Thị trường hàng Tết… đủ thứ lo

Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, theo dự kiến từ phía cơ quan chức năng, nhu cầu hàng hóa và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Quý Tỵ 2013 tăng 18 - 20% so với các tháng trước đó. Tuy vậy, thị trường hàng hóa đến những ngày này vẫn kém sôi động.

Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, theo dự kiến từ phía cơ quan chức năng, nhu cầu hàng hóa và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Quý Tỵ 2013 tăng 18 - 20% so với các tháng trước đó. Tuy vậy, thị trường hàng hóa đến những ngày này vẫn kém sôi động.

Thị trường hàng Tết vẫn khá im ắng

Khi đại lý dè dặt

Tại siêu thị Metro, con trai chị Hải, chủ một kiot kinh doanh hàng tiêu dùng nơi tập thể Thanh Xuân đang giúp mẹ buộc hàng lên xe máy. Cạnh đó, chiếc xe thứ hai cũng chất ngất hàng. Chị bảo, hàng hóa tích trữ dần để bán trong dịp Tết, còn sức mua hiện kém hẳn mấy năm trước. “Năm ngoái, tôi thuê hẳn chiếc xe tải nhẹ mới chở hết hàng, bây giờ chỉ có thế này thôi. Đợi xem buôn bán thế nào mới dám mua tiếp”, chị chia sẻ.

Chợ Đồng Xuân - vốn nổi danh là địa điểm cung ứng hàng hóa bán buôn cho cả thị trường Hà Nội và các địa phương lân cận - những ngày này hoạt động sôi nổi nhất là dãy hàng thực phẩm mứt tết, ô mai, hạt bí… Hàng hóa được đóng thành từng bì lớn, thi thoảng mới có xe máy phóng đến chở hàng đi. Theo tìm hiểu của phóng viên, các mặt hàng ở đây so với năm ngoái chưa có nhiều đột biến về giá cả và sức mua cũng chưa có biến chuyển nhiều.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho biết nhu cầu tiêu dùng của người dân đang bị chững lại do đời sống khó khăn, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng bị thắt chặt. “Thường các tháng cuối năm, sức mua tăng cao nhưng thời điểm này các siêu thị nhất là các chợ trên địa bàn Hà Nội không tránh khỏi tình trạng sụt giảm lượng khách”.

Nhà sản xuất thấp thỏm

Dù đã sẵn sàng nguyên liệu, hàng hóa cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm các nhà sản xuất, DN đều thận trọng dự báo sức mua sẽ không tăng và thấp hơn cùng kỳ do kinh tế khó khăn.

Do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ kén chọn hơn trong việc lựa chọn hàng hóa. Một vấn đề mà nhà sản xuất đau đầu tìm hướng giải quyết là tính được vòng quay của nguyên liệu, đủ hàng dự trữ nhằm hạn chế tăng giá cục bộ và tránh ách tắc. Nhưng điều đó vẫn là dự đoán khó khi sức mua vẫn là ẩn số, khi mà tình hình kinh tế khó khăn không cho phép dự báo lạc quan mà phải hết sức thận trọng.

DN không sợ thiếu hàng cuối năm như trước mà đang nơm nớp lo không bán được. Nhiều DN bia rượu, nước giải khát cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu sản xuất bằng năm trước, thậm chí có DN thực phẩm cẩn thận đến mức chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng

Còn từ phía cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết nhu cầu hàng hóa và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Nguyên đán dự kiến tăng khoảng 18 - 20% so với các tháng trước đó. Trong đó, nhu cầu một số hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân Hà Nội trước, trong và sau Tết là: gạo khoảng 65.000 tấn, thịt lợn khoảng 10.000 tấn lợn hơi.

Ước tính giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ tăng thêm để phục vụ khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó, hàng bình ổn thị trường khoảng 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bình ổn giá đảm bảo tổ chức bán hàng thường xuyên liên tục tại 710 điểm bán hàng cố định và đưa hàng tới khoảng 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn tập thể với giá bán ổn định, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, TP Hà Nội sẽ tổ chức 9 phiên chợ Tết, các doanh nghiệp sẽ thực hiện trên 100 chuyến bán hàng lưu động về các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt tập trung vào thời gian giáp Tết, dự kiến bắt đầu từ 1/2/2013 đến 5/2/2013, tức là vào khoảng thời gian từ 21-25 tháng Chạp.

Nỗi lo từ hiểm họa hàng "dởm"

Vào thời điểm này, tại các con phố chuyên bán bánh kẹo như Hàng Buồm, Hàng Giầy, chợ Đồng Xuân… tràn ngập các loại bánh kẹo, ô mai, mứt… Màu sắc của các loại bánh kẹo, mứt và ô mai bày bán ở đây rất bắt mắt, mẫu mã phong phú. Thế nhưng, khi cầm gói hàng lên quan sát thì hầu hết đều là hàng “3 không”: Không hạn sử dụng, không nơi sản xuất và không đăng ký chất lượng sản phẩm.

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều cảnh báo nhưng các mặt hàng này vẫn bán chạy bởi giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú, hình thức bắt mắt.

Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Tuy nhiên, thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường như hiện nay gây khó khăn không nhỏ cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng hóa.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để có thể mua được hàng hoá đảm bảo chất lượng, người dân nên mua sản phẩm ở những địa chỉ rõ ràng và có thương hiệu. Người tiêu dùng cũng cần phải có sự quan sát và tinh ý để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Tránh mua những sản phẩm không ghi rõ tên, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất, không ghi hạn dùng.

Sơn Bình

Đọc thêm