Trâu, bò thả rông không được bảo hiểm nông nghiệp

Các hộ chăn nuôi chỉ được tính bảo hiểm nông nghiệp khi nuôi nhốt hoặc chăn thả có kiểm soát (không áp dụng đối với trâu, bò thả rông) từ 1 con trở lên. Thời gian tính bảo hiểm được quy định đối với trâu, bò (thịt, cày kéo) từ 6 tháng tuổi trở lên...

Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam có bài viết về các đối tượng được thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nhiều bạn đọc đề nghị báo giới thiệu cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện cũng như thời gian để tính bảo hiểm của những đối tượng này.

Trâu, bò thả rông sẽ không thuộc đối tượng bảo hiểm

Theo quy định của Bộ NN&PTNT, trong chăn nuôi, tiêu chí và quy mô lựa chọn là mỗi tỉnh chọn 3 huyện, mỗi huyện chọn 3 xã, quy mô bảo hiểm trên toàn xã. Cụ thể, đối với chăn nuôi trâu, bò (thịt, cày kéo, sinh sản) và bò sữa: Các hộ chăn nuôi phải bằng hình thức nuôi nhốt hoặc chăn thả có kiểm soát (không áp dụng đối với trâu, bò thả rông) từ 1 con trở lên. Thời gian tính bảo hiểm được quy định như sau: đối với trâu, bò (thịt, cày kéo) tính từ 6 tháng tuổi trở lên, không phân biệt tính dục, sức khỏe bình thường, không có dị tật bẩm sinh. Đối với trâu, bò (sinh sản), bò sữa thì tính từ 12 tháng tuổi trở lên và có tính dục rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn giống.

Trâu, bò thả rông sẽ không thuộc đối tượng bảo hiểm

Đối với chăn nuôi lợn (thịt, nái, đực giống): các hộ chăn nuôi phải có số lượng lợn thịt từ 2 con/lứa trở lên, lợn nái và lợn đực giống có từ 1 con trở lên. Đối với chăn nuôi lợn thịt, thời gian được bảo hiểm tối đa là 150 ngày; đối với chăn nuôi lợn nái, thời gian được bảo hiểm tối đa là 180 ngày (tính từ khi lợn nái phối giống có chửa đến khi cai sữa lợn con).

Trong chăn nuôi lợn đực giống: thời gian bắt đầu được bảo hiểm từ 8 tháng tuổi đối với lợn nội và 10 tháng tuổi đối với lợn ngoại và lợn lai; thời gian tính bảo hiểm không quá 34 tháng đối với lợn đực khai thác tinh sử dụng trong thụ tinh nhân tạo và 28 tháng đối với lợn đực phối giống trực tiếp.

Về chăn nuôi gà, vịt (thịt, đẻ), quy mô tổng đàn phải có từ 200 con trở lên đối với gà, vịt thịt và quy mô từ 100 con đối với gà, vịt đẻ. Thời gian tính bảo hiểm đối với gà, vịt thịt được phân thành 3 loại: từ 1-50 ngày đối với gà, vịt công nghiệp; từ 1-70 ngày đối với gà, vịt kiêm dụng và từ 1-150 ngày đối với gà, vịt bản địa. Đối với gà đẻ, thời gian tính bảo hiểm từ 1-365 ngày, vịt đẻ là 700 ngày.

Nuôi thâm canh thủy sản phải có diện tích từ 5ha trở lên

Thông tư của của Bộ NN&PTNT quy định, đối với cây lúa nước thì mỗi tỉnh chọn 3 huyện và quy mô bảo hiểm toàn huyện đối với các vùng chuyên sản xuất lúa nước (diện tích vùng đất canh tác tối thiểu từ 5 ha trở lên) ở các vụ sản xuất lúa chính: Đông-Xuân, Mùa, Hè-Thu.

Tiêu chí chọn vùng nuôi, cơ sở nuôi đối với thủy sản nuôi cũng được quy định khá cụ thể. Theo đó, mỗi tỉnh chọn 3 huyện, mỗi huyện chọn 3 xã, mỗi xã lựa chọn vùng nuôi, quy mô bảo hiểm toàn xã.

Đối với vùng nuôi cá tra thâm canh và nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh phải có diện tích từ 5 ha trở lên. Đối với vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bán thâm canh thì có diện tích 10ha, quảng canh cải tiến có từ 15 ha trở lên. Đặc biệt, vùng nuôi cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng phải đảm bảo có đường giao thông, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Cũng theo Thông tư, UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; công bố và xác nhận các loại thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn cụ thể của địa phương.

Ngoài ra, cơ quan này phải chỉ đạo Cục thống kê tỉnh công bố năng suất lúa thực tế sau mỗi vụ, giá lúa vụ gần nhất và giá trị kinh tế về chăn nuôi, nuôi thủy sản để làm căn cứ tính thuế, giải quyết bồi thường bảo hiểm… Thông tư có hiệu lực từ ngày  1/7/2011.

Đông Quang

Đọc thêm