Trang phục riêng nâng cao vị thế của Trợ giúp viên pháp lý?

Hầu hết các ý kiến cho rằng, không nên đặt vấn đề tài chính, tần suất mặc trang phục trong năm lên trước mà “quên” ý nghĩa của việc xây dựng trang phục cho Trợ giúp viên. Chi tiết nhỏ này sẽ giúp cho các Trợ giúp viên nâng cao được vị thế, tạo niềm tin khi tham gia tố tụng.

Hiện nay, khi tham gia tố tụng tại các phiên tòa, người tiến hành tố tụng, Luật sư đều có trang phục riêng, ngoại trừ Trợ giúp viên pháp lý. Việc mặc trang phục thống nhất khi tham dự tòa hoặc khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) được hầu hết Trợ giúp viên đón nhận, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền chủ trì hội thảo

Trợ giúp viên pháp lý sẽ có trang phục riêng?

Việc xây dựng hình ảnh đẹp về người thực hiện TGPL, trong đó có Trợ giúp viên pháp lý là việc làm cần thiết để khẳng định vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác TGPL. Sự chuyên nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý không chỉ thể hiện ở tác phong, thái độ, kỹ năng làm việc mà còn bộc lộ qua trang phục, đặc biệt là khi tác nghiệp ở những nơi trang nghiêm như Tòa án.

Đó chính là một trong những trăn trở, băn khoăn của hầu hết lãnh đạo các Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL Nhà  nước của 21 tỉnh thành, Cục TGPL, Viện khoa học Pháp lý tại Hội thảo “Về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ” được Bộ Tư pháp tổ chức sáng 2/8/2012 tại Hải Phòng, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL bổ sung :“Trợ giúp viên pháp lý được cấp trang phục riêng, bao gồm: quần áo thu đông, áo măng tô, áo sơ mi dài tay, quần áo xuân hè, thắt lưng da, giày da, dép quai hậu, bít tất, cà vạt, cặp tài liệu”.

Đồng quan điểm với nội dung trên của Dự thảo, ông Trần Huy Liệu - Quyền Cục trưởng Cục TGPL - khẳng định, Trợ giúp viên pháp lý hoạt động không khác gì Luật sư khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Trong khi đó, các chức danh như Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư đều có quy định trang phục riêng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa. Vì vậy, để đảm bảo tính nghiêm trang, tương xứng với vị thế của Trợ giúp viên pháp lý - một bên tranh tụng -  thì việc quy định trang phục cho họ là hết sức cần thiết.

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2012, toàn quốc hiện có 305 Trợ giúp viên pháp lý. Theo Chiến lược phát triển TGPL ở Việt  Nam đến năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 thì đến năm 2015, cả nước có khoảng 1.000 Trợ giúp viên pháp lý, đến năm 2020 cả nước mới có khoảng 1.500 Trợ giúp viên. Với số lượng đó, nhiều đại biểu cho rằng, kinh phí ngân sách nhà  nước phải chi trả cho việc trang bị trang phục trên không phải là lớn.

Xây “bản sắc” – lãng phí hay không?

Tại  Hội thảo, chuyên gia, Ths Nguyễn Hải Anh (đơn vị độc lập góp ý Dự thảo- PV) lại khẳng định, trong Luật TGPL hiện chưa có quy định liên quan đến việc chuẩn bị trang phục riêng cho Trợ giúp viên pháp lý. Vì vậy, nếu trong văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TGPL lại quy định về trang phục của Trợ giúp viên thì sẽ không đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định.

Ngoài ra, Ths Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, luật pháp về tố tụng chưa quy định tư cách tham gia tố tụng trực tiếp của trợ giúp viên. Khác với Thẩm phán, Kiểm sát viên dự tòa, Trợ giúp viên pháp lý không đại diện cho cơ quan nhà nước (cơ quan công quyền) thực hiện nhiệm vụ mà chỉ có tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị  cáo để thực hiện việc bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự...

Do vậy, Trợ giúp viên chưa nhất thiết phải có một trang phục riêng để  thể  hiện “bản sắc” của mình. Ngoài ra, theo các chuyên gia này, vấn đề trên cần phải cân nhắc thêm vì tần suất tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý không phải là thường xuyên.

Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, không nên đặt vấn đề tài chính, tần suất mặc trang phục trong năm lên trước mà “quên” ý nghĩa của việc xây dựng trang phục cho Trợ giúp viên.

Điều quan trọng, chi tiết nhỏ này sẽ giúp cho các Trợ giúp viên nâng cao được vị thế, tạo niềm tin khi tham gia tố tụng. Ông Nguyễn Bá Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng - khẳng định trang phục riêng dành cho trợ giúp viên sẽ là một trong những “nước cờ” chuyển hướng hoạt động TGPL nói chung theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, việc quy định mẫu trang phục cho Trợ giúp viên là cần thiết, nhưng cũng cần cân nhắc những vấn đề mà các chuyên gia đã góp ý. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định về cơ bản, các đại biểu nhất trí đối với các nội dung trong Dự thảo Nghị định.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra những góp ý quan trọng liên quan đến việc bổ sung một số đối tượng được TGPL theo quy định của  pháp luật; quy định cơ cấu, tổ chức của Trung tâm, Chi nhánh TGPL cho phù hợp với pháp luật về viên chức…

Tất cả các ý kiến đó sẽ là căn cứ để xây dựng Nghị định 07 hoàn thiện hơn, kịp thời đi vào cuộc sống để “giảm nghèo pháp luật” cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng...

Phương Thanh

Đọc thêm