Tiếng đọc bài không tròn trong giá rét đại ngàn

(PLO) - Lên huyện miền núi Minh Hoá (Quảng Bình), chúng tôi không sao cầm lòng cho được khi chứng kiến cảnh con trẻ nơi miền rẻo cao này phải co ro, run bần bật giữa mùa đông lạnh giá, tái tê...
Những đứa trẻ ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa phong phanh trong giá rét.
Những đứa trẻ ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa phong phanh trong giá rét.
Không tròn những tiếng đọc bài
“Thương các em lắm. Trời rét thế này mà chưa đến một nửa số học sinh ở xã này có đủ áo ấm để mặc. Nhìn cảnh các em đến trường giữa trời rét tăng cường, giáo viên cả trường ai cũng xót xa mà chưa làm gì được…” - thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Dân Hóa (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) bộc bạch với chúng tôi khi nghe dự báo thời tiết không khí lạnh tăng cường sắp ập về và kéo dài trên các tỉnh miền Trung.
Tìm lên nhiều trường học thuộc các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa, Trọng Hóa… của địa bàn huyện nằm cheo leo nơi biên giới Việt – Lào, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những học sinh cấp I, cấp II ngồi run cầm cập trong lớp. Trên những đôi môi nhỏ tái tím vì giá rét, tiếng ê a đọc bài của các em phát ra đã không còn tròn tiếng. Đâu đó giữa lớp học đang lặng im là thanh âm xuýt xoa, hít hà vì lạnh phát lên đều đặn…
l Ngoài sân điểm trường Tiểu học & THCS số II Trọng Hóa, rất ít học sinh có áo ấm để mặc.
l Ngoài sân điểm trường Tiểu học & THCS số II Trọng Hóa, rất ít học sinh có áo ấm để mặc.
“Em lạnh lắm, nhưng mẹ nói chỉ đủ tiền mua áo ấm cho em trai thôi. Còn em thì phải chờ đến Tết khi mẹ bán con lợn nuôi dưới chân nhà sàn…” – em Hồ Văn Nguyên, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học & THCS số II Trọng Hóa thật thà kể. Đang giữa giờ ra chơi nhưng Nguyên cứ ngồi co rúm bên cửa lớp, không dám ra sân vì lạnh quá. Lâu lâu có cơn gió se sắt vượt qua khe núi đại ngàn Trường Sơn, thốc vào mái hiên trường, Nguyên vòng hai tay quàng bó hai chân, thụt cổ lại và chống cằm lên hai đầu gối.
Với dáng vẻ cao, mập của một học sinh lớp 8, chúng tôi nghĩ em Hồ Thị Niền sẽ chống chịu lạnh tốt hơn với nhiều bạn cùng trang lứa. Nhưng em vẫn thật thà: “Sợ nhất là đi học buổi sáng sớm. Con gà rừng trên núi Cơ-tia cất tiếng gáy là em phải thức dậy rồi, nhưng không muốn ra ngoài. Đến lớp lúc nào cũng run, tay cứng lại không chép bài được”. Khi trống Trường số 2 Trọng Hóa này rung lên hồi báo tập thể dục giữa giờ, trên sân trường là gần cả trăm học sinh nhưng chúng tôi nhẩm tính số học sinh có áo đủ ấm để mặc chưa đến hai chục em.
Trẻ con co ro trong giá rét
Trẻ con co ro trong giá rét 
Khác với trẻ con thành phố, ở vùng biên giới này, các em học sinh từ nhỏ đã phải biết lao động phụ giúp gia đình. Một buổi đến lớp, buổi còn lại các em phải lên rẫy, luồn rừng hái đót về bán, bắt cá, mò ốc về ăn… Cũng dễ hiểu, bởi cuộc sống của đồng bào các tộc người hệ Bru - Vân Kiều như: Chứt, Khùa, Mày… nơi đây còn gặp quá nhiều khó khăn. Kinh tế bà con chủ yếu vẫn phải dựa vào núi rừng với đốt, phát, trỉa… kiểu du canh. Nhiều mùa màng liên tiếp đã qua, hết trâu bò bị chết rét lại đến hạn hán. Hạn phá chưa nguôi lại đến lũ quét, lũ ống ập về khi mùa mưa bão đến… 
Dọc quốc lộ 12A lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo sang nước bạn Lào, lại thấy nhiều em nhỏ vác những bó củi, mang gùi nặng đi dưới màn mưa phùn lất phất, trên người chỉ độc cái quần đùi và áo thun cộc tay. Lâu lâu, dáng các em như sắp ngã quỵ xuống sau mỗi đợt gió lạnh rít…
Giữa trưa, trên con đường đất đỏ nhầy nhụa vào bản Ka Ai, xã Dân Hóa, hơn hai mươi đứa trẻ đứng chơi trên ngã ba, chưa đến mười đứa đi dép và không em nào mặc một chiếc áo khoác ấm cho đúng nghĩa. Khí trời lúc này chỉ khoảng 14oC, rét như cắt được vào thịt người…
Theo ông Hồ Tuân – Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, địa bàn xã này có đến 13 bản. Mỗi bản có một điểm trường mầm non thuộc Trường Mầm non Dân Hóa với số lượng học sinh 195 trẻ. Có 2 trường tiểu học và THCS là: Tiểu học & THCS Dân Hóa và Tiểu học Bãi Dinh với số lượng 695 học sinh, 251 lớp học. Không chỉ con trẻ mà cả đồng bào tộc người Khùa, người Mày nơi đây vẫn đang rất thiếu quần áo, chăn ấm giữa mùa đông này.
Thương lắm, các em…
Ở độ cao khoảng 700 - 800m so với mặt biển nên vào mùa đông, nhiệt độ ở huyện miền núi biên giới Minh Hóa thường thấp hơn từ 3 - 5°C so với vùng đồng bằng. Nhiều bản làng nằm sát bên những rặng núi đá vôi, hơi lạnh tỏa ra từ đá càng se sắt hơn… Có lẽ, cách chống đỡ với lạnh giá phổ biến nhất được cha mẹ “truyền” cho con trẻ ở những xứ xa xôi, hẻo lánh này là mặc chồng lên nhau 3 – 4 cái áo… mỏng tang. Rất nhiều em phải đi chân đất. Bùn nước nhão nhoẹt, đất đỏ đường sá nơi vùng núi đồi này bắn lên lem nhem đến quá lưng quần…
Hai anh em ruột ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa nhem nhuốc, tím tái giữa bùn đất và giá rét.
Hai anh em ruột ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa nhem nhuốc, tím tái giữa bùn đất và giá rét.  
Như lời thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn thì dù thời tiết giá rét, áo quần thiếu thốn nhưng khát khao đến với “cái chữ Bác Hồ” vẫn vẹn nguyên trong từng ánh mắt thơ ngây. “Các em đi học chăm lắm, thấy học sinh mình vừa học vừa run, lại thấy thương đến phát khóc. Có gần 50 em ở các bản xa về ở nội trú tại trung tâm xã Dân Hóa để học. Mùa đông năm nay rét hơn mấy mùa qua, tối đến thấy các em lạnh không ngủ được, các thầy cô lại bàn nhau chung góp tiền về thị trấn mua chăn, màn lên cho các em chống rét để có sức lên lớp học…”
Chia tay Minh Hóa về phố nhưng hình ảnh hàng nghìn con trẻ phong phanh trong giá rét đại ngàn vẫn bám riết mãi trong tâm trí chúng tôi. Sáng nay bước ra đường, lại thấy có mấy chị, mấy mẹ đem quần áo cũ của con tống thẳng vào thùng rác bên hè phố, tôi không khỏi  chạnh lòng và chỉ mong sao họ đọc được những dòng thông tin này…
Tết Nguyên đán đã cận kề, dự báo những đợt không khí lạnh tăng cường vẫn sẽ tiếp tục kéo dài, với mong muốn mang đến cho trẻ vùng cao huyện Minh Hóa (Quảng Bình) một mùa đông ấm áp hơn trong tình sẻ chia của đồng bào trên khắp mọi miền, Báo PLVN phát động chương trình từ thiện “Đông ấm cho em”, kêu gọi sự chung tay đóng góp, ủng hộ của tất cả các cá nhân, tổ chức hảo tâm. Hãy giúp đỡ các em, dù chỉ một đôi dép, một cái áo cũ, những quyển sách, quyển vở thôi… Chỉ mong bài viết này sẽ được lan truyền, đồng tay vỗ nên kêu, mỗi người mở lòng làm một việc tốt, xã hội sẽ tươi đẹp và đáng sống hơn nhiều… 

Đọc thêm