“Tội phạm hóa” hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

(PLO) - Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng, đa dạng ở tất cả các khâu thực hiện chính sách gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng phần lớn vi phạm vẫn chỉ xử lý  xử phạt vi phạm hành chính nên các doanh nghiệp vẫn “ung dung” phạm luật…
Trước tình trạng “nhờn luật” trên, một số chuyên gia đã đưa ra đề xuất, đã đến lúc phải có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với một số vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Đặc biệt là phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với cả pháp nhân có vi phạm
Chế tài nhẹ, vi phạm gia tăng
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh, những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT rất đa dạng với tính chất ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Thống kê cho thấy, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước là 16 triệu người, nhưng mới có khoảng 11,5 triệu lao động tham gia. Còn báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện có 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng một nửa trong số này đăng ký tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với cơ quan BHXH. Đó là chưa kể đến các hành vi gian lận trong việc lập hồ sơ, chứng từ để được hưởng quyền lợi BHXH, BHYT hoặc trục lợi Quỹ BHXH, BHYT… 
Tình trạng nợ đọng và chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng cao ở mức báo động. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến cuối năm 2014 thì tổng số tiền nợ BHXH, BHYT và BHTN trên cả nước vẫn còn hơn 7.279 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2007. Và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015 tổng số tiền nợ đã là hơn 13.761 tỷ đồng (tăng 90% so với năm 2014). 
“Các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT mà ảnh hưởng đến quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân được quy định tại Điều 34 Hiến pháp 2013, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu của các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước”- ông Sinh nhấn mạnh. 
“Tội phạm hóa” hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội
Chia sẻ tại Hội thảo đóng góp ý kiến bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT vào BLHS (sửa đổi), ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) nhận định: Thời gian qua, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT nhiều nhưng công cụ pháp lý tỏ ra còn kém hiệu quả, mức độ vi phạm lớn nhưng hình thức xử lý còn quá nhẹ. Cụ thể như Nghị định 176/2013/NĐ-CP (quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) quy định: hành vi không đóng BHYT cho 1.000 lao động bị xử phạt không quá 30 triệu đồng; Nghị định số 95/2013/NĐ-CP thì quy định xử phạt tối đa 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho toàn bộ người lao động… 
Hình thức xử phạt “nhẹ nhàng” nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt để không đóng bảo hiểm cho người lao động. Bên cạnh đó, việc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền chưa đóng, chậm đóng BHXH (quy định tại Thông tư số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN) cũng không có tính khả thi. Nhiều tỉnh, thành phố chưa từng áp dụng quy định này…
Trong khi đó, ngành BHXH chỉ có quyền phát hiện và kiến nghị xử lý; việc phối hợp với Thanh tra ngành LĐ-TB&XH để tiến hành thanh tra liên ngành còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, tuy cơ quan BHXH đã thực hiện khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH ra tòa để đòi tiền nhưng biện pháp cũng không hiệu quả vì nhiều đơn vị vẫn cố tình không thực hiện thi hành án. Từ năm 2010-2014, BHXH các tỉnh, thành phố đã khởi kiện 5.376 vụ, đưa ra xét xử 1.759 vụ và chuyển cơ quan thi hành án 1240 vụ. Tính riêng trong năm 2014, cơ quan BHXH đã khởi kiện 1.496 đơn vị với tổng số tiền nợ là 664,7 tỷ đồng. Nhưng số tiền thu hồi được qua khởi kiện mới chỉ đạt 105 tỷ đồng. Như vậy, thực tiễn cho thấy, khi hành vi vi phạm pháp luật xảy ra mà không có chế tài mạnh, tương ứng với mức độ vi phạm thì sẽ ngày càng có thêm nhiều vi phạm mới hoặc tái phạm. 
“Mặc dù Luật BHXH, Luật BHYT cho phép truy cứu TNHS đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nhưng trong BLHS  hiện hành lại không quy định hành vi vi phạm nào sẽ bị coi là tội phạm nên không thể áp dụng xử lý hình sự được”- ông Lương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (BHXH Việt Nam) có ý kiến. 
Dự thảo BLHS (sửa đổi) mới nhất vừa được đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung tội danh gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT gồm: gian lận BHXH (Điều 218); gian lận BHYT (Điều 219); trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 220). Riêng hành vi “trốn đóng” thì còn xem xét trách nhiệm hình sự cả pháp nhân có vi phạm. Theo giải trình của Ban soạn thảo thì việc “tội phạm hóa” trên là hoàn toàn phù hợp thực tế, nhằm nâng cao trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT. Đảm bảo sự nghiêm minh, việc “tội phạm hóa” này còn giúp cho công tác “khắc phục hậu quả” được khả thi hơn. 
Đại diện BHXH Việt Nam kỳ vọng: “Việc bổ sung tội danh trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động vào BLHS sẽ là biện pháp hữu hiệu nhằm cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo quyền an sinh xã hội của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm