Có nên thành lập cảnh sát du lịch?

(PLO) -Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp cùng những lợi thế đáng kể về du lịch khác nhưng hiện nay lượng khách du lịch tìm đến nước ta vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng. Không những thế, các thống kê cho thấy đa số du khách đến Việt Nam đều “một đi không trở lại”.
Hình minh họa
Hình minh họa

Rất nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng đáng buồn này, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đang được trình ra Quốc hội (QH) đã đưa ra nhiều đề xuất giải pháp, trong đó có việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. 

Theo thống kê, năm 2015, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,94 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với 355.000 buồng.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ngành du lịch đang đóng góp 6,6% GDP cả nước, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp đến 2,25 triệu người, giá trị xuất khẩu đến 8,5 tỷ USD. 

Tuy nhiên, thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi) mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng cho rằng Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, như đất nước có nhiều cảnh quan đẹp, văn hóa và con người đặc sắc; chi phí ăn, ở đi lại rẻ nhưng du lịch chưa phát triển xứng tầm, lượng khách du lịch vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Không những thế, theo Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, do hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung còn thấp, ít có những tour cao cấp mà chủ yếu là khách đại trà, du lịch ba lô, tự phát nên khách khi vào nước ta chủ yếu sử dụng máy bay của nước ngoài, khách sạn của nước ngoài. Các dịch vụ ăn ở, đi lại cũng do các công ty liên doanh với nước ngoài tổ chức.

Do đó, nguồn lợi mà ngành du lịch nước ta thu về không nhiều, chưa xứng với triển vọng của một ngành kinh tế mũi nhọn mà ngành du lịch đang hướng đến vào năm 2020.

Thảo luận về tình trạng của ngành du lịch, nhiều ĐB đặc biệt lo ngại về việc đa số khách du lịch khi đến Việt Nam đều không quay trở lại – mà theo con số được đưa ra là 70% khách. Nguyên nhân của hiện tượng này được chỉ ra vì 7 nỗi sợ: sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục được tình trạng trên, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng ngành du lịch nước ta thời gian tới cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.  Đặc biệt, nhiều ĐB đề nghị cần phải lập lực lượng cảnh sát du lịch để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. 

Theo dự án Luật Du lịch (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch soạn thảo đang được trình ra QH, để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, Khoản 2, Điều 14 của dự thảo Luật quy định “căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch”.

Góp ý về quy định trên, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng dù dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh có quyền quyết định thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ du khách nhưng nếu lực lượng này vẫn giữ vai trò như thanh tra du lịch, thanh tra văn hóa trước đây thì khó đảm đương yêu cầu công việc.

Do vậy, bà Tuyết đề nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để đảm trách nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ du khách tại các địa bàn trọng điểm. “Có như thế mới đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn cho du khách và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Đồng tình với đề xuất lập lực lượng cảnh sát du lịch, ĐB Dương Ngọc Hải (TP HCM) cho rằng việc lập cảnh sát du lịch sẽ góp phần xóa những nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam như gây rối, chèo kéo… vốn là những nguyên nhân khiến nhiều khách quốc tế một lần tới Việt Nam rồi không quay trở lại.

 Băn khoăn về quy định hướng dẫn viên

Góp ý về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), nhiều ĐB cũng nêu ý kiến về quy định liên quan đến điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên theo chương trình du lịch tại Việt Nam.

Theo ĐB Tuyết, hiện nay đã xuất hiện tình trạng người nước ngoài sang du lịch tại Việt Nam rồi ở lại làm hướng dẫn viên du lịch luôn. Bà Tuyết cho rằng việc người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch chỉ đưa khách vào các nhà hàng, điểm mua sắm của người nước họ gây ra tình trạng cạnh tranh không sòng phẳng, không kiểm soát được nội dung giới thiệu về văn hóa, lịch sử cho du khách …

Do vậy, bà Tuyết đề nghị dự thảo Luật nên quy định rõ: không cho doanh nghiệp nước ngoài đưa hướng dẫn viên vào hoạt động tại Việt Nam để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động không thua lỗ ngay trên sân nhà.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng đề nghị quy định rõ hướng dẫn viên du lịch phải là người Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam, am hiểu về Việt Nam để tránh tình trạng như hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước ta hay những hướng dẫn viên có hành động ảnh hưởng đến chính trị, an ninh hay có thể là gián điệp trà trộn vào hướng dẫn viên du lịch để tiếp cận vùng cấm, quốc phòng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. 

Cũng băn khoăn về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng về vụ việc du khách Trung Quốc đốt tiền Việt Nam và đề nghị dự thảo Luật phải quy định rõ nghiêm cấm hành vi xâm hại danh dự, thể diện quốc gia và nhân dân Việt Nam.

“Ngược lại, cũng phải có chế tài xử lý đối với trường hợp du khách Việt Nam có hành vi có thể không vi phạm pháp luật nhưng làm xấu danh dự, thể diện quốc gia. Điều này sẽ làm gia tăng thiện cảm của du khách quốc tế đối với Việt Nam, khiến họ đến Việt Nam nhiều hơn”, ĐB Nghĩa nói.

Đọc thêm