Trong ngôi nhà chung Báo PLVN

(PLO) - Từ những năm còn là sinh viên trên ghế Trường Đại học Khoa học Huế, tôi đã được tiếp xúc với tờ Báo PLVN trong phòng đọc của Khoa Báo chí Truyền thông. Lật giở những trang báo, tôi ngấu nghiến từng câu chữ suốt 16 trang báo, cũng từ đó tôi có thói quen đọc Báo PLVN mỗi ngày đến trường. 
Phóng viên Ngô Toàn trong một chuyến công tác tại Tương Dương (Nghệ An).
Phóng viên Ngô Toàn trong một chuyến công tác tại Tương Dương (Nghệ An).

Tôi cũng bắt đầu tập tành làm báo, những bài báo đầu tiên được đăng trên Báo PLVN lúc đang là một sinh viên đại học cùng nhiều sinh viên khác có một cảm giác sung sướng khó tả thành lời. Cầm tờ báo đi “khoe chiến tích” khắp cả lớp, bạn bè trầm trồ khen ngợi, tôi càng thích thú hơn. Rồi những tờ báo biếu có những tin, bài cộng tác được đăng gửi về lớp với bì thư có tên tôi đều đặn hơn khiến tôi hãnh diện vô cùng. Và tôi nghĩ, mình có “duyên” với Báo PLVN.

Tốt nghiệp đại học, biết được tâm tư nguyện vọng của tôi, anh Quang Tám (phóng viên thường trú tại Huế) đã giới thiệu tôi về Nghệ An công tác, được những anh chị em trong Văn phòng liên lạc Bắc Trung bộ tạo điều kiện để tôi vào thử việc. Bằng những kiến thức có được trên ghế nhà trường, bằng những bài học từ thế hệ của các anh chị đi trước truyền lại, bằng sức trẻ của mình, tôi đã được lãnh đạo Báo PLVN tạo điều kiện để công tác. Sau thời gian thử việc, tôi được ký hợp đồng lao động với Báo, đó là niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi kể từ ngày tốt nghiệp đại học.

Nắm bắt được chủ trương của tờ báo, cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Biên tập Báo PLVN đặc biệt là Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập, người phụ trách Văn phòng liên lạc Bắc Trung bộ, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Trưởng thành trong cách nhận biết, khai thác đề tài, trưởng thành trong cách tiếp xúc với bạn đọc, trong việc xử lý thông tin, trong cả đời sống thường nhật của bản thân mình. Đặc biệt, được công tác trong một môi trường làm báo chuyên nghiệp, tôi được đào tạo làm báo cho nhật báo, tin bài cho báo điện tử và sản xuất tin bài cho các ấn phẩm phụ của Báo PLVN như Xa lộ Pháp luật, Pháp luật Thời đại, Câu chuyện Pháp luật, Pháp luật Plus… 

Báo đã lớn mạnh từ 16 trang lên 20 trang với những chuyên mục mới, thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của nền báo chí và nhu cầu của bạn đọc. Văn phòng Liên lạc Bắc Trung bộ là nơi tôi được đào tạo, rèn giũa từ ngày mới ra trường, nơi có những người anh, người chị đi trước đã truyền lại cảm hứng cho tôi. Với sự đoàn kết thương yêu, đùm bọc của anh chị em trong văn phòng, rất nhiều, rất nhiều những tác phẩm đã được các anh chị em viết nên để lại tiếng vang và có hiệu ứng xã hội. 

Những chuyến công tác vào Quảng Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội do nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp xúc cử tri được tòa soạn phân công, những tâm tư nguyện vọng của bà con được chuyển tải đến với Quốc hội, bạn đọc. Hay những chuyến công tác vào những bản làng xa xôi hẻo lánh, những vùng đất sát biên giới Việt – Lào để ghi nhận những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Hoặc những chuyến công tác vào những nơi “thâm sơn cùng cốc”, nơi không có điện lưới, không sóng điện thoại, không đường giao thông để ghi nhận đời sống của bà con dân tộc thiểu số… Tất cả đều được chuyển tải lên Báo PLVN đến với bạn đọc, đến với các cơ quan chức năng, để có những quan tâm hơn nữa đến với cuộc sống của người dân.

Ngoài công tác chuyên môn, tôi cùng với một số đồng nghiệp tham gia nhiều hoạt động kêu gọi thiện nguyện khác cho những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh; hay tổ chức Tết Trung thu cho những trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa. 

Để được gắn bó và hết mình với Báo PLVN trong suốt 5 năm qua và cũng như trong tương lai, tôi luôn xem tờ báo như một ngôi nhà chung của mình. Nơi đó có các bác, các chú, các anh chị em luôn tạo điều kiện về mọi mặt để tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

Đọc thêm