Có nên bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích?

(PLO) - Bồi thường thiệt hại về tinh thần và mức hoàn trả của người thi hành công vụ là hai nội dung lớn, được nhiều Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Đại biểu  Đào Tú Hoa (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường

Không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự kể cả trong trường hợp người đó còn sống, bởi vì trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết. 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khoản 4 Điều 27 của dự thảo Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết. Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng. Vì vậy, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan. 

ĐB Bùi Văn Xuyền, Thái Bình nhận xét quy định nói trên đảm bảo được tính khả thi của luật trên tất cả các phương diện và cũng phù hợp với quy định tại Điều 951 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, mức bồi thường bằng 360 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định cũng đã gấp tới 3 lần quy định tại Điều 591 của Bộ luật Dân sự nên cần có giải trình cho cụ thể hơn.

ĐB Đào Tú Hoa, Hà Nội tán thành chỉ quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết.  Bởi, đây là khoản tiền bồi thường cho người bị oan nhưng do người đó đã chết nên những người thừa kế được hưởng. Còn nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị oan trong trường hợp người bị oan còn sống thì khó có cơ sở cho việc giải thích. Cũng không có căn cứ để xác định mức bồi thường và quy định mức bồi thường cho từng đối tượng đó. Còn nếu bồi thường cho tất cả những người thừa kế theo quy định của pháp luật thì việc xác định số lượng người thừa kế và người thừa kế là vô cùng phức tạp

Về cách tính thiệt hại, ĐB Trương Thị Yên Linh, Cà Mau phân tích, theo quy định tại Điều 24, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút thì cách tính thiệt hại ở đây là căn cứ theo ngày lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chi trong 26 ngày, còn cách tính thiệt hại về tinh thần tại Điều 27 thì lại căn cứ vào ngày lương cơ sở được xác định là một tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày. ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ vì sao có sự khác biệt này và cũng cần nghiên cứu quy định làm sao đảm bảo tính thống nhất trong dự án luật. 

Không nên quy định mức hoàn trả theo số tháng lương 

Về mức hoàn trả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết,  nhiều ý kiến tán thành quy định rõ về mức hoàn trả ngay trong Luật này; có ý kiến đề nghị giải trình quy định về mức hoàn trả cụ thể, căn cứ xác định mức hoàn trả, xác định mức độ gây thiệt hại của từng người thi hành công vụ. Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp thuộc trách nhiệm của nhiều người tiến hành tố tụng; quy định cụ thể về Hội đồng xác định trách nhiệm hoàn trả.

ĐB Nguyễn Thị Thủy, Bắc Kạn nhận định, nếu chỉ quy định chung thì rất khó trong thực tiễn, vì đối với một vụ án hình sự thì xác định như thế nào gọi là có nhiều công chức nhiều cơ quan cùng gây ra oan hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau. Thay vì quy định mang tính nguyên tắc như dự thảo, ĐB đề nghị quy định theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã quyết định việc bắt tạm giữ, tạm giam, khởi tố kết luận điều tra có tội truy tố bị cáo ra tòa xét xử tuyên người đó có tội mà sau này được xác định là oan thì tất cả những người này phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách nhà nước.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà, Ninh Thuận thì đề nghị không quy định mức hoàn trả theo số tháng lương của người thi hành công vụ tại thời điểm có quyết định hoàn trả mà quy định theo tỷ lệ phần trăm, số tiền công chức phải trả trên tổng số tiền nhà nước phải chi trả bồi thường để nhằm thu hồi lại một khoản tiền tương đối hợp lý so với số tiền nhà nước đã phải chi trả cho bồi thường. Với việc xác định nghĩa vụ hoàn trả và mức hoàn trả của người thi hành công vụ nhằm đảm bảo sự công bằng giữa những người thi hành công vụ ở các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, tăng tính răn đe đối với người thi hành công vụ, thu hồi về cho nhà nước số tiền lớn hơn so với việc thi hành luật hiện hành.

Đọc thêm