Ông Đỗ Hưng (TP. Hà Nội) làm việc tại 1 công ty ở Hà Nội, đóng BHXH, BHYT được gần 10 năm. Tháng 4/2017, ông Hưng làm thủ thuật ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Sau đó, nghỉ làm việc từ ngày 26/4/2017 đến ngày 19/6/2017 nhưng chưa lấy Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Ngày 30/9/2017, ông Hưng đến Bệnh viện đề nghị được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc BHXH nhưng không được chấp thuận do Bệnh viện không cấp được lùi ngày Giấy chứng nhận. Ông Hưng hỏi, theo quy định bác sĩ có được cấp lùi ngày Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không? Nếu không được cấp lùi ngày thì cần làm thủ tục gì để được hưởng chế độ?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Tại Điều 100 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động điều trị nội trú là Giấy ra viện. Trường hợp người lao động điều trị ngoại trú là Giấy Chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Điều 25 Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế quy định: Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan BHXH căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của Giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ BHXH theo quy định.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của ông nếu trên Giấy ra viện có ghi số ngày nghỉ để điều trị ngoại trú thì ông được giải quyết chế độ ốm đau bao gồm cả số ngày điều trị nội trú và ngoại trú trên Giấy ra viện. Nếu trên Giấy ra viện không ghi số ngày cần điều trị ngoại trú, ông không được giải quyết chế độ ốm đau đối với thời gian điều trị ngoại trú.
Trường hợp ông tiếp tục phải điều trị ngoại trú thì Bệnh viện Việt Đức phải có trách nhiệm cấp Giấy Chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với ông theo đúng quy định tại Điều 25, 30 Thông tư số 14/2016/TT-BYT.
Do vậy, ông có thể đề nghị với Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Việt Đức cấp đầy đủ hồ sơ giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH nếu ông điều trị ngoại trú.