TPP sẽ tan nếu Quốc hội Mỹ không thông qua

(PLO) - Mặc dù các bên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý song đã nhất trí công bố toàn văn Hiệp định này. 
Dự kiến, thời điểm ký kết chính thức sẽ không muộn hơn quý I năm 2016, nhưng Hiệp định chỉ có hiệu lực khi ít nhất 6 thành viên (chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước vào năm 2013) phê chuẩn.
Hoa Kỳ chiếm tới 60% tổng GDP của 12 nước TPP năm 2013 
Sẽ sớm công bố bản dịch tiếng Việt
Chiều 5/11/2015 (giờ Hà Nội), tức sau đúng 1 tháng kết thúc đàm phán  TPP, toàn văn Hiệp định này (tiếng Anh)  đã được công bố trên website của Bộ Công Thương (http://tpp.moit.gov.vn). Bộ này cho hay, theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. 
Tuy nhiên, trước nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp (DN), các nước tham gia đàm phán TPP đã quyết định công bố toàn văn Hiệp định mặc dù thủ tục rà soát pháp lý vẫn chưa hoàn tất. Các nước đàm phán TPP đã thống nhất giao Niu -di-lân (nước được giao nhiệm vụ lưu chiểu văn kiện của Hiệp định) công bố toàn văn Hiệp định này. 
Theo Bộ Công Thương,  do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. “Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết...”- đại diện Bộ Công Thương thông báo.
Cơ quan này còn cho biết, do các nước TPP vẫn đang tiến hành thủ tục rà soát pháp lý, khối lượng tài liệu phải biên dịch lại rất lớn nên Bộ Công Thương và các bộ, ngành chưa thể công bố kèm theo bản dịch tiếng Việt của Hiệp định; đồng thời khẳng định sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn tất việc dịch thuật và công bố bản dịch tiếng Việt trong thời gian sớm nhất. 
Theo đó, Hiệp định TPP được đánh giá là hình mẫu của hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...
Nín thở chờ Quốc hội Mỹ
Theo lộ trình, sau khi công bố toàn văn Hiệp định, các nước TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Mỗi nước theo quy định của pháp luật nước mình sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu Hiệp định trước khi ký kết (dao động từ 60 - 90 ngày). Sau khoảng thời gian trên, các nước TPP thành viên sẽ ký kết chính thức.
Bộ Công Thương cho biết, thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I năm 2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật mỗi nước.
Tại buổi họp báo kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam Trần Quốc Khánh cũng cho rằng,  để đề phòng có Quốc hội nước nào không thông qua, TPP có quy định chỉ cần một số lượng cụ thể các nước thông qua mà tổng GDP vượt quá số lượng quy định thì  Hiệp định cũng sẽ có hiệu lực. 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), rủi ro lớn nhất cho TPP hiện nay là việc Quốc hội Hoa Kỳ có thể không phê chuẩn Hiệp định. Các điều khoản cuối cùng của TPP quy định nếu một hay nhiều nước tham gia ký kết không phê chuẩn thì Hiệp định vẫn có hiệu lực nếu nó được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước vào năm 2013 (theo số liệu chính thức của IMF),  trong khi đó Hoa Kỳ chiếm tới 60% tổng GDP của 12 nước TPP năm 2013.  Do đó, nếu Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn thì TPP sẽ tan.
Theo các chuyên gia, đây là khả năng có thể xảy ra, tuy nhiên, việc ký phê chuẩn Hiệp định chỉ là vấn đề thời gian. Việc cần thiết lúc này Việt Nam cần làm gì để đủ sức tham gia một cuộc chơi lớn…
Nhà Trắng có thuyết phục được Quốc hội Mỹ? 
“Nhà Trắng đang vận động dữ dội để Quôc hội thông qua. Tuy nhiên, chính các đại biểu Quốc hội phe Dân chủ lại phản đối Hiệp định trước quan ngại về mất việc làm ở Hoa Kỳ. Đại biểu phía Đảng Cộng hòa có tỷ lệ ủng hộ cao. Nhưng ngay Chủ tịch Hạ viện mới được bầu, Paul Ryan (Đảng Cộng hòa) cũng chưa lên tiếng mà chỉ nói rằng còn tùy xem chính quyền Obama có giải trình và thuyết phục được rằng TPP sẽ đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ hay không.” - 
TS.Nguyễn Xuân Thành, 
Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Đọc thêm