Thương lái thỏa sức “làm giá” trên vai nông dân

 Ít nhất từ 1/3, thậm chí đến 2/3 giá rau củ qủa, thịt gia súc, gia cầm tại TP.HCM rơi vào túi thương lái. Ép gia với nông dân, kênh giá với người tiêu tiêu dùng, thương lái mặc sức lũng đoạn thị trường, nghịch lý này tồn tại đã lâu nhưng chưa có cách gì để xóa bỏ.
Ít nhất từ 1/3, thậm chí đến 2/3 giá rau củ qủa, thịt gia súc, gia cầm tại TP.HCM rơi vào túi thương lái. Ép gia với nông dân, kênh giá với người tiêu tiêu dùng, thương lái mặc sức lũng đoạn thị trường, nghịch lý này tồn tại đã lâu nhưng chưa có cách gì để xóa bỏ.
Hạt mồ hôi "giá bèo"

Ông Hà Văn Tý, nông dân thị trấn Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi tháng vườn rau của ông cung cấp cho thị trường TP.HCM 4-5 tấn rau xanh các loại, nhưng giá tại vườn chưa đến 1/3 tại các điểm bán lẻ ở TP.HCM. Giá rau cải xanh tại vườn bán cho thương lái 4000 đồng/kg nhưng loại rau này ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức TP.HCM 8500 đồng/kg, riêng một số chợ lẻ giá 13.000 đồng/kg, còn ở siêu thị người tiêu dùng phải mua đến 1 000 đồng/kg.

“Nông sản từ người sản xuất đến người tiêu thụ phải qua khâu phân phối, lưu thông và không ai phàn nàn tư thương lấy lãi nhưng mức lãi chiếm tới 2/3 trên giá bán sản phẩm là không thể chấp nhận được” - ông Tý than thở. 

Cam, ổi, sầu riêng, táo ở miệt Xuân Lộc, Long Khánh, Long Thành tỉnh Đồng Nai giá chỉ bằng phân nửakhi đem bán ở thị trường TP.HCM, nhiều loại hoa qủa thậm chí chỉ được 1/3 giá từ túi tiền của người tiêu dùng.

Theo ông Vũ Văn Tư, Phó Giám đốc Trung tâm Đầu tư Xúc tiến Du lịch-Thương mại Lâm Đồng,  giá rau của quả tại TP.HCM đắt hơn nhiều so với Lâm Đồng một phần do nông phẩm tươi nên dễ dư hao trong quá trình vận chuyển, một phần do chi phí vận tải cao, nhưng cũng “không loại trừ tình trạng tư thương thông đồng ép giá người nông dân”.

Thịt heo, thịt gà cũng vậy, giá ở các trại chăn nuôi khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương  khi xuất chuồng luôn thấp hơn từ 20-25 % so với giá người tiêu dùng mua ở các đô thị. Nghịch lý này tồn tại đã lâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm. “Khi thị trường đắt đỏ thương lái đến tận nhà đòi cân cả heo non, nhưng khi dội chợ, người nông dân kêu lái đến bán rẻ và chịu lỗ, nhưng họ cũng quay đầu” - ông Nguyễn Văn Hóa, chủ trại heo ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai bức xúc về tình trạng thương lái “làm giá”.  

Ông Phạm Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn Nuôi Việt Nam đánh giá,  giá thịt heo tăng cao gây thiệt cho người tiêu dùng và tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là do chúng ta không giải quyết vấn đề từ gốc. Khi thịt heo ở mức giá 27.000-28.000 đồng/kg thì không có cơ quan nào hỗ trợ người chăn nuôi, dẫn đến tình trạng treo chuồng, làm mất cân đối cung cầu. Đến khi, giá lên cao, Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ tài chính cho công ty chế biến thực phẩm để bình ổn giá đầu ra, trong khi các nguyên liệu đầu vào nông dân không hề được “bình ổn”.

Chuỗi cung ứng thực phẩm bị thả nổi

 Để hạn chế những rủi ro, thất bát trong sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành. Quyết định này nhằm mang lại niềm vui cho hàng triệu nông dân khi họ được tạo thêm nguồn lực để sản xuất, khắc phục và bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Mới đây, Nhà nước cũng đã thống nhất giữ nguyên diện tích đất dành cho phát triển nông nghiệp, một mặt để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mặt khác tạo điền kiện để người dân sinh sống, làm giàu. Tuy nhiên vấn đề là, trong sản xuất nông nghiệp hiện tại, chuỗi cung ứng thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hầu như đang tự phát, chưa được Nhà nước quan tâm nhiều.    

Hưởng ứng chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cho người sản xuất thực phẩm có đầu ra ổn định, ngày 25/10, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, Công ty Vissan và Công ty Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược về phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm.

Bốn doanh nghiệp sẽ chung tay thiết lập chuỗi cung ứng thịt heo an toàn, bao gồm các khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống, chăn nuôi thương phẩm; thu mua, giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và an toàn dịch bệnh. Mục tiêu của sự hợp tác này hướng đến việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ một triệu con heo thịt mỗi năm, có chất lượng cao, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đang tập trung thực hiện mô hình tiên tiến để tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị giá tăng trên sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác Lâm Đồng đang có kế hoạch hợp tác với một số đầu mối lớn tiệu thụ rau củ quả lớn tại TP.HCM để thu mua hàng hóa cố định và dài hạn.

Rất tiếc, 2 cách làm như nêu trên chưa được các doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện nhiều.

Mị Na

Đọc thêm