Rụt rè thu nợ
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc kinh doanh Cty CP Cơ Điện Lạnh (REE) Trương Trọng Giảng cho biết, REE sẵn sàng khởi kiện các đối tác chây ì thanh toán nợ. Ở REE quy định nếu không thu hồi được nợ thì cá nhân, tập thể liên quan phải chịu trách nhiệm trước công ty, trước cổ đông.
Ngược lại, Giám đốc Cty CP thiết bị xây dựng Gia Phan ông Phan Hoàng Tú băn khoăn, cái khó là thu hồi nợ như thế nào để không mất mối quan hệ với khách hàng. Cùng tình trạng với ông Tú, ông Trần Kông Phương, Chủ tịch HĐQT Cty CP S.A.E cho biết: “S.A.E đã hoàn thành công trình trị giá 60 tỷ, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng và đã xuất hóa đơn nhưng còn 4 tỷ đồng chủ đầu tư cứ dây dưa mãi.”. Ông đặt vấn đề: Bằng cách nào thu hồi được nợ mà không gây mất lòng đối tác?
Xa hơn, ông Phương còn băn khoăn về việc thu hồi nợ như thế nào để khách hàng tiềm năng không cảm thấy ngán ngại: “Ra tòa thì cũng được thôi. Nhưng sợ sau này các đối tác mới e ngại mình nên sẽ khó làm ăn”.
Mềm mỏng nhưng kiên quyết
Chia sẻ tại buổi tọa đàm bàn về giải pháp khắc phục và thu hồi nợ đọng trong xây dựng do Hiệp hội nhà thầu Việt Nam chi nhánh phía Nam (S.VACC) vừa tổ chức, các giám đốc doanh nghiệp xây dựng đều thống nhất cho rằng cần phải mềm mỏng với đối tác nhưng không được thiếu kiên quyết.
Vấn đề thu hồi nợ như thế nào để không mất mối quan hệ với khách hàng, ông Giảng cho rằng: "Không trả nợ cho nhà thầu thì đã mất quan hệ rồi nên không nên xem đấy là đối tác tin cậy, không nên e ngại mất lòng”. Ông Giảng chia sẻ kinh nghiệm là nên phát hành thư đòi nợ để nếu cần thì có căn cứ khởi kiện.
Còn ông Phan Hoàng Tuấn, Giám đốc Cty CP xây dựng Gia Thy đã phân loại đối tác thành 3 nhóm: đối tượng có thiện chí; đối tượng toan tính và đối tượng lừa đảo. Ông Tuấn nhận định: “Đối tượng có thiện chí thì trước sau gì họ cũng trả. Còn đối tượng toan tính thì cần trao đổi thẳng thắn và phải chấp nhận cạnh tranh pháp lý. Riêng đối tượng lừa đảo thì không chơi nữa”.
Đối với đối tượng có thiện chí, ông Tuấn cho rằng, đòi nợ thì nên chọn giải pháp đồng cảm và chia sẻ. Cần linh động trong các giải pháp lấy nợ. Có thể hàng đổi hàng hoặc giảm ít nhiều trên cơ sở cân đối với lãi suất phát sinh nếu bị chây ì hoặc các chi phí cơ hội.
Ngăn ngừa pháp lý vẫn tốt hơn
Ra tòa là giải pháp cuối cùng. Qua kinh nghiệm của mình, ông Tuấn cho biết kiện tụng nhanh nhất thì cũng phải 1 năm mới lấy được nợ và “chưa từng nghe nhà thầu nào cạnh tranh pháp lý lấy được tiền mà lòng thoải mái”. Tuy vậy, các bên đều đồng tình lúc cần kiện vẫn phải kiện.
Ông Tuấn chia sẻ, điều đầu tiên là nhà thầu phải "thuộc bài", tức là phải nắm vững quy trình và các điều kiện thanh quyết toán. Các quy định, quy chuẩn nhà thầu phải nắm vững. Đồng thời doanh nghiệp phải cập nhật luật xây dựng cơ bản để chủ động xử lý, trên hết vẫn là yếu tố ngăn ngừa. Ông Tuấn cho rằng có 2 điều kiện cần đặc biệt lưu ý để ngăn ngừa nợ đọng là đối tác phải đáng tin cậy và để ý kỹ đến các điều khoản của hợp đồng. “Nhà thầu đừng vì tâm lý là cần việc mà làm. Thà ở không chứ không nên ký với một đối tác thiếu tin cậy” – ông Tuấn chia sẻ.
Qua thực tế làm việc với nhiều nhà thầu phụ, ông Giảng cho biết những công ty nhỏ và vừa thiếu hẳn một mảng trong quản trị công ty nên không đủ các cơ sở pháp lý. “Làm ăn với những chủ đầu tư lươn lẹo mà project manager không đủ kiến thức thì dễ thua kiện.” Ông Giảng cảnh báo: “Việc khởi kiện không đơn giản, đặc biệt là những vụ kiện liên quan đến tư pháp quốc tế”.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì ông Giảng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố hợp đồng: “Điều đầu tiên là phải chặt chẽ hợp đồng. Phương án này sẽ là tốt nhất đối với đối tác mới, đối tác nước ngoài”.