“Người điên” tâm huyết với dòng tranh truyền thống
Sinh ra và lớn lên trong gia đình theo nghề làm tranh, đến thế hệ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cũng đã được 9 đời. Đến nay cũng đã hơn 600 năm, đây được xem là một trong những nghề có niên đại cổ nhất ở đất Phú Xuân xưa. Những năm tuổi thơ, ông Phước phải lặn lội làm nhiều nghề trang trải cho cuộc sống nhưng nghề mà ông tâm huyết nhất vẫn là nghề làm tranh gia truyền của cha ông để lại. Quá trình mày mò, ông đã sử dụng “bí quyết” dùng rễ cây rứa để làm bút vẽ tranh- mỗi cây cọ làm từ rễ rứa rất bền.
Vẽ tranh làng Sình rất công phu. Chỉ duy nhất việc tìm màu để vẽ tranh mới đòi hỏi sự nhọc công và tính kiên trì của người thợ. Màu tranh phải được làm bằng màu tự nhiên, được chiết xuất từ các loại cây khác nhau, mỗi cây đều được tìm ở những địa điểm, khu vực khác nhau. Ví như muốn chiết xuất ra màu đỏ thì tôi phải vào tận rừng sâu, lên tận đồi cao để tìm rễ cây Van từ đó bỏ vào nồi đất nấu hàng giờ liền mới lấy được màu đỏ tươi tự nhiên.
Hay đối với màu xanh lục thì lại cực khổ hơn nữa, tôi phải đi đến tận các khe suối, ở đó có một cây Giành Giành, cây đó nở hoa chỉ vào những ngày đầu tháng tư âm lịch, phải canh đến khoảng thời gian đó mới tìm được loài hoa này để chiết xuất ra màu xanh lục. Còn đối với màu tím thì được chế từ hạt mồng tơi giã nhỏ, vắt thành nước pha với phèn chua để giữ màu. Màu chàm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rữa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại.
Bên cạnh đó giấy vẽ phải được làm bằng giấy dó rất tinh xảo kết hợp với chất liệu hồ điệp được ông Phước lặn lội đến tận đầm cầu Hai tìm về. Sau đó, tranh bôi một lớp mỏng lên trên giấy từ đó giúp bám màu và làm màu không bị phai chính vì lẽ đó mà nhiều bức tranh vẫn còn được gìn giữ đến hàng chục năm.
Sau những năm mới giải phóng, đất nước lúc ấy còn gặp nhiều khó khăn. Đa phần nhiều làng nghề đều bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm hoạt động, tranh làng Sình cũng không ngoại lệ. Ngày ấy, ông Phước vẫn tâm niệm rằng, bà con xóm làng vẫn còn duy trì nét tín ngưỡng tâm linh rất lớn, đa phần người dân ở khu vực quanh đó đều duy trì tục lệ cúng cấp và rất nhiều những phong tục liên quan. Vậy là cùng với tình yêu nghề hun đúc sẵn trong lòng, ông quyết định làm tranh “chui” để bán. Lo sợ bị phát hiện, ông quyết định quấn chặt những bức tranh trong người và bên ngoài quấn chặt chiếc áo lạnh để phòng tranh khỏi rơi. Cứ thế, khắp các thôn, làng trong vùng đều có bước chân ông.
Bằng khen được Nhà nước và chính quyền địa phương trao tặng cho những đóng góp của ông đối với nghề truyền thống tranh làng Sình. |
Đi đến đâu người ta cũng đều nghĩ ông bị điên vì chẳng có ai điên mà mặc áo ấm mùa hè, cứ thế người ta đều xa lánh, ít tiếp xúc. Thấy một người đàn ông hay nhìn ông với thái độ khác lạ, ông đến thì thầm với người đó rằng: “tôi bán tranh hình nhân thế mạng”, vậy là người đàn ông ấy kéo ông vào và mua hết số tranh ấy. Người ấy còn nói, tôi cần số tranh này vì tôi sống tâm linh và tôi mua hết số tranh của ông để phát thêm cho bà con quanh đây vào đêm khuya. Đa phần người dân ở đây tin người âm lắm nên đa phần đều tìm mua tranh này nhưng tiếc thay bữa nay chẳng ai dám bán “tranh hình nhân thế mạng”. Theo lời kể thì được biết “Tranh hình nhân thế mạng” là một trong những bức tranh được sử dụng để thờ cúng, tranh vẽ nam, nữ, gái, trai theo từng độ tuổi, trên đó người viết tên tuổi, quê quán, niên canh rồi đốt đi để cúng bái cầu an lành, xua tan hoạn nạn.
Cũng từ đó, ý niệm trong đầu càng thôi thúc ông quyết định tận tâm với nghề, rong ruổi khắp nẻo đường bán những bức tranh phục vụ đời sống tín ngưỡng của người dân. Cái nghề này theo ông đến tận hôm nay thực ra chỉ đơn giản bằng niềm tin được hun đúc từ bao thế hệ cha ông đi trước, được chắt lọc từ sự kiên trì, nhẫn nại và hơn hết là cái tâm tận tụy với nghề…
Truyền nhân hồi sinh cho làng nghề
Đến năm 1986, những làng nghề truyền thống ở Huế đang ngày càng mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền lại có cơ hội được hồi sinh nhờ chính sách bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong dân gian của Đảng và Nhà nước. Cũng từ đó, nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông quyết định tìm tòi, khắc họa và phục dựng lại những bản in họa tiết đã thất truyền trước đây.
Mãi đến năm 2002 là đỉnh điểm của dấu hiệu hồi sinh của tranh làng Sình. Nhằm phục vụ cho Festival nghề Truyền thống Huế lần đầu tiên được tổ chức. Người dân làng Sình được khuyến khích phát triển nghề truyền thống của làng từ đó quảng bá làng nghề đến du khách trong và ngoài nước. Qua đó, đem lại cho làng nghề những bước phát triển mới trong tương lai.
Nắm bắt cơ hội đó, ông quyết định tìm tòi, đổi mới những bản khắc cũ để làm đa dạng hơn số lượng mẫu mã sản phẩm tranh hiện tại. Bên cạnh đó, ông còn không ngại chia sẻ những bản khắc của mình cho bà con trong làng để họ học hỏi, chế tác cùng chung tay phát triển nghề. Khi ông Phước được hỏi vì sao lại chia sẻ bí quyết làm nghề của mình cho người dân mà không cất giữ để làm độc quyền cho riêng bản thân mình, ông vui vẻ trả lời rằng: “Sở dĩ bản thân tôi không giữ lại nghề vì đây là nghề cổ truyền của làng và bao thế hệ nhà tôi là con dân của làng này, nếu tôi giữ lại nghề này thì đây là nghề của riêng tôi nhưng hơn hết tôi muốn chia sẻ cho mọi người với hy vọng nghề này sẽ phát triển và từ đó giúp người dân cải thiện cuộc sống của mình”.
Bản khắc gỗ chân dung cùng bản khắc 12 con giáp. |
Nghề chế tác tranh làng Sình nhìn chung đã có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 600 năm. Tuy nhiên đến nay người dân ở đây vẫn còn lưu giữ được cái gốc sơ khai của nghề từ chất liệu chế tác cho đến họa tiết trang trí cổ.
Từ những chất liệu màu khai thác, vận dụng được từ thảm thực vật trong tự nhiên. Ông Phước còn chú trọng khắc những bản khắc về những mẫu hình nhân thế mạng khác nhau bên cạnh đó là những con vật trong thập nhị giáp để làm tăng tính đa dạng cũng như đáp ứng được nhu cầu của khách mua tranh.
Hiện nay tranh của Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước bao gồm 3 mảng đề tài chính: tranh hình nhân thế mạng, tranh động vật và tranh sinh hoạt. Ngoài 2 mảng tranh đầu tiên được khắc bằng khuôn mẫu rồi in bằng mực tàu thì tranh sinh hoạt hiện nay được ông chú trọng đầu tư nhất. Tranh sinh hoạt vốn phác họa đời sống sinh hoạt của người dân quê chân lắm tay bùn với chủ đạo là hình ảnh bông lúa và con trâu. Bên cạnh đó, ông còn sáng tạo nhiều chủ đề tranh khác nhau như phụ nữ, trẻ em, vật làng...Tất cả đều dựa trên nền tảng truyền thống đặc trưng của tranh làng Sinh đó là màu sắc và chất liệu giấy. Những tác phẩm tranh sinh hoạt của ông phần nhiều đều được giới mỹ thuật và giới nghiên cứu đánh giá rất cao về tính sáng tạo trong tạo hình cũng như trong việc phác họa yếu tố tín ngưỡng tâm linh, đặc trưng của vùng miền xứ Huế.
Trải qua hơn 10 năm đầu tư tâm huyết phát triển nghề vẽ tranh Làng sình, ông Phước đã được nhà nước, chính quyền địa phương trao tặng nhiều bằng khen cũng như ghi nhận những đóng góp tiên phong của ông trong việc gây dựng lại một làng nghề cổ hàng trăm năm tuổi ở Huế.
Chính ông Phước cũng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi thực chất làm cái nghề này không phải vì bản thân, mà là vì cha ông tôi 9 đời truyền nghề đến nay, tôi không muốn đến đời tôi lại thất truyền. Cùng với đó, việc dân làng đều tâm huyết và tin yêu với nghề làm tôi cảm thấy hạnh phúc, bất cứ khi nào người dân muốn tôi chỉ dạy làm nghề tôi đều sẵn sàng chỉ dạy mà không giấu diếm bất kỳ điều gì”.