Đề xuất hỗ trợ phí học nghề cho học viên cai nghiện

(PLO) -  Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma tuý bắt buộc tại gia đình và cộng đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Dự thảo đề xuất cụ thể nội dung, mức chi thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở quản lý người nghiện ma túy bắt buộc. Theo đó, chi hỗ trợ các tổ chức xã hội, cơ sở xã hội quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Chi hỗ trợ trực tiếp cho người của tổ chức xã hội, cơ sở xã hội được phân công quản lý, giúp đỡ người nghiện, đối với phụ trách đơn vị, y sỹ, bác sỹ điều trị 150.000 đồng/người/ngày; đối với điều dưỡng viên, bảo vệ 100.000 đồng/người/ngày.

Chi hỗ trợ cho người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lưu trú tại tổ chức xã hội, cơ sở xã hội: Tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày; tiền thuốc chữa bệnh thông thường 50.000 đồng/người/tháng. Trường hợp trong thời gian lưu trú theo chỉ định của bác sỹ phải điều trị cắt cơn tại tổ chức xã hội, cơ sở xã hội: Mức tối đa 650.000 đồng/người; quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết mức 400.000 đồng/người; tiền điện, nước sinh hoạt 80.000 đồng/người/tháng…

Về hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, dự thảo đề xuất, học viên chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học. Căn cứ trình độ và năng lực của học viên; điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở và tình hình thực tế, Thủ trưởng cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc quyết định hình thức học nghề cho phù hợp.

Mức hỗ trợ cụ thể tùy theo từng đối tượng, từng nghề, thời gian học thực tế và hình thức học nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng; không hỗ trợ tiền học nghề cho học viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ lần thứ hai trở đi đã được học nghề.

Đối với học viên bị nhiễm HIV/AIDS, ngoài các chế độ hỗ trợ nêu trên còn được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 96/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam.

Đọc thêm