Trách nhiệm khi tri thức dân gian phở trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 9/8/2024, Bộ VH,TT&DL có Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL đưa  tri thức dân gian Phở Hà Nội của Thành phố Hà Nội vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những bát phở thơm ngon tại Festival Phở ngày 15 - 17/3/2024 ở Nam Định. (Ảnh: VGP)
Những bát phở thơm ngon tại Festival Phở ngày 15 - 17/3/2024 ở Nam Định. (Ảnh: VGP)

Như vậy có thể nói, loại quà rong mà thuở ban đầu chỉ là rao bán khắp phố phường Hà Nội vào những năm 1907 - 1910, trải qua thời gian, phở đã dần gắn với lịch sử thăng trầm của Thủ đô, ký ức của nhiều người Hà Nội, trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng tại Thành phố. Hiện nay, tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội có vô số cửa hàng phở từ cao cấp đến bình dân, từ các cửa hàng trên những con phố lớn đến các con ngõ nhỏ, khu dân cư...

Cùng ngày, “tri thức dân gian Phở Nam Định” cũng được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nam Định là quê hương của nghề phở. Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định; khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu: từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon bảo đảm hương vị, chất lượng dinh dưỡng...

Việc “Tri thức dân gian Phở Hà Nội” và “tri thức dân gian Phở Nam Định” cùng được vinh danh cho thấy phở không những là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng, mà còn là một phần của loại hình tri thức dân gian, một phần của di sản. Tri thức dân gian phở Hà Nội, Nam Định, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Theo quá trình hình thành, phở là biểu hiện của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa bản địa của người Việt với người Hoa và người Pháp sinh sống tại Việt Nam thế kỷ XX. Qua quá trình phát triển, phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Việt Nam nói riêng mà giờ đây đã gần như trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, vươn tầm ẩm thực thế giới. Không sai khi nói rằng phở mang trong mình các giá trị như: giá trị dinh dưỡng, giá trị phát triển du lịch, giá trị kết nối cộng đồng, giá trị kinh tế…

Phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng trên thế giới và hiện diện ở trên 50 quốc gia trên thế giới. Phở Việt còn được Tạp chí nổi tiếng Business Insider bình chọn là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời đối với những người thích đi du lịch trên thế giới. Tờ báo The Travel, chuyên trang du lịch, đã công bố danh sách 10 quốc gia có thức ăn ngon nhất thế giới, trong đó có món phở của Việt Nam...

Việc “tri thức dân gian Phở Hà Nội” và “tri thức dân gian Phở Nam Định” trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho thấy, chúng ta có trách nhiệm rất lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc này là rất lớn.

Thiết nghĩ, để bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể “tri thức dân gian Phở Hà Nội” và “tri thức dân gian Phở Nam Định”, thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản; đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu về di sản; huy động sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức và giữ gìn, phát triển nghề nấu phở bền vững, chú trọng xây dựng thương hiệu “Phở Hà Nội” và “Phở Nam Định”. Bên cạnh đó, cũng không quên việc tổ chức các hoạt động truyền dạy, duy trì và giáo dục di sản, nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa thực hành di sản...

Có được như vậy thì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực sẽ sớm đạt được kết quả và di sản sẽ luôn có cơ hội được gìn giữ, bảo vệ, tồn tại lâu dài trong cộng đồng.