Mẹ trầm cảm dìm chết con 9 tháng tuổi rúng động TP Bảo Lộc có thể đối diện tội danh nào?

(PLVN) - "Nếu kết quả giám định cho thấy đối tượng T thực sự bị hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi do căn bệnh trầm cảm vào thời điểm thực hiện hành vi giết người, đây có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ (theo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017) và là căn cứ để giảm mức phạt cho đối tượng T", Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) - nhận định. 
Ngôi nhà nơi cháu bé 9 tháng tuổi tử vong.
Ngôi nhà nơi cháu bé 9 tháng tuổi tử vong.

Ngày 18/11, Công an TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết đang điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu L.T.Đ (9 tháng tuổi, ngụ phường Lộc Phát, TP.Bảo Lộc). Theo thông tin ban đầu, vào sáng 18/11, chị L.H.T (24 tuổi, mẹ của nạn nhân) đánh thức em ruột là anh H rồi khóc lóc và đi vào nhà tắm.

Thấy hành vi bất thường của chị gái, anh H liền đi theo và phát hiện cháu L.T.Đ tử vong trong xô nước ở nhà tắm. Khi những người thân trong gia đình gặng hỏi, chị T thừa nhận đã bế con vào nhà tắm, dìm cháu bé trong xô nước vì cháu khóc nhiều và không chịu ngủ.

Nhận được tin báo, Công an Phường Lộc Phát và Công an TP.Bảo Lộc đã cử lực lượng xuống hiện trường, tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, để phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu bé.

Được biết, vợ chồng chị T có 2 con, trong đó cháu Đ là con thứ hai. Chồng chị T. đang đi làm ăn xa, còn chị T sống cùng 2 con nhỏ và em trai. Hai năm nay, chị T bị trầm cảm, thường xuyên phải đi điều trị tại TP.HCM. Trước khi xảy ra sự việc, chị T cũng vừa trở về nhà vào ngày 17/11 sau chuyến điều trị.

Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết:  Theo thông tin điều tra ban đầu và lời khai của đối tượng T – mẹ nạn nhân, vụ án có dấu hiệu của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thoả mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh “Giết người” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, do nạn nhân mới chỉ 09 tháng tuổi. Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng T đã 24 tuổi và phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội phạm mà mình gây ra.

Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). 

Bên cạnh đó, đối tượng T còn có động thái thực hiện hành vi vi phạm đến cùng khi “dìm cháu bé trong xô nước đến khi chết” dù biết hành vi đó gây nguy hiểm cho nạn nhân, cụ thể dẫn đến hậu quả gây thiệt hại đến tính mạng của cháu bé. Đối với tội danh này, đối tượng có thể bị áp dụng khung hình phạt từ là 12 năm tù giam đến tử hình.

Tuy nhiên, cần phải xét đến chi tiết “hai năm nay T bị bệnh trầm cảm, thường xuyên phải đi điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Cụ thể, trong quá trình điều tra, cơ quan công an phải tiến hành giám định tâm thần đối với đối tượng T, để từ đó đưa ra kết luận về năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, nếu kết quả giám định cho thấy đối tượng T thực sự bị hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi do căn bệnh trầm cảm vào thời điểm thực hiện hành vi giết người, thì đây có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ (theo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017) và là căn cứ để giảm mức phạt cho đối tượng T. Ngoài ra, trong trường hợp kết quả giám định cho thấy đối tượng T có dấu hiệu của bệnh tâm thần, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra.

Đọc thêm