Sắc đỏ Pà Thẻn rực rỡ đất Hà Giang

(PLO) - Mỗi độ xuân về, người Pà Thẻn nô nức kéo nhau đi trẩy hội đón xuân. Những thiếu nữ Pà Thẻn có dịp khoác lên mình những bộ váy áo đỏ rực rỡ sắc màu cùng chiếc vòng cổ, vòng tay, hoa tay bằng bạc sáng lóng lánh… xuống núi du xuân cùng chúng bạn.
Phụ nữ Tà Thẻn, ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang trong trang phục truyền thống du xuân.
Phụ nữ Tà Thẻn, ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
trong trang phục truyền thống du xuân. 
Ở nước ta, có khoảng 6 nghìn người Pà Thẻn định cư rải rác trên lưng chừng những đỉnh núi cao ở mạn phía Bắc của Tuyên Quang và Bắc Giang, Quang Bình (tỉnh Hà Giang). Cuộc mưu sinh đầy nắng gió đã giúp người Pà Thẻn tạo nên đặc trưng nổi bật trong cách phối màu, những đường viền hoa văn trong bộ trang phục truyền thống. 
Trong sắc màu rực rỡ ấy, trang phục của người phụ nữ trở thành niềm tự hào trong cách ăn mặc của họ. Bộ trang phục lấy sắc đỏ làm gam màu chủ đạo với đường hoa văn in đậm đã tạo nên nét độc đáo riêng trong cách ăn mặc.
Trong văn hóa của người dân tộc Pà Thẻn, những thiếu nữ chuẩn bị đi lấy chồng phải biết cách thêu, dệt váy áo, khăn trầm, chăn gối dùng trong gia đình. Người Pà Thẻn rất cầu kỳ trong cách ăn mặc của người phụ nữ, bởi lẽ nó thể hiện nên tính cách, bản chất của mỗi con người. 
Sự tỉ mẩn của người phụ nữ được thể hiện trên từng đường thêu, nét chỉ. Một người vợ nết na, cẩn thận và chu toàn sẽ thêu nên những bộ váy áo hoàn mỹ với đường nét hoa văn tinh xảo. 
Vậy nên, người con trai lấy vợ một phần nhìn vào cách ăn mặc, bộ váy áo trên người cô gái đang mặc. Cách ăn mặc của người phụ nữ còn thể hiện truyền thống gia đình, sự hòa thuận, cách dạy dỗ con cái trong mỗi gia đình.
Sự tỉ mỉ, cẩn thận trong trang phục của người phụ nữ được thể hiện từ chiếc khăn đội đầu đến chiếc váy, yếm hay chiếc xà cạp. Những chiếc váy rực rỡ sắc màu được thêu nên từ nhiều loại chỉ đa sắc màu và nó cũng góp phần tạo nên nét duyên của người phụ nữ. Theo những người phụ nữ, để thêu được chiếc áo là tốn nhiều công sức, thời gian nhất. 
Để thêu nên những chiếc áo truyền thống cần có sự hướng dẫn từ các già làng trong bản. Bởi lẽ, mỗi đường thêu, nét chỉ không đơn giản chỉ để tạo nên những nét hoa văn trên chiếc áo mà còn là biểu tượng văn hóa của cả dân tộc. Các già làng tin rằng, việc giáo dục giới trẻ về ý nghĩa của hình hoa văn trên trang phục sẽ giúp họ thêu áo dễ dàng và tạo nên những bộ váy áo có hình hoa văn đồng bộ. 
Những chiếc áo được may bó sát nên tạo cho người mặc sự mềm mại, uyển chuyển trong từng động tác. Phía trên cổ áo có nẹp ngực viền từ vải xanh, đen, trắng. Thân áo được trang trí xen kẽ các loại chỉ đa sắc với màu đỏ làm gam màu chủ đạo tạo nên nét duyên cho người phụ nữ vùng cao. 
Phụ nữ ở đây thêu váy ống với nhiều tầng xếp chồng lên nhau, các hình hoa văn màu đỏ xen kẽ chút trắng đen được trang trí xung quanh bộ váy. Tay áo được thêu gộp bởi hai loại vải màu khác nhau, bên trong ống tay áo được thêu màu đen nhưng bên ngoài được thêu sắc vải đỏ. 
Để tạo nên sự cân đối trong cách phối màu cũng như ăn mặc, người phụ nữ thường mặc thêm áo cổ trắng vào trong và bẻ cổ áo ra phía ngoài. Bên cạnh đó, trang phục áo yếm tuy dùng mặc trong cùng để tạo nên sự kín đáo nhưng cũng được phối rất nhiều sắc màu xanh, đỏ, vàng với đường nét hoa văn sặc sỡ.
Dây lưng được thiết kế như một dải vải trắng sữa kẻ sọc vàng nhạt để làm mất đi vẻ thô sơ của bộ váy. Phía trước váy từ bụng trở xuống là những vát vải mỏng đầy đủ sắc màu được bố trí xuống tận chân váy. Khi mặc váy, người phụ nữ thường quấn xà cặp để tạo nên vẻ đứng đắn, gọn gàng, thanh thoát (xà cạp là một vạt vải dày dùng để quấn lên, thay thế cho tất chân).
Nếu như váy áo là bộ phận quan trọng nhất thì khăn đội đầu được xem là một phần không thể thiếu để tạo nên sự hoàn mỹ trong trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn. Khăn đội đầu được thêu như một tấm vải dài, dệt thêm những nét hoa văn, sắc màu sinh động. Hai bên của chiếc khăn là hai đầu tua xanh, đỏ, tím, vàng trải dài xuống đến tận cánh tay. 
Khăn đội đầu được cuốn thành nhiều lớp và khâu lại như kiểu khăn xếp của người Kinh nhưng được trang trí đa sắc màu kết hợp nhiều đường hoa văn. Bề rộng của khăn từ 20 – 30cm và dài từ 400 – 500cm. Ngày nay, để những chiếc khăn đội đầu nhẹ hơn và tạo cho người phụ nữ sự thoải mái, người làm đã giảm một phần độ dài cũng như bề rộng của chiếc khăn. 
Bên cạnh đó, để tạo điểm nhấn cho phần cổ, người phụ nữ thường đeo những chiếc vòng bạc với kích thước to nho mỗi chiếc khác nhau. Để hoàn thiện bộ trang phục truyền thống đón xuân với đầy đủ váy áo, thắt lưng, khăn đội đầu, xà cạp,… người phụ nữ phải bỏ công sức từ ba đến bốn tuần. Trong đó, việc trang trí họa tiết hoa văn chiếm nhiều thời gian hơn cả.
Trong văn hóa sinh hoạt, cách ăn mặc có nhiều nét khác hoàn toàn so với dân tộc anh em như Dao, Tày, Mông, Nùng,… Tuy nhiên, sự khác biệt này đã tạo nên những đặc sắc riêng để các dân tộc khác phải chú ý đến người Pà Thẻn với cái nhìn, đặc trưng khác hoàn toàn. Không ít người nhìn qua sẽ nhầm với trang phục phụ nữ Dao, Mông. Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy cách phối màu riêng cùng đường chỉ tỉ mẩn của người phụ nữ Pà Thẻn khác hoàn toàn.
Ngày nay, do có sự tiếp xúc nhiều với người Kinh nên phụ nữ Pà Thẻn ở một số vùng như Tân Trịnh, Tân Bắc (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đã giản dị hơn trong cách ăn mặc. Tuy nhiên, vào mỗi dịp chơi xuân, dịp lễ tết không thể thiếu trang phục truyền thống của dân tộc và đặc biệt nó như một cách trổ tài của mỗi thiếu nữ trước khi về nhà chồng. 
Trong những ngày hội văn hóa của dân tộc người phụ nữ thường gắn thêm bốn chiếc đồng xu để tham gia lễ hội, khi họ nhảy múa những âm thanh leng keng phát ra nghe như những bản nhạc gợi nhớ đến hình ảnh người phụ nữ đang ngồi thêu áo, dệt vải./.

Đọc thêm