Tình yêu phim Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -
Tình yêu phim Việt

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, điện ảnh qua thời hoàng kim bao cấp nhưng lại bước vào thời hoàng kim thị trường, với hàng chục đến gần trăm phim ra rạp mỗi năm, tạo nên một lớp ngôi sao nức tiếng đến mãi sau vẫn còn được nhắc nhớ.

Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc này, đầu video mới manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Chú Cương - em trai bố ở Đức về chơi mang cho nhà tôi một cái đầu video xịn. Đó là cái đầu video đầu tiên của khu Thương Nghiệp Bãi Bằng (Phong Châu, Phú Thọ).

Có nó, nhà tôi đi thuê băng phim ở các cửa hàng băng hình ngoài khu Đường Nam về chiếu. Ban đầu chỉ là để xem trong nhà. Sau vài buổi, bố mẹ tôi quyết định chiếu rộng rãi cho cả khu xem. Thế là, tối tối, tôi với cái Nhung nhà hàng xóm lại chạy đi khắp khu Thương Nghiệp thông báo hôm nay chiếu phim gì. Ăn cơm xong, 7h - 7h30 tối, bọn trẻ trong khu và vài người lớn đã lục tục kéo đến đứng ngồi chật phòng khách, xôn xao chờ đến giờ chiếu phim.

Phòng khách rộng có một bộ bàn ghế lớn và cái giường to. Những người lớn ngồi lên đó còn bọn trẻ ngồi san sát nhau ở hai cái chiếu trải dưới sàn.

Chúng tôi thuê phim bộ Hồng Kông hoặc phim lẻ Việt Nam, một ngày thuê liền 2 - 3 băng để xem liên tục. Phim ảnh Hồng Kông lúc ấy đang “làm mưa, làm gió” ở thị trường châu Á, phổ biến nhất là các bộ phim chưởng Kim Dung hoặc phim xã hội đen. Những loạt “Thiếu lâm tự”, “Lộc Đỉnh ký” hay “Bến Thượng Hải”... nổi tiếng ở bển về Việt Nam cũng nhanh chóng hớp hồn bọn thanh, thiếu niên.

Cũng giai đoạn này các đài truyền hình địa phương bắt đầu tích cực ròng rã chiếu các phim tình cảm Đài Loan, đặc biệt là phim Quỳnh Dao. “Dòng sông ly biệt”, “Xóm vắng”, “Bên dòng nước”... được chiếu trên đài truyền hình huyện Phong Châu ngày một tập. Có những hôm xem phim trên đài dang dở, sốt ruột, chúng tôi ra hiệu băng hình thuê ngay tập tiếp theo về xem phim cho đỡ ghiền.

Chính dịp này cũng là thời hoàng kim của điện ảnh thị trường Việt Nam. Khi cơ chế bao cấp tỏ ra lỗi thời, việc làm phim không còn là độc quyền của Nhà nước mà có sự tham gia của tư nhân. Các hãng phim tư nhân đã mang đến một không khí sôi động cho thị trường điện ảnh với hàng trăm bộ phim, tạo nên một thế hệ ngôi sao đến hàng chục năm sau vẫn được nhắc nhớ: Những nam tài tử như Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Thái San, Huỳnh Anh Tuấn, Công Hậu, Hữu Nghĩa... hay nữ minh tinh như Diễm Hương, Việt Trinh, Thu Hà, Diễm My, Mộng Vân, Y Phụng, Hồng Đào...

Các nhà sản xuất tư nhân hồi ấy đa phần đầu tư làm phim video chứ không làm phim nhựa để tiết kiệm kinh phí. Thời đó phim nhựa trung bình 400 - 500 triệu đồng/phim, trong khi phim video chỉ 150 - 200 triệu/phim. Lúc đó, phim video còn được mang ra chiếu trên hệ thống rạp chiếu bóng quốc doanh và rất ăn khách, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Các phim video Việt sau khi chiếu rạp thì dạt ra các hàng băng đĩa. Khác với phim video Hồng Kông, Đài Loan lúc đó đa phần là phim bộ (nhiều tập), phim video của Việt Nam là những phim lẻ trên dưới 90 phút, thời lượng tương đương như phim truyện nhựa.

Hồi ấy, tôi 10 - 14 tuổi là fan của phim Việt, thuê về xem không thiếu dòng phim nào, chỉ trừ phim kinh dị không xem vì sợ.

Từ tình cảm, lãng mạn như “Bông hồng đẫm lệ”, “Người hiệp sĩ cuối cùng”, “Trong vòng tay chờ đợi”... đến cổ trang, kiếm hiệp như “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Lửa cháy thành Đại La”, “Tráng sĩ Bồ Đề”... Từ tâm lý, xã hội như “Ngọc trong đá”, “Đoạn cuối ở Bangkok”, “Bên dòng sông Trẹm”... đến phim tội phạm, hình sự như “Người không mang họ”, “Săn bắt cướp”, “Hải đường trắng”... Rồi còn mấy phim cổ tích như “Thạch Sanh, Lý Thông” hay phim giả tưởng như “Thầy trò Đường Tăng đại náo Sài Gòn” (không nhớ rõ tên) nữa.

Đến bây giờ vẫn hình dung ra được không khí của những buổi chiếu phim tại gia ấy. Có hôm xem “Phạm Công, Cúc Hoa” đoạn Diễm Hương sắp uống bát nước có độc (mà không biết), cả lũ trẻ lao nhao “Này, đừng uống”, “Trời ơi, đừng uống” râm ran cả nhà. Hay là vẫn nhớ lời ca sến súa, nức nở của anh Ngọc Sơn “Trả lại em yêu chiếc khăn ngày nào. Ngày còn bên nhau ái ân mặn nồng” trong bộ phim ca nhạc nào đấy. Rồi là giai điệu quyến rũ, du dương “Tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình bỗng lại về. Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây” trong bộ phim nào đấy, chắc là “Tình ngỡ đã phôi pha”.

Cũng là xem phim mà trải nghiệm cảm giác biết buồn. Đấy là hôm xem phim “Dòng sông hoa trắng” đoạn cuối khi các nữ chiến sỹ biệt động bị xử bắn một loạt. Cả tối ngủ cứ trằn trọc mãi...

Không chỉ chiếu phim tại gia cho thanh, thiếu niên trong khu Thương Nghiệp, bố tôi còn hợp đồng với rạp Chiếu bóng Phong Châu để tổ chức những buổi chiếu bán vé tại rạp. Cái rạp này nằm ngay sát trường cấp 2 của tôi. Đi học về nhìn qua khung cửa sắt lúc nào cũng đóng im ỉm là thấy đập vào mắt mấy cái áp phích “X-30 phá lưới” hay “Phương án 3 bông hồng” chễm chệ trên tường... Tức là cái rạp này nó đã bỏ không lâu lâu không hoạt động gì rồi. Nhưng, khi bố tôi cộng tác thì khác hẳn.

Bố tôi chỉ hợp đồng chiếu phim với rạp, còn chuyện bán vé rạp lo. Chẳng hiểu họ quảng cáo kiểu gì mà hôm mang phim chiếu mở màn, khán giả kéo đến đông chật kín rạp, tôi ngồi ngầm hãnh diện với bạn bè. Thế là tuần đôi buổi, cứ mang đầu video và một cái băng video phim gì đó ra phóng chiếu lên màn hình lớn. Thu tiền kha khá.

... Đã 30 năm kể từ ngày ấy, tôi vẫn là một khán giả tích cực xem phim Việt, lớn lên song hành cùng những thăng trầm của điện ảnh Việt. Tôi hiểu biết hơn để đặt để đúng vị trí của dòng phim thị trường say mê thuở thiếu thời và trân quý những tác phẩm, tác giả tìm tòi, nghiêm túc. Cảm giác khi được xem một phim hay về cuộc sống gần gũi với mình, về nền văn hoá của đất nước mình, vẫn rất là những trải nghiệm hạnh phúc đáng giá. Tôi luôn dành tình cảm nhiều cho phim Việt

Chú thích ảnh: Ký ức về cửa hàng cho thuê băng đĩa phim không phai mờ trong tâm trí nhiều người.

Đọc thêm