Tổ ấm nhỏ cho những mảnh đời bất hạnh

(PLO) - Hơn 20 năm qua, ngôi chùa Thịnh Đại (Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam) đã trở thành tổ ấm cho hơn 40 mảnh đời bất hạnh dưới sự cưu mang, đùm bọc của sư thầy giàu lòng nhân ái Việt Hòa.
Tổ ấm nhỏ cho những mảnh đời bất hạnh
Có một tổ ấm nhỏ…
Hỏi đường đến được xóm 8, xã Đại Cương, ngôi chùa Thịnh Đại hiện ra trước mắt chúng tôi kèm theo tiếng nói cười, vui đùa của đám trẻ. Hình ảnh những cô bé, cậu bé khoảng 3-4 tuổi đang cùng nhau vui đùa tíu tít dưới sự chỉ bảo của  sư thầy áo nâu Thích Việt Hòa như hiện rõ hơn trước mắt khi chúng tôi bước chân vào trong cổng chùa. Thấy chùa có khách, thầy Hòa chỉ cho bọn trẻ tự chơi và khoe “Các con của tôi đấy” rồi nở nụ cười rạng rỡ. 
Vừa rót chén nước mời khách, thầy vừa kể lại những thăng trầm trong suốt những năm tháng đã qua. Năm 1991, tức là khoảng hơn 20 năm trước đây, khi mới đặt chân về chùa, thầy Hòa đã bắt đầu nhận nuôi đứa trẻ mồ côi đầu tiên. Thời gian trôi qua, nhiều người biết đến việc làm nhân hậu của thầy và cũng từ đó có nhiều em bé được mang đến ngôi chùa nhiều hơn. 
Khi được hỏi về các thành viên trong đại gia đình chùa Thịnh Đại, về hoàn cảnh những đứa con của mình, thầy xúc động nói: “Ấy vậy mà tôi đã có hơn 40 đứa con rồi, nhìn thấy các con vui cười mỗi ngày tôi cũng thấy vui hơn”.
Thầy Hòa còn cho biết, những cháu thầy nhận nuôi trong những năm qua mỗi đứa một số phận, một hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung là thiếu sự thương yêu, đùm bọc của cha mẹ. Còn có những người do hoàn cảnh khó khăn, không nuôi được con nên mang lên chùa gửi thầy nuôi giúp, thầy cũng vui lòng nhận lời…
Thầy Hòa tâm sự thêm: “Nhìn các cháu bé nhỏ tuổi mà đã bị mồ côi, tôi thương lắm, không thể làm ngơ được, chính vì vậy mà có ai mang trẻ mồ côi đến tôi đều nhận nuôi hết, dù hoàn cảnh cũng còn nhiều khó khăn”.
Dù khó khăn nhưng vẫn làm
Cuộc sống của sư thầy Thích Việt Hòa cùng những đứa trẻ trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Và phải có sự nỗ lực, cố gắng hết mình cùng sự giúp đỡ của nhiều phật tử, thầy Hòa mới có thể trụ vững được như ngày hôm nay.
Khi hỏi về những khó khăn, thầy Hòa tâm sự: “Nhiều cháu còn rất nhỏ, như đứa nhỏ nhất tôi nhận nuôi nặng có 9 lạng, để nuôi được cháu gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc cho ăn, thay tã đến việc chăm sóc cháu mỗi ngày là cả một vấn đề lớn mà nếu không có sự giúp đỡ của các phật tử thì không biết giờ đây cháu bé thế nào nữa”. Công việc chăm sóc  các con không chỉ còn là một hay hai đứa, mà con số đó cứ tăng dần lên theo thời gian và những vất vả, những khó khăn mà thầy Hòa phải tự mình khắc phục.
Rồi đến việc chi phí để nuôi dạy đàn con của mình cũng là cả một vấn đề, ban đầu chỉ dựa vào sổ lương và tiền công đức ít ỏi, thầy Hòa đã phải tự mình trồng rau quả, cấy hái lấy tiền để nuôi các cháu. Tất cả các cháu đến tuổi đi nhà trẻ, học cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 thầy đều cho đi học, không để đàn con của mình thất học.
Giờ đây, với sự giúp đỡ của phật tử, thầy Hòa đã có những người giúp đỡ trong nuôi dạy các cháu. Cô Lê Thị Hoa, tính ra cũng đã giúp đỡ thầy Hòa hơn chục năm nay, chia sẻ: “Tôi là người ở đây, thấy việc làm nhân đức của thầy nên cũng muốn giúp thầy Hòa chăm sóc các cháu, tội cho chúng nó lắm chú ạ”. Với sự giúp đỡ của nhiều phật tử, thầy Hòa đã chăm sóc cho đàn con của mình lớn lên mỗi ngày với tình thương mà thầy dành cho các con trong mỗi bài học, mỗi bữa cơm và cả những giờ dạy các con học.
Trong số các con của thầy Hòa, có 16 người đã đi học tại các trường đại học và cao đẳng, có người đã ra trường và có việc làm, giúp đỡ thầy trong chi phí nuôi dạy các bé trong chùa. Khi chia sẻ  điều này, thầy Hòa tự hào lắm.
Nói về những mong muốn của mình, thầy chân thành nói: “Mong muốn duy nhất của tôi là mong các cháu trưởng thành, khỏe mạnh và mình vươn rộng vòng tay đón các cháu để các cháu đỡ đi phần nào sự thiệt thòi trong cuộc sống, để chúng nó lớn lên có ích cho xã hội và không cảm thấy mặc cảm về thân phận của mình”. 
Trời đã xế chiều, thầy Hòa cùng chúng tôi ra sân căng dây để các cháu đánh cầu lông Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chụp bức hình của thầy và các cháu, thầy Hòa chỉ cười và bảo: “Anh thông cảm, tôi cứ chụp ảnh là y như rằng hôm sau bị ốm nên tôi không chụp đâu. Anh ra chụp mấy bé đang chơi đùa kia kìa”. Không thể ép thầy Hòa, chúng tôi đành ra chụp bức ảnh những cháu bé đang được thầy Hòa cưu mang.
Nhìn những nụ cười nở trên môi các cháu khi được ống kính máy ảnh quay vào mình, mong rằng các cháu sẽ được bù đắp phần nào đó tình thương yêu trong cuộc sống như tình thương mà thầy Hòa đang ngày ngày dành cho các cháu.

Đọc thêm