Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải đạt mục tiêu tăng trưởng khu vực nông nghiệp là 3%

(PLO) -Ngày 4/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018 với các mục tiêu tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%, xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ trò chuyện với các đại biểu tại Hội nghị

Ngành Nông nghiệp còn nhiều bất cập

Biểu dương nỗ lực của ngành NN&PTNT nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở: “Tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Trồng trọt theo thói quen còn phổ biến ở nông thôn. Vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn. Năng suất lao động còn thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống thấp. Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Đây là bài toán đau đầu của các ngành, các cấp”.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Doanh nghiệp nông nghiệp tuy có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng một số địa phương còn lơ là trong việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn. “Tại sao khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều như thế? Các đồng chí phải suy nghĩ. Có đối thoại với dân không? Nguyên nhân gì? Chúng ta phải tự hỏi cái này, tự hỏi chúng ta, chứ không phải tự hỏi người dân đâu”, Thủ tướng chỉ ra và đề nghị ngành “đừng để tình trạng lòng dân không yên ở nông thôn”.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, theo nhận định của Thủ tướng, đã có tiến bộ nhưng còn tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”. Liên quan đến tình trạng phá rừng, Thủ tướng nêu rõ sẽ xử lý nghiêm địa phương nào không quản lý tốt vấn đề này.

Cần chuyển biến rõ hơn

Về định hướng nhiệm vụ của ngành NN&PTNT năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phải đạt được các mục tiêu đã đề ra như tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%, xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD. Để thực hiện thành công kế hoạch của năm, Thủ tướng yêu cầu ngành NN&PTNT và các địa phương ngay từ đầu năm tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. “Phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung, trên cơ sở đó để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hay không”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị ngành NN&PTNT phải quan tâm xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc mà nông nghiệp, nông thôn đặt ra, như vấn đề “nước, phân, cần, giống”, không để tình trạng phân bón giả tràn lan, đặc biệt quan tâm đến tổ chức sản xuất, đầu ra là thị trường, môi trường nông thôn…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bài học lớn rút ra từ kết quả đạt được năm 2017 là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, nông nghiệp, nông thôn thì vấn đề vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương rất quan trọng bởi nếu không làm được việc này thì chủ trương sẽ nằm trên giấy. “Chính phủ hành động thì Bộ NN&PTNT, các sở, viện, trường phải hành động”, Thủ tướng nêu rõ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý việc tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp phải sát dân, sát cơ sở hơn. “Các ông nông nghiệp phải “quần xắn móng lợn”, lội ruộng với nông dân, hỏi “lão nông tri điền” làm gì để mình biết, chứ không phải mình nghiên cứu giấy tờ suốt”, Thủ tướng nói và nêu rõ, năm 2018, Bộ NN&PTNT phải bãi bỏ và sửa thêm 59 điều kiện kinh doanh để đạt mục tiêu bãi bỏ 50% thủ tục theo Nghị quyết 19. Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng cũng lưu ý việc chăm lo Tết cho bà con nông dân. 

Hà Nội: Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người

Theo báo cáo tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành NN&PTNT TP Hà Nội, năm 2017, ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng khá (đạt 2%); tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2016. TP đã thực hiện 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.

Đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2016); Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,5% (giảm 1,15% so với năm 2016).

Năm 2018, TP sẽ triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đã được tổng kết và khẳng định có hiệu quả trong sản xuất (ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); xây dựng và nhân rộng mô hình “nông nghiệp sinh thái”, “nông nghiệp đô thị”. Tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết 4 nhà để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản… 

Đọc thêm