Khi nào được sao chép, trích dẫn đường link các tin, bài báo?

(PLVN) - Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết, việc cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí được hiểu là các hành vi như sao chép các tin, bài hoặc cung cấp đường dẫn tới các tin, bài của cơ quan báo chí đã đăng tải.
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. 

Tại khoản đ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: cấm cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Ông Nguyễn Thành Chung cho biết, việc cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí được hiểu là các hành vi như sao chép các tin, bài hoặc cung cấp đường dẫn tới các tin, bài của cơ quan báo chí đã đăng tải.

Tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả có bao gồm tác phẩm báo chí và tác phẩm này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Đồng thời tại Điều 15 của Luật này cũng quy định "tin tức thời sự thuần túy đưa tin" không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.

Tại Điều 19 của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có quy định "tin tức thời sự thuần túy đưa tin là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo".

Tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định một số trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, theo đó cho phép sao chép tác phẩm cho mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc trích dẫn hợp lý để minh họa cho tác phẩm của mình mà không làm sai ý của tác giả.

"Hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều các tin, bài trên các báo không chỉ là đưa tin thuần túy mà người viết, tác giả đã bổ sung, đưa thêm vào các nội dung, hình ảnh ấn tượng, cuốn hút, mang tính sáng tạo nên được coi là những sản phẩm tin tức có tính sáng tạo, không còn là tin tức thuần túy" - ông Chung nói - "Do đó, khi sao chép các tin, bài này cần phải được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (tức là của tác giả bài báo, của tòa soạn), như trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp muốn dẫn lại nguồn tin từ các báo thì bắt buộc phải có thỏa thuận nguồn tin.

Trường hợp chỉ trích dẫn đường link (đường liên kết) dẫn tới tin, bài báo chí khi bình luận thì cũng phải bảo đảm không làm sai ý tác giả.

Đọc thêm