Văn Thành công chúa và cuộc hôn nhân ngoại giao thay đổi đất nước của người Tây Tạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 1.400 năm trước, dưới thời Đại Đường có một nàng công chúa vì sự ổn định của biên cương mà đã chấp nhận thành thân với quốc vương Thổ Phồn. Và nhờ sự thông minh, chân thành, quảng đại mà Văn Thành đã dược người dân Tây Tạng hết mực tôn kính. 
Tùng Tán Cán Bố (giữa), Bhrikuti Devi (trái) và Văn Thành công chúa (phải).
Tùng Tán Cán Bố (giữa), Bhrikuti Devi (trái) và Văn Thành công chúa (phải).

Triều đại nhà Đường, dưới sự trị vì của Hoàng đế Đường Thái Tông đã bước vào thời kỳ thịnh trị. Cùng lúc đó, ở cao nguyên Tây Tạng, vương quốc Thổ Phồn dưới sự lãnh đạo của Minh vương Tùng Tán Cán Bố cũng đang ở thời kỳ thịnh trị. Vì muốn cùng triều đại nhà Đường thiếp lập mối bang giao hữu hảo nên vua Tùng Tán Cán Bố đã nhiều lần cử sứ thần tới Trường An (Kinh đô của nhà Đường) để xin cầu thân. 

Cuộc hôn nhân kỳ lạ

Theo “Tân Đường Thư”, Tùng Tán Cán Bố vì nghe nói hai vương quốc Đột Quyết (tồn tại giai đoạn từ thế kỷ 6 tới thế kỷ 7) và Thổ Cốc Hồn (tồn tại từ năm 285 đến năm 670) đều đã thành thân với Đại Đường để kết nghĩa bang giao, nên Tùng Tán Cán Bố cũng cầu hôn một nàng công chúa. Đáng tiếc, ý nguyện này đã bị Đường Thái Tông cự tuyệt. Sứ giả trở về Thổ Phồn thưa rằng: “Quốc vương Thổ Cốc Hồn vào triều ly gián, vì vậy thảo luận thông hôn bất thành”.

Nghe được tin đó, Tùng Tán Cán Bố tức giận liền đem quân tấn công Thổ Cốc Hồn, khiến cho Thổ Cốc Hồn phải rút về Thanh Hải. Tùng Tán Cán Bố quyết tâm cầu hôn được với công chúa Đại Đường mà sau đó đã cử 20 vạn đại quântiến về Tùng Châu, chỉ vây thành nhưng không đánh. Đồng thời, ông lại sai sứ giả vận chuyển kim ngân châu báu, lụa là gấm vóc đến Trường An, gọi đó là sính lễ cầu hôn, kèm theo lời nhắn: “Nếu như đại quốc không gả công chúa, thì ta chỉ còn cách tấn công vào thành”.

Thấy được hành động ngang ngược của Tùng Tán Cán Bố, Đường Thái Tông khi đó đã tức giận mà phái quân binh đánh bại Thổ Phồn, khiến Tùng Tán Cán Bố càng thêm ngưỡng mộ thiên uy, ra lệnh dẫn binh thoái lui, đồng thời sai sứ giả đến tạ tội, một lần nữa lại xin cầu hôn ước.

Tượng Văn Thành công chúa.
Tượng Văn Thành công chúa.  

Tương truyền, khi ấy ở Trường An có tới 5 vị sứ giả cùng mang theo ngọc ngà châu báu và lễ vật quý hiếm để xin được làm rể, Đường Thái Tông đã đưa ra một cuộc thi kén rể với nhiều thử thách dành cho các sứ giả. Cuối cùng sau khi trải qua nhiều lần thử thách, Lộc Đông Tán - Sứ giả của Thổ Phồn nổi bật là người cơ trí, vượt qua tất cả những yêu cầu. Lúc này, Hoàng đế Đường Thái Tông nhận định rằng, nếu sứ giả đã là người có tài hẳn quốc vương Thổ Phồn không phải là người tầm thường. Vì thế Hoàng đế Đường Thái Tông đã quyết định gả công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Cán Bố.

Về công chúa Văn Thành, tới tận thời điểm hiện tại, thân thế của bà vẫn là một bài toán chưa có lời giải, về cơ bản chỉ biết bà là người trong Hoàng tộc họ Lý của nhà Đường, không phải con gái của Đường Thái Tông Lý Thế Dân mà là con gái của một Thân vương nào đó.

Đây cũng là điều phổ biến trong lịch sử nhà Đường, nhiều người chỉ là con gái hàng Tông thất, không phải Hoàng nữ nhưng được phong tước hiệu Công chúa để gả đi. Văn Thành công chúa nổi tiếng là một cô người dịu dàng, đài các, đoan trang. Khi được gả cho quốc vương Thổ Phồn, công chúa Văn Thành mới 17 tuổi. 

Trở thành hóa thân của Bồ Tát 

Văn Thành công chúa gả cho Tùng Tán Cán Bố có thể nói là một sự kiện trọng đại của cả Đại Đường và Tây Tạng. Trước lúc lên đường, công chúa Văn Thành đến kim điện ở hoàng cung khấu tạ ân điển của Hoàng thượng. 

Thái tôn Hoàng đế căn dặn: “Văn Thành, con đi Thổ Phồn chuyến này đường xá xa xôi, trách nhiệm nặng nề. Là công chúa của Thiên triều mà lại gả cho Thổ Phồn, hãy nhớ trách nhiệm của con là giữ cho hai nước bang giao hữu hảo, hoằng dương văn hóa của Thiên triều, giáo hóa dân tộc man rợ. Con hãy đừng để tâm đến được mất của cá nhân, hãy nên đặt hạnh phúc của bách tính Thổ Phiền và Thiên triều ở trong tâm. Ta sẽ phái vua của thành Giang Hạ và tùy tùng tiễn con vào Tây Tạng. Văn Thành, con còn mong cầu gì không?”. 

Bức tượng Tùng Tán Cán Bố cùng công chúa Văn Thành đặt ngay tại cổng vào trấn cổ Songpan (Tây Tạng, Trung Quốc).
 Bức tượng Tùng Tán Cán Bố cùng công chúa Văn Thành đặt ngay tại cổng vào trấn cổ Songpan (Tây Tạng, Trung Quốc).

Công chúa Văn Thành đi vào Tây Tạng cùng với đội tùy tùng, thiên tử Đại Đường ban cho cô rất nhiều của hồi môn và tư trang quý giá,trong đó có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni màu vàng đến nay vẫn được thờ cúng tại Đại Chiêu tự ở Lạp Tát (vùng đất của Thần). Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni này được coi là bảo vật vô giá. Bức tượng này được tạo tác bằng cách dùng Thiên Giới Ngũ Bảo luyện đúc thành khuôn, sau đó chế thành tượng Phật màu hoàng kim. Tượng Phật một tay làm động tác định ấn, một tay ấn hướng xuống đất, biểu thị sự trang nghiêm của nhà Phật.

Ngoài tượng Phật, đi theo công chúa Văn Thành còn có một số lượng lớn người biết kỹ thuật làm nông, thợ mộc, lang trung, dược sư... Họ mang theo hạt giống lương thực đến các khu vực đất đai màu mỡ của cao nguyên, đem nền văn minh tiên tiến của Đại Đường truyền bá đến Thổ Phồn và một số lượng lớn vàng, ngọc, trân bảo.

Công chúa Văn Thành phải trèo đèo, lội suối cực khổ hàng tháng trời mới đến được tỉnh Thanh Hải nơi đầu nguồn của con sông Hoàng Hà. Vua Thổ Phồn đã chờ đợi công chúa ở đó một thời gian dài, bị thu hút bởi vẻ đoan trang, cao quý của công chúa, vua Thổ Phồn lập tức cho tổ chức đại hôn lễ tại kinh thành Lạp Tát. Nhân dân tưng bừng ca hát, nhảy múa chúc mừng hôn lễ, cả kinh thành tràn ngập niềm vui.

Cảnh công chúa Văn Thành rời quê nhà tới đất nước Thổ Phồn (Một cảnh trong vở kịch nói về cuộc đời của công chúa Văn Thành).
Cảnh công chúa Văn Thành rời quê nhà tới đất nước Thổ Phồn (Một cảnh trong vở kịch nói về cuộc đời của công chúa Văn Thành). 

Thời gian trôi đi, công chúa Văn Thành hàng ngày tỉ mỉ chăm chút cho cuộc sống của Tùng Tán Cán Bố, nàng tự mình nấu các món ăn của Đại Đường và may các y phục của Đại Đường. Khi Tùng Tán Cán Bố ăn các món ăn tinh tế do đích thân công chúa nấu, khoác lên thân những y phục của Đại Đường, trong tâm ông vô cùng kinh ngạc, từ đó càng thêm kính trọng và yêu thương nàng. 

Công chúa Văn Thành cũng thường dạy chữ Hán cho Tùng Tán Cán Bố, lúc quốc vương không bận việc triều chính, công chúa thường chơi đàn tỳ bà cho ông nghe những khúc nhạc của triều Đường. Bà cũng thường kể cho Tùng Tán Cán Bố những giai thoại của Trung Nguyên, khiến cho Tùng Tán Cán Bố bị cuốn hút sâu sắc bởi văn hóa triều Đường. 

Công chúa Văn Thành quan sát tỷ mỉ cuộc sống của dân chúng, rồi đề xuất các kiến nghị hợp lý giúp vua Thổ Phồn điều hành quốc gia. Trước khi Tùng Tán Cát Bố đưa ra những quyết sách trọng đại quyết định vận mệnh của quốc gia, công chúa Văn Thành đều đóng góp những ý kiến chân thành và phù hợp. Tuy được Tùng Tán Cán Bố tin tưởng nhưng công chúa không cầu công danh địa vị mà vẫn thiện đãi những thần dân xung quanh, mang lại nhiều lợi ích cho quảng đại dân chúng Tây Tạng, nhờ vậy mà cô nhận được sự ủng hộ của đa số các đại thần của vương triều Thổ Phồn.

Bên cạnh đó, những hồi môn mà công chúa mang theo người đã phát huy tác dụng như người Thổ Phồn áp dụng cách gieo trồng nông nghiệp đưa đến sự thúc đẩy nông nghiệp, hay các thợ thủ công đã tạo ra kỹ thuật luyện kim, sản xuất mực, dệt tơ lụa, trồng dâu nuôi tằm...ở Thổ Phồn. Tất cả góp phần giúp nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

Tại Thổ Phồn, Tùng Tán Cán Bố cho xây dựng chùa và trong đó thờ tượng Phật mà công chúa Văn Thành mang theo khi về làm dâu. Đến nay, trong chùa Đại Chiêu ở Tây Tạng vẫn còn tượng của Tùng Tán Cán Bố và công chúa Văn Thành. Năm 680, công chúa Văn Thành qua đời, người dân Thổ Phồn đã xây nhiều đền thờ bà và đến nay vẫn xem bà là người có công rất lớn với vùng đất này.

Đọc thêm