'Thủ phạm' khiến CPI hai tháng đầu năm tăng bất thường?

(PLVN) - Mới 2 tháng đầu năm CPI đã tăng tới 1,68% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 2 tăng 1%. Giá xăng dầu tăng liên tiếp đã làm nhiều mặt hàng tăng giá, khiến cho CPI 2 tháng đầu năm nay tăng bất thường.
Giá vận tải hành khách đường bộ tăng vì phải phụ thu do giá xăng, dầu tăng

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% (khu vực thành thị tăng 0,99%; khu vực nông thôn tăng 1,02%).

Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,4%, còn tất cả 10 nhóm còn lại đều tăng giá. Tăng cao nhất là nhóm giao thông, với mức tăng 2,35%.

Trong đó, giá xăng, dầu tăng 5,8% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm do ảnh hưởng của đợt tăng giá vào ngày 21/1/2022, 11/2/2022 và ngày 21/2/2022;

Giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% so với tháng trước do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách;

Giá vé tàu hỏa tăng 7,95% so với tháng 1/2022 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé đối với tuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội vào những ngày trước Tết Nguyên đán và từ ngày mùng 4 Tết giá vé tăng đối với tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh;

Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,91%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 1,34% do nhu cầu đi lại, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện du xuân tăng.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 2/2022 so với tháng trước

Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2/2022 tăng 1,42%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá. Nhóm giao thông tháng 2/2022 tăng cao nhất với 15,46% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm (trong đó giá xăng dầu tăng 47,07% do từ tháng 2/2021 đến nay, xăng A95 tăng 8.200 đồng/lít; xăng E5 tăng 8.500 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.960 đồng/lít)

Trong 3 nhóm hàng giảm giá (giáo dục; bưu chính, viễn thông; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm), nhóm giáo dục có mức giảm lớn nhất lên tới 3,3% do từ học kỳ I năm học 2021-2022, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí trong đại dịch.

Còn so với tháng 12/2021, CPI tháng 2/2022 tăng 1,2%, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,55%, (giá xăng dầu tăng 8,61% do từ tháng 12/2021 đến nay, giá xăng, dầu trong nước đã điều chỉnh 4 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 2.990 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.980 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít). Duy nhất nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,08%.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, CPI đã tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, bình quân 2 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm...

Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 2 tháng đầu năm 2022 phải kể đến là: Giá các mặt hàng thực phẩm 2 giảm 1,75% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,37 điểm phần trăm; Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,36% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI giảm 0,24 điểm phần trăm; Giá thuê nhà ở giảm 16,36% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,68%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Đọc thêm