Lo sợ mất trắng món nợ “khủng” vì người vay thay tên, đổi họ

(PLO) - Năm 2014, qua mạng xã hội, anh Michel Hoàng (39 tuổi, Việt kiều Pháp) quen và yêu cô gái Vũ Kim Thanh (22 tuổi, sống tại Hà Nội), làm nghề bán hàng thời trang. Thanh tâm sự cô không phải con đẻ mà chỉ là con nuôi của cha mẹ cô hiện nay, tên của cô cũng được cha mẹ nuôi đặt lại, lấy theo họ của cha mẹ nuôi. Cuối năm đó, trong dịp về quê ăn Tết, Hoàng đồng ý cho Thanh vay 500 triệu đồng để đầu tư buôn bán trong thời hạn 1 năm, việc vay nợ có lập thành văn bản có chữ ký hai bên. 
Lo sợ mất trắng món nợ “khủng”  vì người vay thay tên, đổi họ

Sau đó anh Hoàng về Pháp, hết thời hạn vay 1 năm, thay vì phải trả tiền cho Hoàng thì cô gái kêu làm ăn khó khăn và khất nợ. Thời gian sau đó hai người vẫn giữ liên lạc với nhau, tuy nhiên tình cảm yêu đương giữa hai người dần phai nhạt do “xa mặt cách lòng”. Đến khoảng tháng 11/2016 thì anh Hoàng mất liên lạc với Thanh. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh Hoàng về Việt Nam tìm hiểu thông tin thì mới tá hỏa biết tin “người trong mộng” hiện đã thay tên, đổi họ, chuyển hộ khẩu và chỗ ở đi nơi khác. 

Hoàng vô cùng hoang mang, vì ngoài tờ giấy ghi nợ có chữ ký của Thanh với họ tên, địa chỉ cũ thì anh không có gì chứng minh cô gái với tên họ khác, ở địa chỉ khác chính là cô Thanh từng vay nợ anh. Trường hợp này liệu anh có thể đòi được món nợ cũ hay đành lòng mất trắng?

Về tình huống của anh Hoàng, luật sư tư vấn như sau: Theo Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2005, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây: Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại; Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính; các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định. Luật cũng quy định rõ: Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó; việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, nếu không còn làm con nuôi của người khác thì công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cải chính họ của mình theo họ của cha mẹ ruột.

Từ các dữ liệu anh cung cấp, luật sư thấy rằng, việc cô Thanh thay tên, đổi họ là đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của cô ấy, nên anh Hoàng sẽ rất khó chứng minh mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền nợ. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định: “Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ” thấy rằng, dù cô ấy có thay tên mới nhưng vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán món nợ cũ chưa trả. Anh có thể làm thủ tục kiện đòi cô người yêu cũ theo thủ tục tố tụng dân sự để lấy lại món tiền trên. 

Đọc thêm