Thu hồi SIM trả trước quá hạn không kích hoạt, khách hàng thiệt?

 Cơ quan chức năng khẳng định, việc thu hồi SIM quá hạn không kích hoạt là việc cần làm để tránh lãng phí tài nguyên kho số và thiệt hại cho doanh nghiệp. Nhưng, thu hồi SIM thế nào để hài hòa được với lợi ích người tiêu dùng lại là một dấu hỏi, vì nhu cầu thu hồi phát sinh từ chính hậu quả của việc các nhà mạng quản lý lỏng lẻo kinh doanh SIM trả trước trong một thời gian dài.
Cơ quan chức năng khẳng định, việc thu hồi SIM quá hạn không kích hoạt là việc cần làm để tránh lãng phí tài nguyên kho số và thiệt hại cho doanh nghiệp. Nhưng, thu hồi SIM thế nào để hài hòa được với lợi ích người tiêu dùng lại là một dấu hỏi vì nhu cầu thu hồi phát sinh từ chính hậu quả của việc các nhà mạng quản lý lỏng lẻo kinh doanh SIM trả trước trong một thời gian dài.
Việc thu hồi SIM “chết” trên hệ thống phân phối chỉ tác động trước tiên tới các đại lý SIM thẻ.

Hết thời đầu cơ SIM số đẹp

Những ngày này, các đại lý buôn SIM điện thoại không khỏi hoang mang khi đối diện với việc hàng chục số điện thoại đẹp có giá thị trường tới tiền tỷ mà họ đang nắm trong tay có nguy cơ tan thành mây khói. Nguồn cơn vì, hồi tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ban hành văn bản số 978/VNPT-QĐ-KD  về thời hạn sử dụng SIM trả trước của MobiFone và VinaPhone.

Theo đó, các SIM/KIT của MobiFone và VinaPhone phát hành trước 0h ngày 1/8/2011 sẽ có thời hạn sử dụng tới 24h ngày 31/12/2013.  Các SIM/KIT của hai mạng nói trên phát hành sau 0h ngày 1/8/2011 có thời hạn sử dụng đến 24h ngày 31/12 của năm thứ hai liền ngay sau năm phát hành. Sau thời hạn sử dụng nói trên, MobiFone và VinaPhone sẽ thu hồi lại các số thuê bao quá hạn sử dụng, khai báo và phát hành lại theo qui định hiện hành.

Theo quan điểm của VNPT, quy định về thời hạn lưu hành SIM chưa kích hoạt là nhằm quản lý thuê bao tốt hơn và tránh lãng phí kho số, hạn chế thuê bao ảo không phát sinh cước gây lãng phí tài nguyên. Trên thực tế, sẽ gần như không có khách hàng nào có nhu cầu sử dụng dich vụ mà lại để sim đến 2 năm không kích hoạt.

Vì vậy, động thái này của VNPT được xem là sẽ có tác động mạnh đến đại lý sim thẻ và giới buôn bán sim số đẹp. Ai cũng biết từ trước đến giờ, đại lý quen với việc nhập cả ngàn SIM về, lấy từ đó ra những số đẹp bán giá cao gỡ gạc và kiếm lời, còn những số khác bán chừng chừng bằng giá công ty được đến đâu hay đến đó.

“Chẳng lẽ lại kích hoạt những SIM có giá trị thị trường cao để giữ. Những số điện thoại có giá hàng trăm triệu đa phần được mua làm quà, ai lại đi tặng thứ đã dùng rồi” – anh Nguyễn Tấn Anh, một đại lý SIM thẻ ở Kim Mã, phàn nàn. Thậm chí, một số chủ đại lý còn tính đến chuyện có nên thuê luật sư kiệnVNPT không, bởi  khi nhà mạng bán SIM cho họ trước ngày 1/8/2011 đâu có ghi thời hạn lưu hành trên bao bì sản phẩm hay trong hợp đồng mua bán. Nếu thay đổi thời hạn này, nhà mạng cần phải thỏa thuận với đại lý chứ không thể ép họ bán tống tháo hàng trăm ngàn SIM điện thoại.

Thu hồi SIM “chết” – đúng hay sai?

Thực hiện quyết định 978/QĐ-VNPT-KD của VNPT, mạng VinaPhone mới đây đã tiến hành thông báo tới các đại lý về thời điểm thu hồi SIM/kit chưa kích hoạt. Đại diện MobiFone cho biết nhà mạng này cũng sẽ áp dụng tương tự VinaPhone trong thời gian sắp tới.

Riêng nhà mạng Viettel dù cho biết chưa áp dụng chính sách này trong thời gian trước mắt, nhưng theo các chuyên gia thì việc Viettel thu hồi SIM “chết” trên kênh phân phối chỉ là chuyện sớm muộn trong bối cảnh khi phát hành SIM ra thị trường, nhà mạng cũng đã phải đầu tư về hạ tầng mạng để đủ khả năng phục vụ, nộp phí tần số để SIM kích hoạt có thể hoạt động tốt. Nếu một lượng lớn SIM phát hành ra thị trường không được kích hoạt, nhà mạng sẽ vẫn phải trả các chi phí này, cộng thêm việc lãng phí kho số, tăng tỉ lệ thuê bao ảo.

Trao đổi xong quanh văn bản hạn chế thời gian lưu hành của SIM trên hệ thống của VNPT, ông Nguyễn Xuân Trụ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, bộ SIM KIT gồm 3 thành phần. Thứ nhất là tài khoản, thứ hai là tài nguyên (số thuê bao) và thứ ba là giá trị vật chất của chiếc sim trắng.

Trong đó, số thuê bao là tài nguyên của quốc gia và giao cho doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, khi khách hàng ký hợp đồng với nhà mạng thì họ được quyền sử dụng số thuê bao này một cách có điều kiện với dịch vụ đi kèm. Số thuê bao này không phải là tài sản của người sử dụng mà là tài nguyên quốc gia. Vì vậy, những số thuê bao này có thể bị cắt khi quá thời hạn lưu hành như bị khóa hai chiều, sử dụng không đúng quy định...

Nhà mạng cũng có quyền thu hồi để tái sử dụng. Đối với phần sim trắng, đây là tài sản của khách hàng và nhà mạng không có quyền thu hồi. Tài khoản gốc của khách cũng là tài sản của khách hàng và doanh nghiệp sẽ giữ cho khách hàng rồi trừ dần vào cước phí sử dụng dịch vụ.  “Xét cả 3 yếu tố trên, thì việc VNPT ra văn bản thu hồi thuê bao VinaPhone và MobiFone sau hai năm lưu hành trên thị trường mà không kích hoạt là hợp pháp” - ông Nguyễn Xuân Trụ nói.  

Tuy nhiên, ông Trụ cho rằng, vấn đề ở đây là việc thu hồi như thế nào. Nhà mạng cần xem xét việc trả cho khách hàng số tiền trong tài khoản chính cho hợp lý. Xét cho cùng, việc siết chặt quản lý và thu hồi SIM số là một việc làm cần thiết để tránh lãng phí thêm kho số. Nhưng trong trường hợp này, nhu cầu thu hồi lại phát sinh từ chính hậu quả của việc các nhà mạng quản lý lỏng lẻo kinh doanh SIM trả trước trong cả một quá trình dài.

Bách Nguyễn

Đọc thêm