Biến ngân sách khoa học thành “chùm khế ngọt”: Cần “vá” lỗ hổng trách nhiệm

(PLO) - Ngân sách khoa học vốn đã ít nay lại còn bị lạm dụng, biến thành “chùm khế ngọt” bị “trèo hái mỗi ngày” do cung cách quản lý quan liêu, nặng về “lợi ích nhóm”.
Nhiều công trình cấp nhà nước bị "rút ruột"
Cách đây ít lâu, người viết bài này có dịp dự buổi nghiệm thu một đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình KX.01.04/11-15 bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đề tài có sự tham gia của 4 viện nghiên cứu tầm cỡ, một tổng cục nhưng kết quả đưa ra chỉ là những chủ trương, khuyến nghị chung chung, bản báo cáo tóm tắt sơ sài và vỏn vẹn… 5 bài báo. Ông Vụ trưởng, Phó giáo sư Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài bức xúc phê phán kịch liệt vì chất lượng đề tài… kém quá, nhưng cuối cùng, Hội đồng vẫn nghiệm thu cho qua vì nể nang.
Những kiểu đề tài kém chất lượng như vậy không hiếm. Trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận có loại đề tài nghiên cứu bỏ “ngăn kéo” thực sự, tức là nghiên cứu mà không có nơi ứng dụng, không xuất phát từ thực tế mà chỉ theo mong muốn chủ quan của người làm khoa học hoặc chỉ để giải ngân. Loại này gây lãng phí, nhưng trong bối cảnh hiện nay người ta vẫn chấp nhận, vì khi kinh phí đã được bố trí, người ta không muốn trả lại ngân sách mà phải làm để duy trì hoạt động của viện và giữ được cán bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Quân từng phát biểu: "Đề tài ứng dụng xếp ngăn kéo là không chấp nhận được", ảnh Chinhphu.vn
Bộ trưởng Nguyễn Quân từng phát biểu: "Đề tài ứng dụng xếp ngăn kéo là không chấp nhận được", ảnh Chinhphu.vn
Cuối năm 2013, Giáo sư Phạm Huyền từng phải viết đơn xin thôi không làm chủ nhiệm đề tài KX.06.01/11-15, một đề tài khoa học cấp nhà nước với tổng kinh phí 2,7 tỉ đồng, được đánh giá là “hết sức cần thiết”  nhằm xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực hội nhập về khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ VN”. 
Là “người trong nhà” của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng TS Phạm Huyền - nguyên phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học - công nghệ) vẫn bị “hành” lên bờ xuống ruộng. Trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Huyền cho biết và cung cấp băng ghi âm hai lần ông Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế Bùi Quý Long “ gợi ý” ông Huyền phải chia “phần trăm”, đóng góp cho trung tâm khoảng 50% kinh phí viết các chuyên đề để dùng cho các việc: bảo vệ, hội đồng, “đi cảm ơn”, quản lý phí, kiểm toán, thanh tra; đóng góp các quỹ như đời sống, công đoàn, dự phòng, rủi ro...
Trong băng ghi âm, ông Long còn bật mí một tiền lệ đau lòng trong giới quản lý khoa học: “Các nơi khác cùng lắm họ chỉ chi 40% trong tổng số đấy, còn 60% chi cho ngoại giao, đối ngoại, rồi nghiệm thu, lợi nhuận cơ quan... kiểm toán sau này, tất cả mọi khoản, chứ không phải chi hết tất cả. Về nguyên tắc các nơi họ đều phải làm thế. Tức là trong phạm vi chủ nhiệm đề tài được chi chỉ 40% tất cả các vấn đề, còn lại các phần ngoại giao, đối ngoại bên ngoài là trung tâm phải lo...”.  
Vụ đơn thư của TS Phạm Huyền gây chấn động dư luận nhưng đến nay vẫn không được làm rõ mà có dấu hiệu bị…cho “chìm xuồng”.
Những dự án siêu lãng phí
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đứng đầu danh sách các đơn vị có dự án siêu lãng phí với 7 dự án gây lãng phí cả trăm tỷ đồng.
Điển hình là Dự án nâng cao năng lực tự động hóa quản trị đơn SHTT (IPAS.net) là dự án lớn của Cục Sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, có tổng mức  đầu tư hơn 9 tỉ đồng, hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai đến nay, hệ thống IPAS.net không thể đưa vào sử dụng được. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thanh tra dự án năm 2012 đã có kết luận số 840 thừa nhận dự án không khai thác được nhưng lại không kiến nghị xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan.
Tiếp theo phải kể tới Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế đầu tư hơn 7 tỷ đồng nay vẫn chỉ là bản thử nghiệm và chưa đưa vào khai thác đạt mục tiêu đề ra... Không những thế, dự án này còn bị hai cán bộ của Cục SHTT có đơn kiến nghị, tố cáo dấu hiệu trùng lặp với dự án do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tài trợ với mức tài trợ trị giá hơn 2,4 tỷ đồng, có dấu hiệu “rút ruột” nguồn kinh phí Nhà nước lên tới hàng trăm triệu đồng từ những phần trùng lặp.
Một dự án khác là dự án đầu tư thuê đường truyền internet. Do lỏng lẻo trong quản lý, Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ đã “bắt tay” với nhà cung cấp gây lãng phí hàng chục tỷ đồng. Bà Lê Thị Kim Loan, kế toán trưởng của Cục phát hiện sự việc và yêu cầu chấn chỉnh.Văn phòng Cục Sở hữu Trí tuệ còn bị “tố” vô cùng lãng phí trong mua sắm máy tính, máy điều hoà, máy photo copy và các thiết bị khác. Nhiều thiết bị mua từ năm 2008, nhưng đến năm 2010 vẫn chưa sử dụng. Có tới 12 thiết bị bị đắp chiếu trong kho nhiều năm, với số tiền lên tới gần 1 tỉ đồng, đã bị Kiểm toán nhà nước nhắc nhở từ lúc đó, nhưng vẫn không chiu sửa chữa.
Nghiêm trọng hơn, ông Phạm Mạnh Hào, Chánh văn phòng Cục và các cộng sự đã mang 2 tỉ đồng cho một doanh nghiệp vay để sử dụng trong xây dựng cơ bản mà không hạch toán vào sổ sách. Đây là phí của các doanh nghiệp nộp về Cục SHTT, theo quy định đơn vị này phải chuyển vào Kho bạc Nhà nước, nhưng lại chuyển cho doanh nghiệp vay. 
Để hợp thức hóa việc thanh toán, trong năm 2013 ông Hào và những người liên quan còn tự lập Quyết định số 1518/QĐ-SHTT kí ngày 14-7-2011 của Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ là quyết định “giả” của Cục trưởng cũ đã nghỉ hưu để có phê duyệt điều chỉnh dự toán. Vụ việc đã được cơ quan Cảnh sát Điều tra C46 kết luận, yêu cầu kiểm điểm, xử lý cán bộ liên quan nhưng gần nửa năm trôi qua, đến nay vẫn chưa ai bị xử lý.
Lỗ hổng trách nhiệm và những dấu hỏi lớn.
Tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thời gian vừa qua xảy ra hàng loạt vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tai tiếng, gây bức xúc dư luận. Cơ quan cảnh sát điều tra đã “vào cuộc” và yêu cầu xử lý thế nhưng không hiểu sao những cán bộ sai phạm đến nay vẫn “bình chân như vại”. Khó hiểu hơn, Bộ này còn có công văn gửi cơ quan chức năng cho rằng “các vụ việc đều đã được kết luận”.. “nội bộ Cục SHTT mất đoàn kết nghiêm trọng, Bộ đã yêu cầu kiểm điểm và xử lý từ năm ngoái đến nay nhưng lãnh đạo Cục không làm”.
Đơn cử, là việc ông Nguyễn Hùng, cựu Phó Trưởng phòng Công nghệ Thông tin, Cục Sở hữu Trí tuệ đã bị TAND thành phố Hà Nội xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì bán trái phép dữ liệu thuộc quyền sở hữu của cơ quan nhà nước cho Công ty nước ngoài để trục lợi hơn 600 triệu đồng. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, chưa từng có trong lĩnh vực khoa học công nghệ thế nhưng tới nay ông Hùng vẫn “yên vị”.
Hay trong vụ việc đòi chia phần trăm đề tài cấp Nhà nước theo tố cáo của TS Huyền, lẽ ra cần phải được làm rõ, minh bạch hoá để thúc đẩy sự trong sạch trong quản lý khoa học công nghệ thì tới nay vẫn “chìm xuồng”.
Ngân sách khoa học bị “rút ruột”, nhiều công trình nghiên cứu tiền tỷ “trôi theo nước sông” thế nhưng Bộ KH&CN dường như chưa có động thái xử lý quyết liệt, khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về những lỗ hổng trách nhiệm cần sớm được làm sáng tỏ.

Đọc thêm