Trung Quốc đau đầu trước trào lưu “nằm yên, mặc kệ đời” của giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công việc không phải tất cả, tiền không đi đôi với hạnh phúc và việc khó quá thì buông... trở thành “triết lý sống” của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc hiện nay. Trào lưu “Tang Ping” (躺平 - Thảng bình: ‘thảng’ là ‘nằm’, ‘bình’ là ‘bằng, phẳng’) đang gây ra nhiều lo ngại và đặt ra những thách thức đối với đất nước tỷ dân này.
Trung Quốc đau đầu trước trào lưu “nằm yên, mặc kệ đời” của giới trẻ

Nở rộ trào lưu “nằm yên mặc kệ đời”

Cách đây 5 năm, anh Luo Huazhong nhận ra rằng mình chẳng còn hứng thú làm điều gì hết. Bản thân anh đã bỏ công việc tại một nhà máy để đạp xe về quê sinh sống. Cuộc sống của anh hiện vẫn ổn với các công việc lặt vặt cùng khoản tiết kiệm nhỏ. Không chỉ anh Luo Huazhong, một bộ phận giới trẻ Trung Quốc đang sống theo trào lưu phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của họ với văn hóa làm việc “vắt kiệt sức”. Thay vì cố gắng đạt được những kì vọng mà gia đình, xã hội áp đặt hoặc chống lại tất cả, họ chỉ đơn giản là chọn cách đơn giản hơn - nằm yên.

“Tôi đã không làm việc hơn 2 năm và chỉ... chơi”, Luo Huazhong (31 tuổi) mô tả lối sống mới của mình trên trang cá nhân trên diễn đàn Tieba vào tháng 4 vừa qua. Anh đặt tiêu đề cho bài viết này là “tang ping” hay còn được gọi “Nằm yên mặc kệ là chính nghĩa”, và đính kèm một bức ảnh chụp mình đang nằm trên giường trong một căn phòng có rèm che.

Tác giả bài đăng mô tả bản thân là người thất nghiệp 2 năm qua nhưng điều này chẳng có vấn đề gì cả, thể hiện hành động quyết tâm bỏ qua mọi nỗ lực để hoàn thành một công việc, mục tiêu nào đó. Thay vì bị cuốn vào guồng quay kỳ vọng của xã hội, anh chọn cách “nằm yên”. “Tại vì chưa bao giờ có một xu hướng đề cao tính chủ quan của con người ở đất nước chúng tôi, nên tôi sẽ tạo ra một xu hướng cho riêng mình: Nằm yên mặc kệ sự đời. Chỉ khi nằm xuống, con người mới có thể trở thành thước đo của vạn vật”, người này viết.

Đối với thế hệ trước, thành công trong cuộc sống ở Trung Quốc có nghĩa là làm việc chăm chỉ, kết hôn và sinh con. Và những nỗ lực này đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nhưng giờ đây, khi mọi người bắt đầu làm việc nhiều giờ hơn, giá nhà đất cũng tăng nhanh hơn thu nhập, thì nhiều người trẻ không còn muốn chạy theo cuộc cạnh tranh vật chất. Hiện tại, họ đang thách thức bằng cách từ chối làm việc chăm chỉ.

Mẫu áo Tang ping (mặc kệ đời) trở nên siêu hot được giới trẻ săn lùng.

Mẫu áo Tang ping (mặc kệ đời) trở nên siêu hot được giới trẻ săn lùng.

Cứ như thế, triết lý này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ, không làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội. Thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là “nằm yên một chỗ”.

Một số người cho rằng đó chỉ đơn giản là sự lười biếng. Những người khác lại cho rằng đây là kết quả không thể tránh khỏi, khi mọi người đã làm việc quá vất vả và mệt mỏi tới mức họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ. Triết lý này hiện đang được nhiều người trẻ tại Trung Quốc ủng hộ và áp dụng, vì họ cho rằng cuộc sống ngày càng khó khăn khi giá cả leo thang, làm việc nhiều nhưng đồng lương lại ít ỏi.

Mục tiêu của họ là: “Với một ngày công, bạn có thể có được niềm vui trong 3 ngày”. “Bí quyết” của họ là ngủ trong công viên, ăn mỳ ăn liền và ngồi lỳ trong các quán cung cấp dịch vụ internet cho tới khi nhẵn túi. Vì lẽ đó nên họ thường chọn những công việc làm ngắn hạn, thậm chí là nhận lương ngay trong ngày.

Cụm từ được nhắc tới với tần suất cao thời gian gần đây trên mạng Internet Trung Quốc đã khiến “tang ping” trở thành một từ thông dụng trong giới trẻ Trung Quốc. Trên nền tảng Douban, một nhóm có tên “Lying Down Group” thu hút gần 6.000 thành viên. Bài đăng nhận được nhiều sự quan tâm trên nhóm này là “Hướng dẫn cách nằm xuống”, trong đó liệt kê các bước để chấp nhận những thiếu sót của bản thân thay vì cố thay đổi, tiền bạc không liên quan tới hạnh phúc và “khó quá thì mạnh dạn cho qua”.

“Theo tiêu chuẩn chung của xã hội, một lối sống chuẩn chỉnh phải bao gồm làm việc chăm chỉ, sự nghiệp thành công, phấn đấu mua nhà, xe hơi rồi kết hôn, sinh con. Tuy nhiên, tôi không quan tâm tới quan điểm đó, tôi cũng từ chối làm thêm giờ, không cần thăng chức và cũng không hào hứng với những chuyện vụn vặt ở công ty”, Wendy - một thành viên năng nổ trong nhóm cho hay.

Tangping- nằm yên, mặc kệ đời.

Tangping- nằm yên, mặc kệ đời.

“Nằm yên mặc kệ” có nghĩa là từ bỏ hôn nhân, không sinh con, không tìm việc làm và trốn tránh các nhu cầu vật chất như nhà cửa, xe cộ. Điều này rõ ràng là trái với yêu cầu mà chính phủ Trung Quốc đang muốn người dân làm. Nhưng Lợi Ngang Đinh không quan tâm.

Anh Lợi Ngang Đinh năm nay 22 tuổi, đã “nằm yên mặc kệ” gần 3 tháng và coi hành động này là sự phản kháng thầm lặng. Vào tháng 3 vừa qua, anh đã bỏ học năm cuối đại học vì không thích chuyên ngành Khoa học máy tính mà bố mẹ chọn. Sau khi nghỉ học, Lợi Ngang Đinh dùng tiền tiết kiệm để thuê nhà ở Thâm Quyến. Anh cố gắng tìm một công việc văn phòng bình thường, nhưng nhận thấy hầu như công việc nào cũng yêu cầu làm việc trong nhiều giờ đồng hồ. “Tôi muốn có một công việc ổn định, nơi mà tôi có thời gian để thư giãn, nhưng không biết tìm kiếm ở đâu”, anh nói.

Lợi Ngang Đinh tin rằng, những người trẻ tuổi nên làm việc chăm chỉ cho những gì họ thích, thay vì làm việc “996” (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần). Anh đã quá chán nản với việc này và quyết định nằm yên. “Thành thật mà nói, tôi thực sự thoải mái khi nằm yên thế này. Tôi không muốn làm khó chính mình như thế”, anh nói.

Để trang trải cuộc sống, Lợi Ngang Đinh kiếm tiền bằng cách chơi game và giảm thiểu các khoản chi tiêu, chẳng hạn như bỏ món trà sủi bọt yêu thích. Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, anh cho biết: “Đợi khoảng nửa năm sau hãy hỏi lại tôi, lúc đó tôi mới tính tiếp”.

Bị lên án dữ dội

Thời gian gần đây, từ những nhân viên công sở ở các thành phố lớn cho đến sinh viên đại học, cả một đội quân những người trẻ thất chí ở Trung Quốc đang lên mạng xã hội và Internet phát đi những thông điệp trong vài tháng gần đây, tuyên bố họ là “thế hệ trẻ tang ping”. Trên khắp Trung Quốc, áo phông in những khẩu hiệu như “Không làm gì ngoài nằm yên” đã cháy hàng. Nhà chức trách nhiều địa phương đang cố gắng khắc phục hiện tượng này do lo ngại nó có thể thách thức trật tự kinh tế-xã hội hiện có.

Theo nhận định của Tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu (Phó Giáo sư ở Đại học Thâm Quyến), hiện nay giới chức Trung Quốc đang “nóng ruột” trước thái độ “tang ping” của một bộ phận người dân. “Nếu tình trạng này lan rộng, nó sẽ tác động đến kỳ vọng của người trẻ đối với tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng, hôn nhân và sinh con - điều này sẽ gây bất lợi cho khả năng tránh bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc, khi tăng trưởng và thu nhập bị đình trệ”.

Lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình về một xã hội “trong đó mọi người đều tham gia”, và việc ông nhấn mạnh rằng mọi người không “tang ping”, đã được công bố chỉ 3 ngày trước khi Trung Quốc thông báo tăng trưởng GDP trong quý 3 năm nay đã chậm lại, xuống mức tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Trào lưu thờ ơ vô cảm của giới trẻ khiến chính quyền Trung Quốc đau đầu.

Trào lưu thờ ơ vô cảm của giới trẻ khiến chính quyền Trung Quốc đau đầu.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có sự phục hồi ấn tượng từ đại dịch Covid-19 nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm sự sụt giảm ở lĩnh vực bất động sản, khủng hoảng năng lượng, tâm lý tiêu dùng yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Chủ tịch Tập Cận Bình thời gian qua cũng đã giới thiệu khái niệm “thịnh vượng chung”. Ông nói rằng đã đến lúc Trung Quốc xúc tiến thực hiện mục tiêu giúp tất cả người dân được chia sẻ cơ hội trở nên sung túc.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nỗ lực để đưa mọi người trở lại với luồng tư duy “chính thống” và lối sống này lại đang bị lên án cực dữ dội. Theo SCMP, về dài hạn, “tang ping” không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng của Trung Quốc, mà còn tác động đến tỷ lệ sinh đẻ vốn đang xuống thấp ở nước này và đang đe dọa hệ thống phúc lợi xã hội. Các nhà tâm lý học và các bác sĩ cảnh báo trào lưu “bất hoạt” kéo dài làm gia tăng rủi ro cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, bao gồm các bệnh lý về tim hay trầm cảm.

Nhật báo Quang Minh có trụ sở ở Bắc Kinh bày tỏ quan điểm: “Cộng đồng ‘tang ping’ rõ ràng là không tốt cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc”. Trong khi đó, tờ Nanfang Daily (có trụ sở tại Quảng Châu) cho hay: “Dù thế nào đi nữa, những người trẻ tuổi phải có niềm tin vào tương lai. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, với nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường khổng lồ. Cuộc sống hạnh phúc nếu chúng ta chăm chỉ”.

Huang Ping (Giáo sư Văn học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, chuyên nghiên cứu văn hóa thanh niên) cho biết, các phương tiện truyền thông nhà nước có thể lo ngại về lối sống “tang ping” vì có khả năng đe dọa năng suất lao động nếu mọi người đều ngừng làm việc.

Lối sống “tang ping” sẽ đe dọa đến cuộc sống của giới trẻ, nó đi ngược lại với quy luật tiến hóa và còn là mối nguy hại lớn cho xã hội. Chính phủ cho rằng ý tưởng “nằm yên mặc kệ” là mối đe dọa đối với sự ổn định của đất nước. Các nhà kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội đã xóa nhóm “nằm yên” với hơn 9.000 thành viên trên Douban (một diễn đàn nổi tiếng).

Theo New York Times, vào tháng 5 năm nay, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc đã lệnh cho các nền tảng trực tuyến kiểm soát chặt chẽ các chủ đề có liên quan đến “nằm yên”. Một chỉ thị khác yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử ngừng bán quần áo, vỏ điện thoại di động và các hàng hóa khác có nhãn hiệu “nằm yên”.

Các phương tiện truyền thông chính thức gọi đây là “điều đáng xấu hổ”, và một tờ báo đã cảnh báo không nên “nằm yên” trước khi trở nên giàu có. Tỷ phú nổi tiếng Du Mẫn Hồng cũng kêu gọi giới trẻ không nên “nằm yên”, nếu không ai sẽ là người làm nên tương lai của đất nước?

Tuy vậy, “tang ping” cũng là một phản ứng có lý khi thế hệ trẻ thực sự cảm thấy áp lực với cuộc sống và xã hội hiện tại. Đại dịch, thất nghiệp, giá cả tăng vọt... là những nguyên nhân khách quan đè nặng lên đôi vai họ. Chưa kể tới áp lực gia đình, những quy chuẩn mà xã hội vẽ lên rồi quy chụp vào mỗi cá nhân kể từ khi họ ra đời.

Xiang Biao - Giáo sư Nhân chủng học xã hội tại Đại học Oxford, chuyên về Xã hội Trung Quốc nói rằng, văn hoá “nằm yên” là một bước ngoặt đối với Trung Quốc. Ông nói: “Chính người trẻ cũng cảm thấy áp lực này, có một điều gì đó không được giải thích rõ ràng. Họ cảm thấy những lời hứa như bị phá vỡ. Và mọi người nhận ra rằng sự giàu có về mặt vật chất không còn là mục đích duy nhất trong cuộc sống”.

Đọc thêm