Thực hiện vốn đầu tư công tăng nhưng vẫn chậm

Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 70,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,4%). Tuy đã tăng tốc thực hiện từ tháng 3 và nhỉnh hơn năm ngoái nhưng đây vẫn là con số vốn thực hiện khá thấp so với mục tiêu.
Nhiều công trình xây dựng cơ bản chậm giải ngân
Nhiều công trình xây dựng cơ bản chậm giải ngân

Trong số vốn thực hiện, vốn trung ương quản lý đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,9% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông vận tải đạt 4.407 tỷ đồng, bằng 23,9% và giảm 41,9%; Bộ Y tế là 665 tỷ đồng, bằng 20,1% và giảm 27,3%; Bộ Công Thương là 44 tỷ đồng, bằng 20,2% và giảm 18,1%; Bộ Xây dựng là 43 tỷ đồng, bằng 15,7% và giảm 65,8%...

Các bộ có số vốn thực hiện tăng là Bộ Tài nguyên và Môi trường là 262 tỷ đồng, bằng 17,7% và tăng 52,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo là 228 tỷ đồng, bằng 16,8% và tăng 39,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 162 tỷ đồng, bằng 21,5% và tăng 19,8%; Bộ Khoa học và Công nghệ là 39 tỷ đồng, bằng 16,3% và tăng 47,6%; Bộ Thông tin và Truyền thông là 22 tỷ đồng, bằng 16,6% và tăng 15,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 1.126 tỷ đồng, bằng 13,9% và tăng 8,7%...

Vốn địa phương quản lý thực hiện đạt 57,8 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% kế hoạch năm và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội đạt 8.408 tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch năm và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; TP.HCM 4.153 tỷ đồng, bằng 10% và tăng 6,2%; Thanh Hóa đạt 1.911 tỷ đồng, bằng 30,4% và tăng 40,3%; Nghệ An đạt 1.716 tỷ đồng, bằng 29,3% và giảm 4%; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 1.714 tỷ đồng, bằng 26,3% và tăng 19,1%; Hải Phòng đạt 1.697 tỷ đồng, bằng 18,6% và tăng 57,9%; Vĩnh Phúc đạt 1.672 tỷ đồng, bằng 28,1% và tăng 1,3%.

Tính riêng trong tháng 4, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 21.625 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 3.838 tỷ đồng; vốn địa phương 17.787 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ tháng 3 đã có chuyển biến tích cực hơn những tháng đầu năm. Lý do là các bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thành công tác phân bổ dự toán đầu năm nguồn vốn đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm. Tuy nhiên, so với mục tiêu giải ngân trong năm, lãnh đạo Chính phủ vẫn đánh giá tốc độ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Năm 2016, cả nước giải ngân 91,3% kế hoạch vốn giao, năm 2017 tỷ lệ này thấp hơn khi đạt 85,6%. Còn tốc độ những tháng đầu năm 2018 có nhỉnh hơn nhưng vẫn còn chậm, dẫn đến nguy cơ không hoàn thành mục tiêu cả năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ quả của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ khiến lãng phí kép vì tính hiệu quả suy giảm do công trình chậm đưa vào sử dụng, đồng thời, bất cập phát sinh ở chỗ tiền để không trong khi Nhà nước phải trả lãi, còn nhà thầu phải đi vay ngân hàng. Ở góc độ vĩ mô, khi có tiền nhưng tốc độ giải ngân lại quá chậm, sẽ gây ra tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Để tháo gỡ khó khăn, trong tháng 4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các TP.Hà Nội, Hải Phòng về vấn đề giải ngân vốn đầu tư.

Một trong những nguyên nhân khiến việc vốn đầu tư công chậm chế thực hiện là những vướng mắc liên quan đến quy định khác nhau. Ngoài Luật Đầu tư công thì còn 11 Luật khác (như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng,...), 100 nghị định của Chính phủ và hàng trăm Thông tư quy định các thủ tục, phân cấp - phân quyền trong đầu tư, xây dựng.

Nguyên nhân nữa là khâu tổ chức thực hiện có vấn đề. Ở nhiều bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, nhất là tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án chuyển tiếp, việc triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp sớm hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan tới đầu tư công, đầu tư xây dựng. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động rà soát, điều tra nguyên nhân giải ngân đầu tư xây dựng chậm để tháo gỡ khó khăn, phục vụ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.

Đọc thêm