôi” – ông Hà nói. Như liên hệ với ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn thì được ông Sơn hứa là sẽ lập đoàn thanh tra kiểm tra thông tin mà phóng viên cung cấp rồi sẽ trả lời sau.
Về vấn đề quản lý, xử lý các xưởng gỗ dăm trái phép như thế nào, ai phải chịu trách nhiệm khi để xẩy ra tình trạng hoạt động sản xuất dăm gỗ khôgn phép này? Khi phóng viên báo chí nói đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia từ chối và đùn đẩy trách nhiệm khi cho rằng: “Cái đó đi mà hỏi Ban quản lý khu Kinh tế, huyện chỉ lo cho đời sống nhân dân”. Nói rồi vị Chủ tịch huyện này tắt máy, ngắt trao đổi.
Được biết, hiện nay lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đang rất quan tâm đến tình trạng buông lỏng quản lý hoạt động băm dăm này. Ngay từ cuối tháng 1/2016, ông Nguyễn Đức Quyền- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 797 yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở TNMT, Sở NN&PTNT, Cục thuế, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh, căn cứ quy định của pháp luật, giấy phép đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường, nội dung dự án đầu tư, xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) khẳng định, đến hiện tại, chưa có đơn vị nào có văn bản đề nghị xây dựng cơ sở sản xuất mới có sản xuất dăm đáp ứng được đủ các yêu cầu của Bộ NN&PTNT và cũng chưa có đơn vị nào có đề nghị xây dựng xưởng với Bộ. Hiện đang có đoàn đi kiểm tra, chúng tôi kiểm tra nhiều vấn đề, trong đó có việc sản xuất dăm ở các địa phương cụ thể là Nghệ An, Thanh Hóa. Sau khi có báo cáo tôi sẽ cung cấp”, ông Công cho hay. Đối với các nhà máy chế biến gỗ dăm được xây dựng trái phép ở các địa bàn Thanh Hóa… chưa có phép sử dụng đất và cũng chưa có phép xây dựng xưởng thì – ông Công cho biết chắc chắn phải giải tỏa. “Đất của anh đâu mà anh ở đó, nếu xây dựng trái phép thì rõ ràng phải dẹp bỏ”- ông Công cho biết.
Cũng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công , trách nhiệm của địa phương là đã để tự phát là đã vi phạm quy hoạch chế biến gỗ số 2728 được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 31/10/2012. Trước tiên trách nhiệm thuộc UBND cấp huyện và các sở ban ngành và UBND tỉnh. Bộ NN&PTNT không phải cái gì cũng xử lý được Bộ chỉ có hướng dẫn, phê duyệt quy hoạch đó. UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện, UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, còn UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Còn các xưởng gỗ dăm, nếu vi phạm về mặt chế biến gỗ thì phải xử lý theo luật, tùy theo mức độ, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng”, ông Công khẳng định.