Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, hạ tầng pháp lý để chính thức áp dụng thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước theo Quyết định 28/2018 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/1/2019 về cơ bản đã đầy đủ.
Tuy nhiên, khi đánh giá về việc triển khai thực tiễn công tác gửi, nhận văn bản điện tử của cơ quan nhà nước trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng quá trình này gặp khá nhiều khó khăn. Đó là khó khăn về thói quen, nhận thức, về quy trình, kỹ thuật…, thủ tục hành chính ở đâu đó vẫn chưa được chuẩn hóa... nên việc chuyển từ văn bản giấy sang sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyển biến chậm
Theo thông tin từ Ban Cơ yếu Chính phủ, việc ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng đã phát huy hiệu quả trong công tác điều hành, trao đổi văn bản điện tử tại các bộ, ngành. Tại một số bộ, ngành, việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỉ lệ cao (trên 95%), tiêu biểu là Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT… Các địa phương có tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số đạt mức cao là Đà Nẵng, Thái Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hà Giang...