Thương hiệu bánh đậu xanh của người từng là Thẩm phán Tòa án tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ tay ngang, ông Đào Quang Chuyện (SN 1962, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Giang) đã đưa sản phẩm bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia khẳng định được vị thế, nâng tầm thương hiệu sản phẩm quê hương.
Ông Đào Quang Chuyện bên sản phẩm bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia của Công ty mình.
Ông Đào Quang Chuyện bên sản phẩm bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia của Công ty mình.

Từ bỏ nghề thẩm phán để đến với nghề bánh đậu xanh

Trong số những đặc sản của tỉnh Hải Dương, bánh đậu xanh vẫn luôn là món quà được nhiều người ưa chuộng và nhắc đến nhiều nhất. Dù có đi bất cứ nơi đâu, khi nhìn thấy bánh đậu xanh thì người Hải Dương lại bồi hồi nhớ về quê hương da diết. Một thứ tình cảm quá đỗi ngọt ngào, chứa chan và đầy quyến luyến…

Với ông Đào Quang Chuyện cũng vậy, là người con của Thanh Miện (Hải Dương), ông luôn mong muốn làm một điều gì đó ý nghĩa cho quê hương. Năm 1983, khi đang công tác trong ngành Tòa án, ông chuyển lên TP Hải Dương sinh sống, thấy đường 5 (cũ) ngày ấy, chạy qua lòng TP Hải Dương đông người và xe cộ qua lại. Mọi người đều dừng lại mua bánh đậu xanh mang về làm quà. Làng nghề làm bánh đậu xanh trong thành phố (khoảng 100 nhà) cũng tận dụng đường 5 để bán sản phẩm bánh đậu xanh của mình nhưng lại lẻ tẻ, ít ỏi. Bằng sự quan sát, ông nhận thấy tiềm năng của nghề bánh đậu xanh nếu được đầu tư và có hướng đi phù hợp.

Nghĩ là làm, vào năm 1997 khi đang là Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, ông đã xin nghỉ việc để chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh bánh đậu xanh. Đúng với câu nói “tay không bắt giặc”, không có nền tảng, không có kỹ thuật, vốn khởi nghiệp khi đó chỉ vỏn vẹn 500 nghìn đồng. Lúc đầu, bánh đậu xanh của ông cũng được sản xuất không khác gì với bánh đậu xanh của mọi nhà, chất lượng chưa có gì nổi trội, riêng biệt.

Vì thế, ông Chuyện luôn trăn trở muốn tìm hướng đi riêng để khẳng định thương hiệu, vị thế cho sản phẩm của mình. “Tôi muốn bánh đậu xanh từ cơ sở của tôi làm ra phải có hương vị riêng biệt, được mọi người nhớ đến. Đó sẽ là sản phẩm thật đặc trưng của quê hương Hải Dương tôi”, ông Chuyện chia sẻ.

Chất lượng đặt lên hàng đầu

Từ đó, ông Chuyện tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới quy trình, công nghệ làm ra mỗi chiếc bánh đậu xanh phải thật chất lượng, bảo đảm mọi yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng.

Hạt đậu xanh được lựa chọn phải là hạt đậu xanh lòng vàng, độ to của hạt từ 3,5 - 4 li bởi đây mới là hạt đậu đạt độ ngon, độ tinh khiết nhất.

Nếu bánh đậu xanh truyền thống dùng nguyên liệu mỡ lợn, thì ông Chuyện lại thay thế dùng sang dầu thực vật thượng hạng (dầu cọ, dầu ô liu…). “Qua quá trình làm lâu dài, tôi phát hiện dùng mỡ lợn, chỉ 1 - 2 tháng sẽ có hiện tượng ôi thiu, nấm mốc. Còn dùng dầu thực vật thượng hạng, độ tinh khiết sẽ cao hơn, phù hợp và an toàn cho sức khoẻ. Do vậy, hạn sử dụng của bánh đậu xanh cũng được lâu hơn rất nhiều”, ông Chuyện chia sẻ.

So với các hãng khác, bánh đậu xanh của ông Chuyện ăn có cảm giác mát, không ngọt nhiều, do ông chọn loại đường đắt hơn đường kính trắng, dùng phù hợp cho người ăn chay, ăn kiêng và độ ngọt không sắc.

Với bản tính nhạy bén của mình, ông đã nắm bắt được thời cơ lớn khi thấy các loại hình như du lịch, siêu thị, sân bay… đang phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam đòi hòi ngày càng cao về cả chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, ông đã nâng tầm nhà máy sản xuất lên đạt tiêu chuẩn quốc gia và cả quốc tế để có thể đứng vững và mở rộng hơn nữa thị trường trong nước.

Hiện tại, bánh đậu xanh của ông đã có 3 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao và một sản phẩm bánh đậu xanh truyền thống đang đề nghị Trung ương công nhận 5 sao. Năm nay, ông cũng tiếp tục ghi tên 5 sản phẩm bánh đậu xanh khác của công ty trong “sân chơi” OCOP.