Thơ Thiền Việt Nam (Kỳ 4): Phật pháp trường tồn dưới nhãn quan của bậc minh quân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bài kệ “Bát Nhã” vua Lý Thái Tông đã khẳng định, để có được trí tuệ thì bản thân mỗi người phải tự thân tu luyện chứ không phải nhờ cầu viện kiến thức bên ngoài. Trong đạo Phật, để đạt tới cảnh giới giác ngộ thì cũng không có con đường nào khác ngoài chính bản thân phải tu tập.
Chùa Một Cột mang dấu ấn của vua Lý Thái Tông.
Chùa Một Cột mang dấu ấn của vua Lý Thái Tông.

Từ góc nhìn của thiền nhân, thơ thiền cho chúng ta những trải nghiệm thú vị về tự nhiên, con người và xã hội cùng thế giới nội tâm của bậc giác ngộ. Thơ thiền như một cầu nối giữa bậc giác ngộ, đưa tâm ta trở về hướng thiện, nhận thức thực tại để trân trọng và để biết sống có ý nghĩa hơn trong từng giây phút.

Vị vua hướng về đạo Phật

Vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) tên thật là Lý Phật Mã, con trưởng của Lý Thái Tổ. Ông chỉ hưởng thọ 55 tuổi nhưng có đến 26 năm cai trị đất nước. Ông được đánh giá là một trong những vị vua tài đức trong lịch sử nước Việt: “làm vua trong giai đoạn thịnh trị của nhà Lý, là một người thông minh, có nhiều võ công, thích nghiên cứu sách vở, thơ văn, âm nhạc, am hiểu đạo Phật, và biết chú trọng đời sống của nhân dân, coi trọng việc mở mang kinh tế”.

Giống như cha của mình, vua Lý Thái Tông được biết đến là một người tôn sùng Phật giáo. Năm 1034, vua cho xây thêm tàng kinh các Trùng Hưng sau đó sai sứ sang Tống kết hợp thỉnh thêm Đại tạng kinh. Năm 1036 cho chép thêm một Đại tạng. Nhờ công đức đó mà cho đến nay, triều Lý có tất cả 5 Đại tạng kinh Phật giáo.

Sử quan thời xưa dành hết các từ tốt đẹp để ca ngợi Lý Thái Tông. Về tính cách thì tả vua “trầm mặc cơ mưu, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ, đánh đâu được đấy, ngang với Đường Thái Tông”, rồi “tính trời nhân từ trí tuệ và đĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ; các nghề lễ, nhạc, ngự, xạ, thư, số thì không nghề gì là không tinh thông”.

Ông còn được biết đến là một vị vua nhân từ, tích cách được cho là ảnh hưởng sâu sắc từ giáo lý nhà Phật. Các ví dụ về tính nhân từ của Lý Thái Tông rất nhiều. Nhà vua lên ngôi sau khi tướng quân Lê Phụng Hiểu dẹp được cuộc nổi loạn của ba vị vương, sử vẫn ghi là “loạn Tam vương”, mà trong đó, Vũ Đức Vương bị giết, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương phải thua chạy rồi bị bắt, nhưng Lý Thái Tông tha tội cho cả hai, cho giữ tước như cũ.

Khi đi đánh Chiêm Thành, nhà vua ra lệnh không tùy tiện chém giết, hễ ai trái lệnh thì theo phép quân mà trị tội. Theo Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử, việc ông hậu đãi Nùng Trí Cao là một thâm ý kiểu “thất cầm Mạnh Hoạch” của Gia Cát Lượng khiến Trí Cao kính phục và cảm kích. Sau này, dù Trí Cao còn ý định xưng hùng, nổi loạn cũng sang Trung Quốc gây họa cho Tống chứ không còn gây họa cho Đại Việt.

Là người sùng mộ đạo Phật nên vua Lý Thái Tông cũng đã để lại dấu ấn trên đất Thăng Long một ngôi chùa độc đáo chính là chùa Một Cột. Tương truyền năm 1049, ông nằm mơ thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt ông lên tòa. Sau đó nhà vua kể lại chuyện đó với bầy tôi và cho dựng cột đá, làm tòa sen đặt lên như đã thấy trong mộng.

Cột tòa sen đó trở thành ngôi chùa, khi đó có tên là chùa Diên Hựu. Chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng 10 (Âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049. Hằng năm cứ đến ngày 8/4 (Âm lịch), vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật.

Các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Bàn về cái tâm của Phật

Lý Thái Tông thường đến tham vấn những điều yếu chỉ của đạo thiền với Thiền Lão. Chỉ vài năm sau, Lý Thái Tông là một trong những người ham học đạo thiền. Trong một cuộc đàm đạo, ngài nói: “Bàn về cái tâm của Phật, thánh hiền xưa còn chưa khỏi bị chê bai huống chi những kẻ hậu học. Nay ta muốn cùng các vị trưởng lão trình bày sơ ý nghĩ của mình, mỗi người hãy đọc môt câu kệ xem ý tứ thế nào?”.

Mọi người đang suy nghĩ thì nhà vua đã đọc bài kệ sau này được biết đến với cái tên “Bát Nhã”. Bài thơ có 4 câu như sau:

“Bát Nhã chân vô tông

Nhân không ngã diệc không

Quá, hiện, vị lai Phật

Pháp tính bản lai đồng”

Lược dịch:

“Chẳng gốc nào sinh trí tuệ ra,

Không là ai , cũng chẳng là ta.

Phật nay, Phật trước, nghìn sau mãi ...

Vẫn chỉ là sen nở một tòa”.

Bát nhã là một khái niệm trung tâm của Phật giáo Đại thừa, có nghĩa là trí tuệ nhưng không phải do suy luận hay kiến thức đem lại, mà sự hiểu biết một cách toàn triệt, không mâu thuẫn. Đạt được trí Bát nhã được xem là đồng nghĩa với giác ngộ và là một trong những yếu tố quan trọng của Phật quả. Bát nhã là một trong những hạnh Ba-la-mật-đa mà một Bồ Tát phải đạt đến.

Bát nhã là một cách thức, phương pháp để đạt được tới “trí tuệ toàn diện” của bậc Phật. Phương thức này tập trung vào việc chỉ rõ các hiểu biết hiện tại của não bộ và yêu cầu loại bỏ chúng, nhờ việc loại bỏ này mà các “thông tin” mới liên tục được cập nhật, khiến nhận thức trở nên toàn vẹn hơn. Do vậy Bát nhã cũng được biết đến như sự “hiểu biết vô tận”.

Bài thơ có bốn câu, mỗi câu có năm chữ, bằng cách sử dụng ngôn ngữ Phật học trong kinh điển, vua Lý Thái Tông đã cho chúng ta biết đến trí tuệ Bát nhã và hiện thực của cái chân thật. Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS.Phạm Thị Thanh Hương đã phân tích rõ ràng từng câu chữ trong bài kệ này.

“Bát Nhã chân vô tông”, bằng cách vào thẳng vấn đề cần nhắc đền, tác giả khẳng định rằng, trí tuệ Bát nhã, những kiến thức của trí Bá nhã khó thậm chí không thể diễn đạt được. Nó là chân lý, là cái chân thật thường còn và không thuộc của riêng trường phái nào, cũng không của riêng ai. Trải qua tu luyện mỗi chúng ta đều có thể có trí Bát nhã.

Vua Lý Thái Tông qua câu thơ đã khẳng định rằng, trí tuệ bát nhã có được là nhờ tự thân tu luyện mà bừng ngộ sáng suốt. Trí tuệ bát nhã không phải là kiến thức thu lượm, học hỏi được từ bên ngoài hay học từ người khác mà có được dù đólà kiến thức từ trong giáo lý kinh điển. Dù người đó ở ngoại đạo hay trong đạo cũng đều thừa nhận trí Bát nhã đó là chân lý và nó không thuộc trường phái nào cả, nó ở trong tự thân của mỗi chúng ta và nó giúp chúng ta được bừng sáng trí tuệ khi chúng ta tu luyện đắc quả.

“Nhân không ngã diệc không”, bằng trí giác ngộ, tác giả đã khẳng định chắc chắn rằng, những gì mà chúng ta nhìn thấy, cái hình tướng con người thực ra là không có gì cả. Thậm chí, cái bản ngã chân thật của con người cũng là không. Như thế, theo Phật giáo, cái ngã, cái tôi là không có. Cái tướng mà ta thấy, chỉ là sự tập hợp của ngũ uẩn, ngũ uẩn luôn thay đổi, sinh - trụ - hoại - diệt. Tất cả đều là vô thường, vô ngã.

Vì vậy: “Quá, hiện, vị lai Phật/ Pháp tính bản lai đồng” nói lên rằng, từ trí Bát nhã giác ngộ được cái chân thật thường còn, tác giả nhận định, dù ở quá khứ xa xôi cho đến hiện tại hay đến mãi mai sau, dù vạn vật có biến đổi không bao giờ dừng dứt - vô thường, nhưng Phật pháp thì mãi thường còn. Tri thức của Phật pháp, trí tuệ Bát nhã về chân lý cũng như chân lý là mãi thường còn, không bao giờ thay đổi.

Đọc thêm