“Hoạn Thư” thế nào để không trái pháp luật?

(PLO) - Thời gian gần đây một loạt các vụ đáng ghen với hành vi man rợ như xát ớt vào vùng kín tình địch đã được đăng tải trên mạng. Ngoại tình xưa nay không phải là chuyện được cổ xúy và ghen tuông cũng là lẽ thường tình của con người. Tuy nhiên, khi đã bị đẩy vào “tình cảnh Hoạn Thư”, có nhiều cách ghen tuông có văn hóa, không trái pháp luật…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không hiếm dù man rợ

Sáng 18/7, mạng xã hội rầm rộ chia sẻ nhau hình ảnh vụ đánh ghen kinh hoàng được cho là xảy ra ở Thái Nguyên.  Trong clip, người vợ đang mang thai đã cùng bạn bè bắt được chồng cùng nhân tình vào nhà nghỉ, đánh ghen bằng cách bóp nát ớt chỉ thiên xát vào vùng kín tình địch. Theo chia sẻ, lý do dẫn đến màn đánh ghen kinh hoàng này vì chị vợ tức giận khi cô bồ ngang ngược, dám thách thức mình. Xem clip không ít người phản đối cách làm hành xử xát ớt vào vùng kín của cô vợ, họ bình luận: “Là con người với nhau sao có thể hành động như thế. Ai sai thì có pháp luật xử lý chứ đừng xâm hại người khác như thế”. 

Trước đó, ngày 24/2, hàng loạt trang diễn đàn chia sẻ về một vụ đánh ghen xát muối ớt vào vùng kín của tình địch gây chấn động cộng đồng mạng. Người phụ nữ trong clip đeo găng tay và xát muối ớt vào vùng kín của tình địch mặc cho cô gái bị đánh ghen gào khóc, người phụ nữ đi đánh ghen vẫn không dừng tay chỉ cho đến khi nhiều người ra can ngăn thì cô gái mới được giải thoát. 

Tháng 3/2016, một đoạn clip dài 3 phút quay lại cảnh đánh ghen của một người phụ nữ đi cùng với bạn mình chặn đường cô gái trẻ tuổi được cho là bồ nhí của chồng để dằn mặt ngay trên vỉa hè bằng cách xát muối vào vùng kín của tình địch khiến cô gái trẻ vùng vẫy trong đau đớn cũng đã được đăng tải trên mạng...  

“Đánh ghen” thế nào cho đúng luật?

Ngoại tình xưa nay không phải là chuyện được cổ xúy và ghen tuông cũng là lẽ thường tình của con người. Tuy nhiên, khi đã bị đẩy vào “tình cảnh Hoạn Thư”, có nhiều cách ghen tuông có văn hóa, không trái pháp luật và đương nhiên những màn đánh ghen với hình thức man rợ như các vụ đánh ghen trên đây thì không nên được cổ xúy. 

Trả lời một bức thư của thân chủ “Anh rể tôi khá lăng nhăng, thường xuyên ngoại tình, dù vợ đã nhiều lần tha thứ nhưng chứng nào tật ấy. Hiện, anh rể đã chuyển sang ở hẳn với một người tình, không quan tâm đến vợ con. Chị tôi rất bức xúc và muốn qua chỗ họ để làm cho ra nhẽ. Trong trường hợp này, ghen thế nào để không bị khép tội làm nhục người khác hay gây rối trật tự công cộng”, Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội trả lời, đánh ghen không phải là khái niệm được pháp luật quy định, chỉ là tên gọi do người dân tự đặt ra để chỉ hành vi bằng lời nói hoặc hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ/chồng của mình... hoặc các đối tượng có liên quan khác. Pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc “đánh ghen”, cũng như không quy định thế nào là “đánh ghen” hợp pháp. 

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người thực hiện việc “đánh ghen” có hành vi bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự (nếu có). Cụ thể, thay vì “đánh ghen” có thể chọn cách giải quyết phù hợp hơn là thu thập chứng cứ về việc ngoại tình của anh chồng và cô gái kia, sau đó tố cáo đến cơ quan công an hoặc Chủ tịch UBND cấp xã/phường để các cơ quan này xem xét xử lý hành chính (theo Nghị định 67/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo quy định của Bộ luật Hình sự với hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm).

Cũng theo Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, pháp luật hình sự Việt Nam không có quy định về tội “đánh ghen”. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp đánh ghen mà người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự vì những tội khác như: tội Làm nhục người khác, tội Cố ý gây thương tích, tội Gây rối trật tự công cộng… Thế nên lời khuyên cho tất cả mọi người là tuyệt đối không được nghĩ tới việc hành hung tình địch, càng không được tìm cách để hạ nhục tình địch như lột quần xé áo, xát ớt vào vùng kín, đe dọa tung ảnh nóng… 

Lập vi bằng chứng cứ ngoại tình

Sau khi các clip đánh ghen được chia sẻ trên mạng, nhiều người đã khẳng định chứng cứ ngoại tình là tình tiết quan trọng để pháp luật có thể xử phạt người vi phạm. Để có thể theo dõi, thu thập chứng cứ ngoại tình sau đó tiến hành tố cáo đến các cơ quan chức năng theo quy định của luật, cần nhờ đến cơ quan Thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận sự kiện hành vi theo quy định tại Văn bản hợp nhất 7821/VBHN-BTP. Đương nhiên Thừa phát lại không có quyền ập vào phòng khi hai người kia đang “tòm tem” với nhau. Mà họ có quyền ghi nhận trong khoảng thời gian đó, hai người đó đi đến đâu, làm gì, sống chung như thế nào… Vi bằng mà Thừa phát lại lập có giá trị pháp lý khi tranh tụng trước tòa cũng như có giá trị làm bằng chứng khi tiến hành tố cáo.

Đọc thêm